Việc đảm bảo an ninh lương thực toàn cầu đòi hỏi một thị trường thế giới hoạt động ổn định và hệ thống thương mại công bằng, không có sự phân biệt đối xử. Đó là những ý kiến được nêu trong Tuyên bố do các Bộ trưởng Nông nghiệp bốn nước Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc đã ký tại Matxcơva ngày 26/03.
Hội nghị cấp cao tại thủ đô Nga là sự tiếp nối của diễn đàn BRIC qui mô được khởi đầu năm ngoái tại Ekaterinburg. Tại đó đã thông qua những quyết định phát triển sự hợp tác nhiều mặt. Theo ghi nhận của Bộ trưởng Nông nghiệp Nga Елена Скрынник (Elena Skrynnik ) tới thời điểm này đã đạt được việc đề ra phương hướng chính trong lĩnh vực nông nghiệp: “Sự hợp tác đã được trù định trong hoạt động xây dựng cơ sở thông tin chung, sẽ làm tăng doanh thu các sản phẩm nông nghiệp giữa các nước BRIC. Đó cũng là thảo ra chiến lược bảo đảm dinh dưỡng cho các tầng lớp dân nghèo, hướng tiếp cận chung trước các quá trình khí hậu toàn cầu, cũng như hợp tác về công nghệ tiên tiến trong ngành nông nghiệp các nước BRIC”.
Bốn quốc gia BRIC có những đóng góp quan trọng cho rổ lương thực toàn cầu. BRIC nắm khoảng 40% sản lượng lúa mì, chiếm 50% khối lượng thịt lợn và hơn 30% thịt gia cầm được sản xuất trên thế giới. Trên các lãnh thổ của nhóm có khoảng 3 tỉ người đang sinh sống, tức 42% dân số hành tinh. Tất nhiên, bằng việc bảo đảm lương thực cho mình, bốn quốc gia này đang đóng góp đáng kể cho an ninh lương thực thế giới.
Chuyên gia Andrei Volodin thuộc Viện Kinh tế thế giới và quan hệ quốc tế nhấn mạnh: “Hãy lấy dân số Ấn Độ và Trung Quốc. Đây là hai quốc gia đông dân nhất trên thế giới. Họ có thể đóng một vai trò toàn cầu, khi cung cấp cho người dân của mình thức ăn chất lượng với giá cả phù hợp. Bằng cách như vậy, chúng ta làm giảm bớt phần nào vấn đề gay go về lương thực trên thế giới. Khía cạnh thứ hai ở đây là sự cần thiết hợp tác theo chiều ngang trong lĩnh vực nông nghiệp giữa các quốc gia”.
Hội nghị tại Matxcơva đã khẳng định, các quốc gia BRIC muốn phối hợp chặt chẽ hơn trong khuôn khổ “bộ tứ”. Hiện nay, Nga đứng trong số các nhà sản xuất ngũ cốc hàng đầu thế giới. Nga cũng có nguyện vọng xuất khẩu nhiều hơn ngũ hạt, ví dụ tới thị trường lớn của Brazil. Trong khi đó, thịt từ Brazil đang chiếm hơn một nửa trọng lượng thịt nhập khẩu của Nga. Vấn đề cung cấp lúa mì Nga cho Trung Quốc cũng đang tích cực được thảo luận. Như vậy, các quan hệ song phương đang có những triển vọng tốt trước tiềm năng tiêu thụ to lớn của các nước BRIC.