Để có điều kiện đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa, hội nhập kinh tế quốc tế, xây dựng tỉnh Thái Nguyên trở thành vùng kinh tế trọng điểm Bắc Thủ đô Hà Nội và chuẩn bị tốt các nội dung báo cáo xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ về một số dự án lớn trên địa bàn, sáng 23/7, UBND tỉnh đã tổ chức Hội nghị xin ý kiến của các bộ, ngành Trung ương đóng góp vào một số dự án lớn.
Đến dự có các đồng chí: Nguyễn Hồng Quân, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Xây dựng; Hoàng Tuấn Anh, Uỷ viên Trung ưởng Đảng, Bộ trưởng Bộ - Văn hóa Thể thao và Du lịch; lãnh đạo các bộ: Nông nghiệp và PTNT, Giáo dục - Đào tạo; Giao thông - Vận tải; Tài nguyên và Môi trường…
Làm việc với lãnh đạo các bộ, có các đồng chí: Nguyễn Văn Kim, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ; Phạm Xuân Đương, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành, các địa phương liên quan và đại diện các doanh nghiệp đang triển khai dự án trên địa bàn tỉnh.
Đồng chí Phạm Xuân Đương phát biểu chào mừng và giới thiệu khái quát về một số tiềm năng, thế mạnh của tỉnh; một số thành tựu mà tỉnh đã đạt được trong thời gian qua; giới thiệu về các dự án trọng điểm đã, đang và sẽ triển khai trên địa bàn. Theo đó, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, song Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Thái Nguyên đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận: Tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt khá cao và phát triển toàn diện, văn hóa - xã hội có nhiều chuyển biến tích cực, an ninh - chính trị được giữ vững và ổn định, đời sống của nhân dân tiếp tục được nâng cao; thu hút đầu tư trong và ngoài nước đã có bước phát triển tích cực và hiệu quả…
Hội nghị đã nghe báo cáo quy hoạch về một số dự án lớn để xin ý kiến đóng góp của các bộ, ngành Trung ương. Đối với quy hoạch xây dựng vùng du lịch hồ Núi Cốc, UBND tỉnh đã phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch xây dựng Vùng du lịch hồ Núi Cốc đến năm 2020 và giao cho liên danh Công ty TNHH Dehevanand và Công ty TNHH Tư vấn kỹ thuật R.K.V (Thái Lan) với Công ty cổ phần Trung Tín (Việt Nam) lập quy hoạch xây dựng Vùng du lịch hồ Núi Cốc, với quy mô gần 190km2, dân số 44.000 người, bao gồm 8 xã và một thị trấn. Hiện nay, đơn vị tư vấn đang tích cực triển khai công tác lập quy hoạch. Về quy hoạch này, tỉnh Thái Nguyên có một số đề nghị: Để hoàn chỉnh đồ án quy hoạch đề nghị Thủ tướng Chính phủ đồng ý và cho phép một số công ty liên danh được lập quy hoạch chi tiết và lập dự án khu du lịch sinh thái và vui chơi có thưởng tại một số ốc đảo thuộc khu du lịch hồ Núi Cốc; đề nghị Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch quan tâm sớm thẩm định trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Khu du lịch hồ Núi Cốc là Khu du lịch trọng điểm Quốc gia; đề nghị Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư quan tâm có kế hoạch cấp vốn cho việc lập quy hoạch xây dựng Vùng du lịch hồ Núi Cốc và vốn cho xây dựng đường du lịch ven hồ.
Đối với Dự án hầm xuyên Tam Đảo, UBND tỉnh Thái Nguyên và Vĩnh Phúc đã có sự thống nhất về việc lập quy hoạch và lập dự án hầm đường bộ qua núi Tam Đảo nối 2 khu du lịch nổi tiếng Tam Đảo và hồ Núi Cốc. Bộ Xây dựng đã giao cho Tổng Công ty Sông Đà, Tổng Công ty xây dựng Hà Nội, Tổng Công ty cổ phần BOT Cầu Phú Mỹ lập quy hoạch và dự án đầu tư xây dựng. Quy mô đường hầm xuyên Tam Đảo có chiều dài 1,9km; chiều dài đường làm mới 25km; cao độ của đường hầm được xây dựng tại cốt 300… Về quy hoạch Dự án này, tỉnh có một số đề nghị Chính phủ giao cho Bộ Xây dựng hoặc Bộ Giao thông Vận tải chủ trì chỉ đạo Dự án; khi có quyết định cụ thể, đề nghị các bộ giao cụ thể cho tập đoàn hoặc tổng công ty triển khai phối hợp với 2 tỉnh để lập quy hoạch và triển khai lập dự án…
Đối với Dự án Tổ hợp khu công nghiệp, nông nghiệp, đô thị và dịch vụ Yên Bình, với quy mô Dự án có diện tích lập quy hoạch 8009,1ha, dân số 235.000 người. Hiện nay, Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Yên Bình đã tổ chức lập quy hoạch chi tiết 1/2.000 và đang lập một số dự án đầu tư xây dựng. Về quy hoạch Dự án này, tỉnh có một số đề nghị: Đề nghị Chính phủ, và một số bộ, ngành Trung ương quan tâm, có cơ chế chính sách hỗ trợ ưu đãi đặc biệt cho các dự án vào Khu tổ hợp Yên Bình; đối với các dự án đầu tư xây dựng vào Khu tổ hợp, xin được báo cáo Thủ tướng Chính phủ thông qua đồ án Quy hoạch xây dựng chung tỷ lệ 1/5.000; đề nghị Bộ Giao thông Vận tải tạo điều kiện điều chỉnh một số nút giao thông giữa Quốc lộ 37 vào đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên để việc giao thông trong khu vực được thuận lợi.
Đối với quy hoạch Vùng ATK liên hoàn 3 tỉnh Thái Nguyên - Tuyên Quang - Bắc Kạn, tỉnh đề nghị Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Bộ Xây dựng sớm thẩm định nhiệm vụ thiết kế để trình Thủ tướng Chính phủ, lập quy hoạch; đề nghị Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư quan tâm đầu tư vốn để lập quy hoạch và xây dựng hạ tầng kỹ thuật kết nối giữa các khu ATK, các di tích gốc ở 3 tỉnh vùng ATK.
Chiều cùng ngày, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã làm việc với lãnh đạo tỉnh về các dự án du lịch. Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đánh giá cao những mạnh dạn của Thái Nguyên trong việc xây dựng các dự án. Quy hoạch Khu du lịch Hồ Núi Cốc là cần thiết và kịp thời. Tuy nhiên, cần phải chọn từng việc ưu tiên để làm trước. Trong lập quy hoạch cần bám sát các sở cứ mang tính pháp lý và khả năng thu hút khách du lịch. Chú ý đầu tư những sản phẩm mũi nhọn. Về quy hoạch khu ATK liên hoàn, cần khai thác các giá trị lịch sử gắn với phát triển du lịch. Sản phẩm du lịch tránh trùng lặp với các tỉnh trong vùng. Trong tổ chức các hoạt động cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các tỉnh. Bộ trưởng lưu ý về Đề án tổ chức Festival Trà quốc tế tại Thái Nguyên, nên tổ chức vào tháng 11/2011 thay cho dự kiến tháng 4/2011. Thái Nguyên cũng nên tổ chức các hội nghị xúc tiến du lịch, đào tạo đội ngũ hướng dẫn viên, đẩy mạnh công tác xã hội hóa để Festival diễn ra đúng kế hoạch.
Sau khi nghe lãnh đạo tỉnh và một số doanh nghiệp báo cáo về quy hoạch các dự án, các đại biểu đã ghi nhận Thái Nguyên đã mạnh dạn và năng động tích cực chuyển đổi nhanh theo cơ chế mới. Việc quy hoạch tổng thể và quy hoạch chi tiết là rất cần thiết cho phát triển kinh tế - xã hội, có như vậy mới có phát triển đúng hướng và bền vững. Tuy nhiên, việc quy hoạch phát triển phải được tính toán kỹ lượng, dựa vào tiềm năng thế mạnh của địa phương; ưu tiên quy hoạch, phát triển các dự án đem lại nguồn lợi trước mắt và lâu dài cho nhà nước, nhân dân và doanh nghiệp; quy hoạch phát triển các khu cụm công nghiệp, các dự án về du lịch... phải tính toán, quan tâm bảo vệ môi trường, đặc biệt là đời sống của nhân dân vùng ảnh hưởng của dự án...
Lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên đã nghiêm túc tiếp thu những ý kiến đóng góp của lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương và sẽ vận dụng vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội địa phương, trước mắt sẽ hoàn thiện nội dung để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt các dự án lớn dành cho Thái Nguyên.
Theo"TháiNguyênđiệntử"