Ca sĩ Kyo York: 'Âm nhạc Việt Nam thay đổi cuộc đời tôi'

Ca sĩ Kyo York
Ca sĩ Kyo York
(PLO) -“Ca hát là một điều rất tự nhiên. Nó đến từ tâm hồn bạn. Đó là một ngôn ngữ quốc tế mà tất cả mọi người trên thế giới đều có thể cảm nhận được và hiểu được. Đối với tôi, âm nhạc Việt Nam là “kênh” đã giúp tôi hiểu văn hóa Việt Nam, con người Việt Nam nhanh chóng.  Và ca hát đã giúp tôi thay đổi cuộc đời…”, ca sĩ Kyo York chia sẻ.

Nổi lên từ game show “Gương mặt thân quen”, chàng trai người Mỹ này đã khiến đông đảo khán giả ngạc nhiên bởi khả năng nói và hát tiếng Việt điêu luyện. Đến Việt Nam và trở thành ca sĩ đối với Kyo mà nói, đó là duyên số và cả một quá trình.

Kyo bảo tôi, anh sẽ tiếp tục đi trên con đường ấy vì đam mê và vì tình cảm của khán giả dành cho mình; vì với anh, Việt Nam là đất nước của những nụ cười, của sự hiếu khách, và anh có một tình yêu lớn lao với mảnh đất này, không thể dứt ra được.

Từ kỹ sư trở thành ca sĩ

Kyo York là con út trong một gia đình có 3 anh em trai ở Mỹ. Kyo kể, vì gia đình không khá giả, nên ngay từ nhỏ anh đã sống tự lập. Sau giờ học, anh tranh thủ đi làm ở lò bánh mì để kiếm tiền trang trải cho bản thân.

Hiếm hoi lắm mới gặp gỡ bạn bè, nhưng cũng chỉ trong khoảng một tiếng đồng hồ rồi về nhà ngủ để hôm sau đi học. Lịch trình của chàng trai trẻ cứ đều đặn như thế suốt quãng thời gian học phổ thông.

Khi vào đại học, Kyo học ngành công nghệ thông tin và cũng tranh thủ làm thêm ở một công ty sửa chữa máy tính, từ 9h tối đến 9h sáng hôm sau. 

Kyo kể, anh đến Việt Nam vào cuối năm 2009 trong một dự án dạy tiếng Anh ở Hậu Giang. Và quá trình dạy tiếng Anh ở Việt Nam là một trải nghiệm mới lạ, sâu sắc và nhiều kỷ niệm với anh. Đó cũng là lần đầu anh được làm thầy giáo. Cũng chính nhờ những ngày đứng lớp, chàng trai người Mỹ nhận thấy nếu biết tiếng Việt sẽ tốt hơn, có thể hiểu về văn hóa và con người Việt Nam nhiều hơn. 

Thời gian đầu, nghe mọi người nói tiếng Việt, anh thấy rất khó học. Nhưng rồi, Kyo vẫn quyết tâm đeo đuổi với niềm tin “Không có việc gì khó, chỉ sợ lòng không bền”.

Kyo York cho biết: “Quả thật, tiếng Việt rất khó với người nước ngoài vì phát âm có dấu. Tôi tự học tiếng Việt bằng cách lắng nghe, ghi chép và tập phát âm...  Giai đoạn đầu tôi cũng bị lỗi như những người nước ngoài khác khi học nói tiếng Việt là phát âm không dấu nghe rất “lơ lớ”.

Ý thức được điều đó, tôi đã không ngừng nỗ lực bằng cách giao tiếp nhiều, đọc và viết nhiều mà không sợ sai, đó là cách học ngoại ngữ tốt nhất”. 

Học được Tiếng Việt đã khó, để hát tiếng Việt lại càng khó hơn gấp nhiều lần. Kyo chia sẻ, tình yêu với âm nhạc Việt được khởi nguồn từ một lần anh vô tình nghe một ca khúc của Ngô Thụy Miên. Anh cảm thấy hứng thú và tìm hỏi lời ca khúc để về cố gắng tự học theo.

Sau này, khi có dịp được song ca cùng ca sĩ Tuấn Ngọc ở phòng trà Đồng Dao (TP.Hồ Chí Minh), Kyo không giấu nổi niềm vui sướng vì đây là lần đầu tiên, anh thể hiện bài hát Việt yêu thích cùng thần tượng mà anh hằng ngưỡng mộ bấy lâu.

Từ khi phát hiện khả năng ca hát bằng tiếng Việt của mình, Kyo York dành rất nhiều thời gian học các ca khúc của Trịnh Công Sơn, Ngô Thụy Miên, Phú Quang, Tuấn Khanh, Trần Tiến, Trọng Đài, Nguyễn Cường, Phạm Duy… 

Không được học về thanh nhạc ở Việt Nam, Kyo York cứ tự mua các album về nghe, tự đánh dấu lời và hát theo. Cứ thế, cứ sau hai tuần nhọc nhằn tự làm thầy giáo cho chính mình, anh lại hát được thành công một ca khúc Việt với lời ca rất chuẩn và giàu cảm xúc. 

Kyo luôn cho rằng mình là một ca sĩ may mắn. Thế nên, dù chỉ ở Việt Nam một thời gian ngắn, cái tên Kyo York đã được biết đến và “kín sô” ở các phòng trà. Mỗi khi anh cất lên tiếng hát, cả khán phòng lại kinh ngạc ngoái nhìn bởi không ai tưởng tượng được một ca sĩ Tây 100% lại hát tiếng Việt trôi chảy và tình cảm đến vậy. 

Kyo kể, lần đầu tiên anh được lên sân khấu là khi song ca cùng Siu Black ca khúc “Ly cà phê Ban Mê” tại quán cà-phê của chị năm 2009. Kyo chia sẻ: “Giọng chị Siu rất tuyệt. Tâm hồn chị ấy cũng vậy. Chị ấy thường hướng dẫn cho tôi. Tôi yêu quý chị Siu như người mẹ thứ hai của mình vậy”. 

Sau đó anh được ca sĩ Trịnh Vĩnh Trinh mời tham gia hát trong chương trình 10 năm nhớ Trịnh Công Sơn với nhiều ngôi sao ca nhạc của Việt Nam. Đây cũng là cơ hội giúp anh được nhiều người biết tới và được mời đi hát nhiều hơn.

Anh thừa nhận các ca khúc của Trịnh Công Sơn và Phạm Duy là khó học nhất. Đặc biệt với những lời ca tinh tế của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, Kyo thường phải mày mò nhờ bạn bè Việt Nam cắt nghĩa từng từ, thậm chí anh còn dành nhiều thời gian để tìm hiểu về cuộc đời của cố nhạc sĩ đa tài này cùng lịch sử Việt Nam để hiểu rõ hơn về nội dung ẩn ý sâu xa trong từng bài hát nhạc Trịnh. 

Không đi hát vì tiền

Nhớ lại những ngày tháng chập chững đi làm nghề, dù nhận được nhiều sự giúp đỡ nhưng Kyo cũng gặp phải không ít khó khăn. Anh cho rằng, khó khăn thì ở nghề nghiệp nào cũng có, nhưng thay vì than vãn hay trách móc:

“Tại sao tôi lại gặp nhiều khó khăn?” hay “Sao cuộc sống của mình luôn gặp nhiều thử thách”… thì anh lại thầm cảm ơn những khó khăn, nhờ đó mà anh trưởng thành hơn rất nhiều.

Nam ca sĩ chia sẻ, trước đây, anh đã rất buồn khi bị đồng nghiệp cười chê về “giọng hát một ông Tây”, bị tổn thương vì khán giả không tôn trọng... Chính những điều đó đã giúp anh cố gắng hoàn thiện nhiều hơn. 

Kyo tâm sự: “Tôi biết rằng, mỗi khi tôi bước lên sân khấu và hát bài đầu tiên, khán giả không bao giờ nghe tôi hát gì. Họ chỉ ồ lên ngạc nhiên rằng có một “ông Tây” đang hát tiếng Việt. Đến bài thứ hai cũng chỉ có một số ít nghe, còn sang bài thứ ba họ mới thực sự thưởng thức giọng hát của tôi. Vì vậy, tôi luôn cố gắng tập luyện để khán giả nghe mình hát vì cảm xúc thực sự, chứ không phải vì tò mò”.

Với chàng trai người Mỹ này, ca hát là niềm đam mê nên anh không muốn những người thích nghe anh hát chỉ vì anh là người nước ngoài. Kyo muốn mọi người yêu mến anh vì tiếng hát.

Giọng ca chia sẻ: “Lạ” là yếu tố đầu tiên thu hút một số khán giả chưa biết đến tôi tìm đến, và tôi có cơ hội chứng minh cho họ thấy tôi tồn tại được và theo con đường nghệ thuật tại Việt Nam bằng chính đam mê và nỗ lực.

Nhưng tôi nghĩ “lạ” rồi cũng thành “quen”, quan trọng là người nghệ sĩ phải có được vị trí trong trái tim khán giả. Tôi đã có hơn 5 năm gắn bó với làng nhạc Việt Nam và tôi được mọi người biết đến không như một “gia vị lạ” nữa mà được biết đến như một nghệ sĩ thực thụ”.

Vì anh đến với âm nhạc bằng một tình yêu chân thành và sự nghiêm túc nên Kyo York luôn cảm thấy hạnh phúc khi giọng hát của mình thuyết phục được người nghe. “Tôi hát vì tình yêu Việt Nam, chứ không bao giờ hát vì mục đích tiền bạc.

Tôi thích cảm giác mỗi khi bước ra sân khấu và cất tiếng hát, mọi người ồ lên ngạc nhiên, reo hò tán thưởng vì có một người Mỹ mà hát những ca khúc của Trịnh Công Sơn, Ngô Thụy Miên, Phạm Duy… Những lúc đó, tôi quên mất mình là một người Mỹ, cứ hát bằng một cảm xúc rất thật, rất Việt Nam”.

Cũng không ít lần khán giả Việt Nam dành cho Kyo nhiều tình cảm chân thành khiến anh rơi nước mắt. Đó là những lần Kyo đi diễn ở các vùng quê miền Tây nhận được từng cái bánh chiên, bánh tét, trái ổi… của những bà cụ trên 70 tuổi mang lên sân khấu biếu làm quà.

Hoặc trẻ em vùng cao họ ôm anh không cho về sau đêm diễn hay cả những bạn trẻ miền Trung trong những chương trình từ thiện các bạn luôn nhiệt thành… Kyo bảo, đó là những dấu ấn mà anh sẽ nhớ mãi trong sự nghiệp ca hát của mình. 

Nhiều người gọi Kyo là “chàng ca sĩ người Mỹ hát nhạc Trịnh”, với anh đó là một niềm hạnh phúc và tự hào. Không ít người tỏ ý nói Kyo liều khi anh quyết định thực hiện đêm nhạc “Nơi về nương náu” để tưởng nhớ 15 năm ngày mất của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.

Bởi nhạc Trịnh Công Sơn nói riêng và nhạc trữ tình Việt Nam nói chung là những thể loại nhạc rất sâu lắng. Những bài nhạc ấy đi vào lòng người bởi ca từ và những giai điệu mượt mà và cảm xúc cũng rất thật.

Vì vậy, đôi khi chính ca sĩ Việt Nam chinh phục khán giả Việt Nam đã khó, huống chi Kyo lại là một người nước ngoài hát nhạc Việt. Nhưng sau khi kết thúc đêm nhạc, đã có không ít tràng pháo tay tán thưởng cũng như những giọt nước mắt đã rơi, dành cho sự trân trọng của một chàng trai người nước ngoài luôn dành tình cảm yêu mến với đất nước Việt Nam cũng như nền âm nhạc Việt.

Giọng ca này bộc bạch: “Tôi đã và đang chọn dòng nhạc trữ tình sâu lắng và âm nhạc xã hội, ngoài ra tôi cũng muốn có sự đa dạng với nhiều thể loại âm nhạc khi có ca khúc phù hợp, vì tôi tin mình có đủ khả năng. Tôi nghĩ, khi tôi thực sự nghiêm túc với nghề thì mọi người cũng sẽ nhìn nhận tôi một cách xứng đáng với những gì mình đã bỏ ra”.

Kyo bảo, anh luôn biết ơn nơi đây đã mang lại cho anh nhiều may mắn bởi từ một chàng trai ngoại quốc tập tễnh hát nhạc Trịnh, Kyo đã trở thành ca sĩ được mọi người yêu mến. Và vì anh “nhận được nhiều nên có trách nhiệm san sẻ yêu thương cho những hoàn cảnh kém may mắn”.

Đó cũng là lý do đêm nhạc mà Kyo tổ chức, dành toàn bộ doanh thu gây quỹ từ thiện cho một trung tâm nuôi dạy trẻ em mồ côi của nghệ sĩ khuyết tật Nguyễn Thế Vinh và quỹ từ thiện do Kyo York làm đại sứ. 

Kyo cho biết, anh còn muốn tự tạo ra nhiều chiến dịch như: Bảo vệ môi trường, Bảo vệ thú cưng, động vật hoang dã, Giữ màu xanh cho biển… không ở đâu xa xôi hay rộng lớn mà ngay trên chính trên đất nước này - nơi mà anh đang gắn bó.

Việt Nam là “quê hương thứ hai”

Kyo kể, thời gian trước, gia đình anh rất ngạc nhiên và thậm chí có phần lo lắng khi anh tuyên bố sẽ sang Việt Nam sinh sống và làm việc, bởi anh sống một mình, nhất là lại tham gia một lĩnh vực đầy khó khăn và thử thách. 

Trước kia dù có từng được học qua về thanh nhạc nhưng anh chỉ hát ở nhà thờ cùng gia đình và không hề có ước mơ trở thành ca sĩ. “Bố tôi là thợ sửa chữa máy móc trong các gia đình. Mẹ tôi làm nội trợ ở nhà. Nhưng họ biết tính tôi cỏ khả năng tự lập cao nên cũng an tâm phần nào. Thỉnh thoảng tôi vẫn về thăm gia đình. Ba mẹ rất ủng hộ tôi trở thành một nghệ sĩ chân chính”.

Cho tới nay, bố mẹ Kyo rất tự hào khi anh trở thành ca sĩ được yêu mến tại Việt Nam. “Có hôm mẹ tôi ra khu phố người Việt làm nails (làm móng) thấy người ta mở MV của tôi xem và khen ngợi. Mẹ tôi hạnh phúc có khoe với một chị Việt Nam rằng “Con tôi là ca sĩ Kyo York” nhưng chị nhân viên không tin. Mẹ tôi phải chứng minh và gọi điện khoe với tôi rất nhiều”, Kyo hồ hởi kể lại. 

Anh nói, anh thường trích một phần lương của mình gửi về giúp gia đình với một niềm tự hào nho nhỏ về một đứa con trai xa nhà đã trưởng thành và tự lập.

Giờ đây, ban ngày Kyo đi dạy tiếng Anh cho các sinh viên chuẩn bị đi du học Mỹ, buổi tối anh đi hát một vòng quanh các phòng trà. “Đôi khi tôi cũng hơi nhớ nhà nhưng cuộc sống ở Việt Nam rất thoải mái, dễ chịu, mỗi ngày trôi qua đều rất thú vị. Mỗi tối đi hát đều rất tuyệt. Việt Nam như quê hương thứ hai của tôi. Tôi có cảm giác mình như người Việt Nam vậy”. 

Khi được hỏi về tình yêu, Kyo thật thà chia sẻ, bạn gái của anh hiện tại đang ở Mỹ và cô ấy cũng thường xuyên sang Việt Nam thăm anh. Chàng ca sĩ người Mỹ cũng thẳng thắn bày tỏ chuyện nhiều nghệ sĩ trẻ hiện nay chấp nhận yêu và cưới “đại gia” để được nổi tiếng.

Anh thẳng thắn nói: “Nếu việc lấy nhau xuất phát từ tình cảm chân thành tôi không từ chối duyên số của mình. Còn nếu lấy nhau vì sự tính toán tôi thấy rất nhiều cái kết không tốt đẹp và đặc biệt người nghệ sĩ rất dễ bị lôi đời sống riêng tư ra để bàn luận nên tôi cũng không muốn mình rơi vào tình huống đánh đổi đó. Tôi là người Mỹ nhưng rất tin vào duyên và luôn muốn giữ kín tình cảm của mình thì tốt hơn”.

Bày tỏ quan điểm trong tình yêu, Kyo York chia sẻ, anh rất tâm đắc với một câu trong lời bài hát của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn: “Dù thế nào cũng đừng phỉ báng tình yêu bởi nghĩ cho cùng, nó vẫn là nguồn an ủi duy nhất. Nó là trò chơi dối trá cần thiết và qua nó chỉ có con người mới hiểu được thế nào là đau khổ, để rồi có lúc phải thốt lên: Tôi buồn quá…”.

6 năm ở Việt Nam cũng không phải là thời gian quá dài nhưng cũng không phải là ngắn với một người trẻ như Kyo York. Với anh, quãng thời gian ở Việt Nam là một hành trình trải nghiệm vô cùng ý nghĩa trên một đất nước rất xa và rất khác với nơi mình sinh ra và lớn lên.

“Tôi đã xem Việt Nam là quê hương thứ 2 của mình nên có rất nhiều tình cảm sâu sắc. Tôi đã đến nhiều vùng miền, gặp gỡ và giao tiếp với nhiều người, nhiều dân tộc trên đất nước Việt Nam.

Tôi luôn ấn tượng với phong cảnh làng quê, phong cảnh thiên nhiên, đặc biệt là vùng biển và vùng núi thật tuyệt vời. Tôi được lớn lên trong những trải nghiệm đó.

Tuy tôi là người Mỹ nhưng tôi rất tin vào chữ duyên, tôi hay nói đùa với công chúng rằng “kiếp trước tôi là người Việt Nam”.

Tôi đến Việt Nam không phải làm ca sĩ mà tham gia chương trình tình nguyện dạy tiếng Anh và trở thành ca sĩ là duyên số và một quá trình. Tôi sẽ tiếp tục đi trên con đường này vì tình cảm của khán giả và vì đam mê, còn bao lâu thì tùy thuộc vào mối duyên của tôi với Việt Nam”.

Tôi tin rằng, với sự đam mê của bản thân cùng với tình yêu thương của khán giả, Kyo York sẽ còn tiếp tục chinh phục những ca khúc “khó nhằn” của nhạc Việt cũng như sẽ còn thực hiện thêm nhiều hoạt động thiện nguyện ở “đất nước thứ hai” này.

Bởi tôi tin, Kyo sẽ “duyên nợ” dài dài với đất nước Việt Nam mến khách và rất yêu chuộng hòa bình này…

Đọc thêm

Khát khao làm phim điện ảnh “bom tấn”

Bộ phim "Khóc hay cười" thu hút nhiều khán giả.
(PLVN) - “Chúng tôi cố gắng một năm sẽ làm 3 - 4 phim chiếu rạp. Chúng tôi mong muốn làm phim điện ảnh bom tấn, kiểu Hollywood ”. Đó là lời chia sẻ của Đạo diễn Phạm Đức Dũng tại họp báo ra mắt Hãng phim Bạch Mã ngày 13/11/2024 tại Hà Nội.

Huỳnh Thị Thanh Thủy- Tự hào nhan sắc Việt

Huỳnh Thị Thanh Thủy- Tự hào nhan sắc Việt
(PLVN) -  Xuất sắc vượt qua nhiều đại diện đến từ các quốc gia trên thế giới, Huỳnh Thị Thanh Thủy đã đăng quang ngôi vị cao nhất, mang về chiếc vương miện danh giá Hoa hậu Quốc tế đầu tiên cho Việt Nam, đây là sự kiện quan trọng, đánh dấu tên tuổi Việt Nam trên bản đồ nhan sắc thế giới.

'Giọng hát hay Hà Nội năm 2024' - khơi dậy tình yêu Hà Nội

Cuộc thi “Giọng hát hay Hà Nội năm 2024” chính thức trở lại, tiếp tục hành trình tìm kiếm và vinh danh những giọng ca trẻ đầy tài năng của Thủ đô. (ảnh Thùy Dương)
(PLVN) - Cuộc thi “Giọng hát hay Hà Nội năm 2024” không chỉ là sân chơi nghệ thuật, mà còn là dịp để các thí sinh cũng như người dân Hà Nội ôn lại những trang sử hào hùng và khơi dậy tình yêu, niềm tự hào về quê hương trong trái tim mỗi người.

Văn hóa kinh doanh là giải pháp quan trọng để phát triển đất nước

Các đại biểu thảo luận tọa đàm: "Doanh nghiệp thời 4.0: Chuyển đổi văn hóa số tạo nên sự khác biệt."(Ảnh: BTC).
(PLVN) -  “Trong giai đoạn hiện nay, trước các cơ hội và thách thức đặt ra, chúng ta đã xác định văn hóa là nguồn lực nội sinh quan trọng. Bảo vệ bản sắc văn hóa, phát huy tiềm năng sức mạnh văn hóa dân tộc trong xây dựng văn hóa doanh nghiệp, văn hóa kinh doanh là giải pháp quan trọng để phát triển đất nước”.

200 tác phẩm "Hiện Linh" khám phá thế giới của đất mẹ

200 tác phẩm "Hiện Linh" khám phá thế giới của đất mẹ (ảnh P.V)
(PLVN) - Triển lãm gốm "Hiện Linh" mang tới công chúng, những người yêu nghệ thuật gần 200 tác phẩm lần đầu được ra mắt của Giáo sư, họa sĩ Ngô Xuân Bính. Trong không gian đương đại tại Bảo tàng Hà Nội, các tác phẩm gốm ‘Hiện Linh’ sẽ dẫn dắt người xem bước vào thế giới vừa quen thuộc, vừa mới lạ của đất Mẹ.

Huyền thoại kép độc hiếm có của làng cải lương

Vai diễn để đời Hội đồng Thăng diễn cùng NSND Bạch Tuyết (cô Lựu) trong vở Đời cô Lựu. (Ảnh: Chụp màn hình)
(PLVN) - Nhờ phong cách ca ngâm và diễn xuất tài tình, NSND Diệp Lang là một trong những huyền thoại của sân khấu cải lương Việt Nam. Đặc biệt, ông gây ấn tượng với khán giả với những vai kép độc diễn như không diễn mà đến thời điểm hiện tại chưa ai có thể thay thế được.

Nhiều hoạt động văn hóa đặc sắc kỷ niệm Ngày Di sản văn hóa Việt Nam

Lễ hội Sayangva của dân tộc Chơ Ro tỉnh Đồng Nai (ảnh Hoàng Long).
(PLVN) - Khoảng 400 nghệ nhân, nghệ sỹ, đồng bào các dân tộc sẽ tham gia Tuần “Đại đoàn kết các dân tộc-Di sản văn hóa Việt Nam” năm 2024 và Liên hoan nghệ thuật hát Then, đàn Tính các dân tộc Tày, Nùng, Thái lần thứ VII-năm 2024 tại Làng Văn hóa Du lịch các dân tộc Việt Nam (Hà Nội) với nhiều hoạt động văn hóa đặc sắc.

Truyền thống - Văn hiến - Mạch dẫn không gian sáng tạo đương đại

 Các chuyên gia, các nhà quản lý cho rằng không gian sáng tạo tại Bảo tàng Hà Nội có vai trò quan trọng trong việc duy trì và phát huy bản sắc văn hóa Thủ đô (Ảnh: Xuân Thắng).
(PLVN) - Không gian sáng tạo tại Bảo tàng Hà Nội có vai trò quan trọng trong việc duy trì và phát huy bản sắc văn hóa Thủ đô. Cùng với đó là những thách thức đối với Bảo tàng Hà Nội để tăng cường sức hấp dẫn của các hoạt động sáng tạo và thu hút nhiều đối tượng khách tham quan, đặc biệt là giới trẻ.

Đa cảm xúc với 'Dù chỉ một lần thôi'

"Dù chỉ một lần thôi" của ca sĩ HÚH đa màu sắc, đa cảm xúc (ảnh Thảo Phương).
(PLVN) - “Dù chỉ một lần thôi” của ca sĩ HÚH đa màu sắc, đa cảm xúc, từ sôi động với những màn biểu diễn bốc lửa, cho đến lắng đọng, cảm động qua những bài học về đam mê, gia đình.

117 bộ phim trình chiếu Liên hoan phim quốc tế Hà Nội

Liên hoan phim sẽ trình chiếu 117 bộ phim của 51 quốc gia và vùng lãnh thổ (ảnh Thùy Dương)
(PLVN) - Với khẩu hiệu: “Điện ảnh: Sáng tạo - Cất cánh”, Liên hoan phim quốc tế Hà Nội 2024 hứa hẹn là sự kiện quan trọng không chỉ của điện ảnh mà còn góp phần quan trọng quảng bá hình ảnh Thủ đô Hà Nội, đất nước Việt Nam đến bạn bè trong nước và quốc tế. Liên hoan phim sẽ trình chiếu 117 bộ phim của 51 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Ca sĩ Ngọc Châm cháy bỏng khi được hát ca khúc mình mê đắm

Ca sĩ Ngọc Châm hy vọng hát bằng trái tim thì sẽ được mọi người yêu mến. (Ảnh: Bình Quách)
(PLVN) - Trong chặng đường hoạt động nghệ thuật rất phong phú của mình, Ngọc Châm ở rất nhiều vai trò, nhưng với "Giai nhân 2", cô sẽ chỉ là ca sĩ để được sống trọn vẹn trong tình yêu âm nhạc của một người ca sĩ, để thỏa nỗi khao khát hát của cô bấy lâu nay, để được hát những gì mình thích, mình yêu, mình say đắm.