Muốn livestream ở Trung Quốc phải có chuyên môn
Cuối tháng 6, một động thái đáng chú ý từ phía Trung Quốc là Cục Phát thanh Truyền hình, Bộ Du lịch - Văn hóa Trung Quốc đã ban hành Bộ quy định quản lý những người livestream trên mạng – một thị trường đang phát triển “nóng” ở đất nước tỷ dân với khoảng 700 triệu người xem và tham gia từ đủ mọi lĩnh vực, ngành nghề: giảng dạy, biểu diễn, bán hàng,… Ước tính, ngành livestream ở Trung Quốc đạt khoảng 30 tỷ USD mỗi năm.
Ngành livestream tỷ đô tại Trung Quốc bị Chính phủ “tuýt còi” bởi xuất hiện nhiều biến tướng. |
Trước đó, cơ quan chức năng Trung Quốc đã có quy định cấm người livestream khoe thân, khoe của, phát ngôn tục tĩu, gây sốc để “câu view”; không được kêu gọi người hâm mộ tặng quà, tặng tiền; cấm trẻ dưới 16 tuổi livestream; cấm các đơn vị cung cấp dịch vụ livestream sau 22h cho trẻ vị thành niên. Công ty cung cấp dịch vụ chịu trách nhiệm liên đới đối với các trường hợp vi phạm. Những cá nhân vi phạm bị đưa vào “danh sách đen” và bị cấm lên sóng. Mặt khác, vào đầu tháng 3, Trung Quốc cũng ban hành quy định hạn chế các công ty hoặc nhà phát triển sử dụng thuật toán gây nghiện cho ứng dụng của mình.
Còn với quy định mới nhất, thông tin được đưa lên livestream còn bị kiểm duyệt chặt chẽ hơn. Cụ thể, những người livestream phải đảm bảo nội dung phù hợp với định hướng chính trị, tuyên truyền công cộng, đảm bảo những giá trị cốt lõi của chủ nghĩa xã hội. Đối với những lĩnh vực như y tế, tài chính, luật, giáo dục, người livestream phải có trình độ chuyên môn mới được phát livestream. Bên cạnh đó, pháp luật Trung Quốc hiện hành cũng cấm phát những nội dung vi phạm pháp luật, vi phạm trật tự công cộng, quảng bá nội dung sai trái gây ra những hành vi, thói xấu cho xã hội, nhất là trẻ vị thành niên, kích động bạo lực trên không gian mạng. Chế tài được nêu ra rõ ràng đối với cá nhân và doanh nghiệp cung cấp dịch vụ.
Theo thống kê của Cục Không gian mạng Trung Quốc (CAC), đến năm 2021 có 1,34 tỷ tài khoản trực tuyến bị khoá, 7.200 người có ảnh hưởng bị chặn và 2.160 ứng dụng bị xóa. Cơ quan này cho biết đã ngăn hàng loạt vụ tấn công và lạm dụng trực tuyến. Trước lợi nhuận khủng, không ít người đã lợi dụng các mạng xã hội để lan truyền những thông tin không được kiểm chứng, sai sự thật, phản cảm, thậm chí chống phá Nhà nước nhằm kích động, trục lợi. Chính vì thế, giới chức Trung Quốc khẳng định không thể đánh đổi tăng trưởng kinh tế bằng những hậu quả xã hội to lớn từ lĩnh vực phát triển quá “nóng” này, việc ban hành các chính sách nghiêm ngặt nhằm điều chỉnh công tác quản lý thông tin trên các mạng xã hội là biện pháp tất yếu.
Liên minh Châu Âu phạt nặng với tin giả
Liên minh Châu Âu (EU) cũng nhận thức rõ về các mối đe dọa từ việc mất an toàn an ninh mạng từ rất sớm. Trong kỷ nguyên chuyển đổi số, từ những năm 2000, EU đã ban hành những tiêu chuẩn về an ninh mạng trong chiến lược quốc gia và khu vực. Theo đó, hành lang pháp lý về đảm bảo an ninh mạng ở EU bao gồm Luật An ninh mạng và các chiến lược khác nhau liên quan tới an ninh mạng. Tuy nhiên, những năm gần đây, vấn đề chia sẻ thông tin giả tràn lan trên mạng xã hội lại đặt ra nhiều mối nguy cơ khác đối với an ninh quốc gia, đặc biệt là những thông tin xấu, độc hại có nguy cơ gây rối an ninh, trật tự xã hội. Do đó, giới chức EU đã thống nhất cần có hành lang pháp lý chặt chẽ hơn để ứng phó với những nguy cơ từ sự phát triển “vũ bão” của mạng xã hội, đặc biệt sau đại dịch COVID-19, lượng người dùng tăng nhanh đột biến.
Các “ông lớn” mạng xã hội đối mặt với án phạt nặng ở châu Âu nếu không có biện pháp chống tin giả. |
Theo Bộ quy tắc cập nhật chống thông tin sai lệch của Ủy ban Châu Âu công bố mới đây, các mạng xã hội Google, Facebook, Twitter và các công ty công nghệ khác sẽ phải có biện pháp chống “deepfake” và các tài khoản giả mạo trên nền tảng của mình, nếu không có thể bị phạt nặng. Được biết, “deepfake” là các sản phẩm công nghệ giả mạo siêu thực dưới dạng âm thanh, hình ảnh hoặc video được tạo ra bằng kỹ thuật máy tính. Mô hình công nghệ này đã trở thành mối đe doạ với nền chính trị của nhiều quốc gia.
Trả lời báo chí, ông Thierry Breton, quan chức phụ trách chống thông tin sai lệch của EU cho biết: “Trong những năm qua, các mạng xã hội nổi tiếng đã cho phép các chiến lược truyền bá thông tin sai lệch và gây bất ổn lan tràn mà không bị kiểm soát, thậm chí còn kiểm tiền từ việc này. Do đó, không thể tiếp tục để cho thông tin sai lệch là một nguồn thu nhập. Biện pháp ngăn chặn tốt nhất là cắt nguồn tài trợ thông tin sai lệch một cách triệt để. Theo đó, các nền tảng mạng xã hội không được tiếp tục nhận dù chỉ 1 euro từ việc lan truyền thông tin sai lệch”.
EU áp dụng Bộ quy tắc tự nguyện vào năm 2018 nhưng trước diễn biến phức tạp của việc lan truyền thông tin giả, không kiểm chứng trên các mạng xã hội, bộ quy tắc cập nhật chính là cơ chế chia sẻ trách nhiệm giữa các cơ quan quản lý và các tổ chức, doanh nghiệp công nghệ đã ký cam kết. Bên cạnh đó, EU cũng đã có sẵn các quy định nghiêm ngặt về chống thông tin sai lệch trong Luật Dịch vụ kỹ thuật số đã được các nước thành viên EU nhất trí đầu năm nay. Theo các quy định hiện hành, các công ty không thực hiện đúng nghĩa vụ theo Bộ quy tắc có thể đối mặt với mức phạt lên tới 6% doanh thu toàn cầu của công ty.
Ấn Độ cấm hơn 200 mạng xã hội
Ấn Độ là một trong những quốc gia “mạnh tay” nhất đối với các nền tảng mạng xã hội nhằm phòng tránh các tổn hại đến đất nước. Không chỉ ban hành những quyết sách nghiêm ngặt nhằm quản lý việc chia sẻ thông tin, giới chức quốc gia này sẵn sàng “đóng cửa” với hàng trăm nền tảng mạng xã hội, bất kể nguồn lợi nhuận chúng có thể mang lại là bao nhiêu.
Ấn Độ “nói không” với hơn 200 mạng xã hội. |
Đơn cử là câu chuyện của TikTok. Năm 2016, TikTok “đặt chân” vào thị trường Ấn Độ, nhanh chóng biến quốc gia này trở thành một trong những thị trường lớn nhất của ByteDance, chỉ sau Trung Quốc. Thống kê vào tháng 4/2020 cho thấy 30% lượt tải xuống của TikTok đến từ Ấn Độ. Tuy nhiên, điều bất ngờ với hàng triệu người dùng Ấn Độ là tháng 6/2020, Chính phủ nước này đã ban hành lệnh cấm dùng ứng dụng TikTok cùng 58 ứng dụng di động khác. Lý do là các ứng dụng này gây ảnh hưởng đến chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, quốc phòng, an ninh và trật tự công cộng của quốc gia này. Bởi lệnh cấm này, ByteDance đã phải rút khỏi thị trường “béo bở” này.
Vào tháng 2/2021, Chính phủ Ấn Độ đã công bố các quy định mới về thắt chặt quản lý nội dung kỹ thuật số trên các mạng xã hội Facebook, Twitter,… Quy định này bao gồm một cơ chế giám sát nghiệm ngặt gắn với Bộ quy tắc đạo đức khi đăng tải nội dung trên các ứng dụng mạng xã hội, cùng với cơ chế giải quyết khiếu nại 3 cấp đối với các trang web tin tức, mạng xã hội. Đáng nói, tại thời điểm này, Hạ viện Úc cũng vừa thông qua dự luật “Bộ quy tắc thương lượng truyền thông", buộc các công ty nền tảng như Facebook và Google đóng vai trò trung gian phân phối tin tức, phải trả tiền cho các tổ chức truyền thông địa phương.
Còn theo Bộ Công nghệ thông tin Ấn Độ, dựa vào Bộ quy định hiện hành có thể xác định cách thức Chính phủ Ấn Độ quản lý các tổ chức tin tức kỹ thuật số, nền tảng truyền thông xã hội, chiếu phim trực tuyến. Theo đó, các công ty truyền thông xã hội buộc phải gỡ xuống những nội dung bất hợp pháp, sai lệch và mang tính bạo lực trong vòng 24 giờ kể từ khi có khiếu nại. Các công ty công nghệ phải tuân thủ việc tiết lộ người gửi tin nhắn hoặc đăng bài viết khi được yêu cầu, thông qua một mệnh lệnh có tính pháp lý. Như vậy, người dùng mạng xã hội sẽ được trao thêm quyền hạn, ví như giám sát, tố cáo,…; còn các công ty truyền thông xã hội lớn phải chịu ràng buộc trách nhiệm lớn hơn cũng như trách nhiệm giải trình cao hơn đối với những nội dung được chia sẻ qua các nền tảng của họ.
Ấn Độ từng là “chiến trường” của rất nhiều “ông lớn” mạng xã hội như Youtube, Facebook, Twitter, Whatsapp, TikTok… trong một thập kỷ qua. Nhưng với việc thắt chặt các chính sách về thông tin trên mạng xã hội, tính đến nay, Ấn Độ cấm hơn 200 ứng dụng của Trung Quốc xuất hiện tại Ấn Độ, bao gồm TikTok, Baidu, WeChat, trình duyệt UC, ứng dụng mua sắm Club Factory, Mi Video Call (của Xiaomi), Weibo...