Bài I: Kịch bản chuyển đổi thành khu công nghiệp… để bán
Trong thời gian gần đây dư luận Đồng Nai đặc biệt quan tâm đến chuyện chủ đầu tư Donafoods bán khu công nghiệp Long Đức (thuộc huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai) cho nhà đầu tư nước ngoài sau gần 8 năm “ngâm” đất.
Mặt bằng khu công nghiệp Long Đức vẫn còn ngổn ngang. |
Một lần “thoát xác”, 37 tỷ đền bù
Tháng 11/2004, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai có văn bản đề nghị Thủ tướng Chính phủ xét phê duyệt bổ sung KCN Long Đức vào Quy hoạch phát triển các khu công nghiệp (KCN) đến năm 2010. Theo đó, dự án KCN Long Đức tại xã An Phước và xã Long Đức, huyện Long Thành, diện tích 450ha, có nguồn gốc đất thuộc Nông trường Tam Lợi (270ha) và đất trông cao su (180ha).
Tại thời điểm này toàn bộ số đất trên được giao cho Công ty Chế biến XNK nông sản thực phẩm Đồng Nai (Donafoods) tổ chức sản xuất giống điều cao sản và kinh doanh vườn điều kết hợp với chăn nuôi bò sữa từ năm 1998. Văn bản của UBND tỉnh Đồng Nai nói rằng, Donafoods đã xin chuyển mục đích sử dụng quỹ đất trên để kinh doanh hạ tầng KCN do nhận thấy sản xuất nông nghiệp là không phát huy hiệu quả. Giai đoạn I của dự án sẽ sử dụng toàn bộ 270 ha của Nông trường Tam Lợi và giai đoạn II sẽ đến lượt 180ha đất trồng cao su tại xã Long Đức.
Ngay sau khi có chủ trương chuyển đổi thành KCN Long Đức, Donafoods đã tổ chức thành lập Công ty CP Long Đức để thực hiện dự án. Số vốn ban đầu là 30 tỷ đồng, trong đó Donafoods nắm giữ 40% cổ phần, 60% cổ phần còn lại do hai đối tác bên ngoài là doanh nghiệp tư nhân nắm giữ. Tháng 12/2004 UBND tỉnh Đồng Nai đã có quyết định “phê chuẩn phương án bồi thường” phục vụ thu hồi đất thực hiện dự án KCN của Công ty CP Long Đức với số tiền gần 37 tỷ đồng. Toàn bộ số tiền này được giao trở lại cho Donafoods để quản lý, hạch toán và sử dụng theo “đúng quy định của nhà nước”.
Nhưng nhiều năm trôi qua, hình hài KCN vẫn chưa thấy đâu. Đầu tháng 7/2012 có mặt tại địa bàn, theo quan sát của chúng tôi KCN Long Đức vẫn chỉ là một đại công trường, các loại xe xúc, xe ủi, xe ben vẫn đang… loay hoay san lấp mặt bằng.
Kịch bản “giữ để bán”?
Sự chậm trễ này thật khó giải thích vì KCN Long Đức được đánh giá là một trong những KCN rất có tiềm năng phát triển, bao gồm: vị trí rất đắc địa (sát dự án quy hoạch sân bay quốc tế Long Thành, gần đường cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây và quốc lộ 51); có nền đất chắc, giảm được chi phí xử lý nền móng khi xây dựng nhà xưởng; rồi hàng loạt ưu đãi của địa phương dành cho chủ đầu tư…
Ông Lý Trường Sơn, Phó tổng giám đốc Công ty CP Long Đức và là người đại diện phần vốn của Donafoods cho biết: “Tuy có đầu tư vào KCN Long Đức nhưng ban đầu công ty chủ yếu dùng tiền vốn làm một số con đường nhỏ nội ô, còn lại đến tận năm 2009 khi có đối tác Nhật Bản vào tìm hiểu thì công ty mới cho triển khai việc chặt bỏ hết cây điều để triển khai mạnh mẽ hơn”.
Như vậy, hồ nghi của dư luận về kịch bản: xía phần, đầu nhỏ giọt rồi chờ cơ hội sang nhượng dự án kiếm lời của Công ty CP Long Đức rõ ràng là rất có cơ sở. Trên thực tế, ngay sau tìm được “đối tác”, Công ty CP Long Đức đã chuyển nhượng gần hết phần vốn cho hợp doanh giữa ba tập đoàn của Nhật Bản: Sojitz Corporation, Daiwa House Industry và Kobelco Eco-Solution. KCN Long Đức được chuyển đổi thành Công ty TNHH hai thành viên do phía Nhật Bản nắm giữ 88% cổ phần, còn lại Donafoods chỉ nắm giữ 12% cổ phần. Dự án, đã chính thức khởi công lại vào tháng 3/2012, với số vớn đầu tư mới là 1.100 tỷ đồng.
Trường Lưu (còn tiếp)