Ngày 23/9, Đoàn giám sát của Thường trực HĐND tỉnh do đồng chí Nguyễn Văn Vượng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với UBND tỉnh để đánh giá hiệu quả một số nghị quyết chuyên đề của HĐND tỉnh (giai đoạn 2006-2010), tham gia Đoàn giám sát có đồng chí Đỗ Mạnh Hùng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh, đồng chí Đinh Văn Thể, Phó chủ tịch HĐND tỉnh, đồng chí Nguyễn Đình Bàng, Ủy viên thường trực HĐND tỉnh, Ủy ban MTTQ tỉnh và lãnh đạo chuyên trách các Ban của HĐND tỉnh.
Theo báo cáo của UBND tỉnh, các nghị quyết của HĐND tỉnh ban hành đã tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2006-2010, tạo điều kiện cho tỉnh thực hiện thắng lợi toàn diện các mục tiêu của Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đề ra.
Đồng chí Đặng Viết Thuần, Phó chủ tịch UBND tỉnh báo cáo kết quả thực hiện với Đoàn giám sát |
Kết quả thực hiện Nghị quyết số 26 về phát triển kinh tế-xã hội tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2006-2010: Trong bối cảnh suy thoái kinh tế thế giới, suy giảm kinh tế trong nước, tỉnh vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng kinh tế, sản xuất kinh doanh trong các ngành, lĩnh vực tiếp tục phát triển. Một số chỉ tiêu đạt được ở một số ngành, lĩnh vực chủ yếu (tính bình quân trong 5 năm): Tốc độ tăng trưởng kinh tế ước đạt 11,11%, ngành công nghiệp-xây dựng dự ước tăng 14,91%, ngành dịch vụ đạt 11,86%, thu ngân sách ước đạt 7.594,4 tỷ đồng, vượt mục tiêu đề ra, GDP bình quân dự kiến đạt khoảng 17,4 triệu đồng/người.
Kết quả thực hiện Nghị quyết số 28 về chương trình phát triển công nghiệp giai đoạn 2006-2010: Chỉ tiêu tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn bình quân đạt 18,7%, tuy chưa đạt mục tiêu đề ra (22%), song cơ cấu kinh tế đã có sự chuyển dịch theo hướng tăng tỉ trọng ngành công nghiệp-xây dựng (tăng từ 38,76% lên 41,6%). Trong giai đoạn 2006-2009, đã có 251 dự án đăng ký đầu tư vào tỉnh với tổng vốn 100.140 tỷ, trong đó có 64 dự án với tổng vốn 31.300 tỷ đồng thuộc lĩnh vực sản xuất công nghiệp. Một số dự án công trình trọng điểm và dự án lớn đã hoàn thành đi vào hoạt động hiệu quả như: Dây chuyền lò quay của Công ty xi măng La Hiên; Công ty nhiệt điện Cao Ngạn; Công ty CP thương mại và đầu tư TNG, Nhà máy kẽm điện phân của Công ty kim loại màu Thái Nguyên, Nhà máy Xi măng Thái Nguyên.
Về việc triển khai thực hiện Nghị quyết thông qua Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng quặng sắt, quặng titan, UBND tỉnh đã giao sở Công Thương phối hợp triển khai, quán triệt nội dung của Nghị quyết đến các cấp, ngành và các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Đến nay, về cơ bản các mỏ quặng sắt, quặng titan trong quy hoạch đã có chủ trương đầu tư và chấp thuận đầu tư cho các nhà đầu tư (1/15 mỏ quặng titan, 17/43 mỏ quặng Sắt đã cấp phép khai thác; 17 hồ sơ thiết kế cơ sở các dự án đầu tư liên quan đến quặng sắt và titan đã được thẩm định). Hiệu lực quản lý nhà nước, trật tự, kỉ cương trong hoạt động khoáng sản được tăng cường.
Để tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết số 34 về việc cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp không đúng quy định (Chỉ ghi là thổ cư hoặc chữ “T”), UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 1597/2007/QĐ-UBND quy định điều chỉnh cấp đổi giấy CNQSD đất; giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở đối với thửa đất ở có vườn, ao đã cấp vượt hạn mức đất ở theo quy định do không tách diện tích đất ở và đất vườn, ao trên địa bàn tỉnh. Đến ngày 30/6/2009 toàn tỉnh đã cấp đổi xong được 29.320 trường hợp, đạt 96,42% kế hoạch đề ra. Những trường hợp còn lại (khoảng 1088 trường hợp), UBND tỉnh đã chấp thuận cho phép các địa phương tiếp tục thực hiện Quyết định số 1597 đến hết ngày 31/12/2010; yêu cầu các địa phương cần phân loại, xác định rõ nguyên nhân chậm cấp đổi để có biện pháp xử lý với từng trường hợp cụ thể.
Nghị quyết thực hiện Đề án bảo vệ môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá của Hội đồng nhân dân tỉnh được ban hành phù hợp với chủ trương, đường lối bảo vệ môi trường của Đảng và Nhà nước. Việc tổ chức thực hiện Nghị quyết đã nhận được sự quan tâm chỉ đạo, tạo điều kiện của Tỉnh uỷ, HĐND tỉnh; sự quan tâm, ủng hộ của các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội, các đơn vị trên địa bàn tỉnh. Theo tiến độ thực hiện đến năm 2010, một số chỉ tiêu đã hoàn thành mục tiêu kế hoạch, nhưng vẫn còn nhiều mục tiêu chưa đạt tỷ lệ theo yêu cầu, song kết quả đều đạt ở tỷ lệ cao, xấp xỉ tỷ lệ theo kế hoạch và đã có những đóng góp tích cực cho công tác bảo vệ môi trường của tỉnh.
Các đại biểu trong Đoàn giám sát đã thảo luận, phân tích, đề nghị làm rõ một số nội dung liên quan đến tiến độ thành lập quỹ hỗ trợ đầu tư, giải pháp về tạo vốn từ quỹ đất để xây dựng hạ tầng khu, cụm công nghiệp; về tính phù hợp, hiệu quả của các cơ chế và giải pháp trong nội dung các nghị quyết; giải pháp đẩy nhanh tiến độ xây dựng các khu xử lý rác thải, nâng cao tỷ lệ trường THPT đạt chuẩn quốc gia, xây dựng các tiêu chí thi đua khen thưởng về bảo vệ môi trường, lộ trình thực hiện công tác xã hội hóa về các lĩnh vực giáo dục, y tế và thể thao…
Đồng chí Nguyễn Văn Vượng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh kết luận buổi giám sát |
Thay mặt Đoàn giám sát, đồng chí Nguyễn văn Vượng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh kết luận:
Về ưu điểm, các nghị quyết chuyên đề do HĐND tỉnh ban hành đã phù hợp với điều kiện thực tế của tỉnh, là đòi hỏi bức xúc trong quá trình phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Các ngành đã tham mưu với HĐND ban hành nghị quyết đúng và trúng, có sự thẩm định kỹ trước khi trình ra kỳ họp HĐND tỉnh. Các ngành, các địa phương trong tỉnh có kế hoạch tổ chức thực hiện cụ thể, có địa phương cấp ủy ra nghị quyết chuyên đề để tổ chức thực hiện. Tình hình kinh tế-xã hội, an ninh quốc phòng có chuyển biến rõ rệt. Công tác quản lý vệ sinh môi trường có chuyển biến tích cực, nhận thức của đại bộ phận nhân dân được nâng lên. Nhiều mục tiêu đã đạt và vượt so với kế hoạch, trong bối cảnh hiện nay đó là nỗ lực phấn đấu và cố gắng rất cao. Giải quyết tốt một số vấn đề xã hội đáp ứng nguyện vọng của đông đảo cán bộ và nhân dân trong tỉnh như có chế độ phụ cấp, hỗ trợ cho cán bộ thôn xóm, tuyển dụng hàng nghìn giáo viên, cán bộ y tế vào biên chế, chuyển đổi các trường mầm non hệ bán công sang hệ công lập. Đã có một loạt các giải pháp hiệu quả để phát triển công nghiệp trên địa bàn như tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư, rà soát các thủ tục hành chính, thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông, kiện toàn tổ chức bộ máy, đổi mới cách đầu tư xây dựng hạ tầng công nghiệp. Nhiều dự án được khởi công trong năm 2009, trong đó có đường cao tốc Hà Nội-Thái Nguyên. Có nhiều chuyển biến tích cực trong công tác quản lý khoáng sản, các ngành và địa phương tích cực vào cuộc đã chặn đứng việc khai thác và vận chuyển quặng trái phép. Công tác quản lý nhà nước đã được nâng lên một bước, khắc phục sự chồng chéo, tranh chấp giữa các doanh nghiệp khai thác quặng.
Về hạn chế, tồn tại, một số chỉ tiêu chưa đạt so với mục tiêu đề ra; chuyển dịch cơ cấu kinh tế có tích cực nhưng chưa đạt mục tiêu, giảm nghèo chưa bền vững, tai nạn giao thông tệ nạn xã hội còn diễn biến phức tạp. Tiến độ thực hiện một số dự án còn chậm, công nghệ lạc hậu dẫn đến nguy cơ ô nhiễm môi trường.
Nguyên nhân chủ yếu của các hạn chế, tồn tại nêu trên , đồng chí Nguyễn Văn Vượng cho rằng suy thoái kinh tế thế giới, suy giảm kinh tế trong nước đã tác động đến Thái Nguyên, công tác giải phóng mặt bằng không đạt tiến độ làm trì trệ tới các nhà đầu tư. Cải cách hành chính có cố gắng nhưng chưa đồng bộ, còn có chỗ ách tắc. Chính sách đền bù giải phóng mặt bằng thay đổi nhiều. Một bộ phận CBCC chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, chưa tận tâm tận tụy với công việc, cá biệt có cán bộ còn vi phạm kỷ luật, gây nhũng nhiễu với dân. Nguồn vốn đầu tư cho các dự án còn hạn chế, nhiều khi không cân đối được.
Đồng chí Nguyễn Văn Vượng cũng kiến nghị với UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo thực hiện tốt các nghị quyết chuyên đề của HĐND tỉnh, tăng cường công tác kiểm tra sau khi các dự án đi vào hoạt động; tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi và vận dụng cơ chế của tỉnh để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, nhất là các nhà máy xử lý rác thải, nước thải. UBND tỉnh chỉ đạo các ngành tiếp thu các ý kiến, kiến nghị của Đoàn giám sát để tham mưu bổ sung hoàn chỉnh báo cáo. Đề nghị các Ban HĐND tỉnh xây dựng các mục tiêu có tính khả thi cao, cân đối nhiều mặt, đặc biệt là khả năng tài chính khi ban hành các nghị quyết chuyên đề, tăng cường kiểm tra, giám sát thực hiện nghị quyết sau khi ban hành. Thông qua hoạt động thực tiễn sẽ phát hiện khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ, rút kinh nghiệm để ban hành các nghị quyết sát với thực tiễn hơn, hiệu quả hơn trong việc phát triển kinh tế xã hội của địa phương.
Đình Hải