Vĩnh Thuyên Kim |
Tuy nhiên, một ngày đẹp trời một công ty tên là Galaxy đã gửi công văn yêu cầu tất cả các mạng đang khai thác kinh doanh “Teen vọng cổ” phải gỡ bài này xuống do vi phạm bản quyền. Ông bầu Vĩnh Thuyên bức xúc: “Họ nói, ca khúc “Teen vọng cổ” đã được nhạc sĩ Trần Anh Khôi ký độc quyền cho Du Sy Ka, ca sĩ công ty Music house, từ lâu.
Và bây giờ bên Music house mới là đơn vị có quyền khai thác “Teen vọng cổ”. Nghe nói họ lấy chính cái bản phối cũ của “Teen vọng cổ” rồi cho Du Sy Ka hát với Khang Luân, tôi chưa nghe nên chưa khẳng định. Tất nhiên họ hát cũng chẳng sao, vì rất nhiều ca sĩ cũng hát bài này hay như Don Nguyễn hát nhép bài này cũng rất nổi tiếng. Mới đây tôi đưa Vĩnh Thuyên Kim đi hát ở tỉnh, nhiều khá giả gặp ở cánh gà hỏi, anh ơi hôm nay Kim có hát “Teen vọng cổ” không? Hỏi ra mới biết, từ đầu chương trình đã có tới ba ca sĩ chạy show hát "Teen vọng cổ".
Nghe thì bực mình nhưng mình cũng chấp nhận thôi, bởi vì bài hát ăn khách nên ai cũng muốn hát để kéo khán giả về phía mình. Cái quan trọng là Vĩnh Thuyên Kim là người đầu tiên hát và tạo được hiệu ứng từ đó… quay lại chuyện bản quyền "Teen vọng cổ", chúng tôi đã ký độc quyền với VMG để khai thác kinh doanh trên hệ thống nhạc chuông, nhạc chờ. Ông Lê Hữu Tuấn, giám đốc Công ty Music house trình cho tôi cái văn bản có ghi Trần Anh Khôi đồng ý cho Du Sy Ka độc quyền ca khúc "Teen vọng cổ". Tuy nhiên, cái văn bản này không có giá trị, bởi muốn có bản độc quyền thì nhạc sĩ phải là người ký vào chính văn bản nhạc đó, với ca từ đó. Tôi có văn bản nhạc có chữ ký và cam kết của Trần Anh Khôi.
Và "Teen vọng cổ" trong bản cam kết này đã được sở văn hóa Thể thao và Du lịch TP. Hồ Chí Minh cấp phép, phát hành trong album của Vĩnh Thuyên Kim nghĩa là đã có qua kiểm duyệt về nội dung. Tôi thấy đây cũng là điều cần bổ sung trong việc kinh doanh nhạc chuông, nhạc chờ, đó là ca khúc phải được cấp phép và thẩm định về nội dung thì mới được đưa vào hệ thống kinh doanh, để tránh những nội dung sai lạc và thẩm định kém thời gian qua, vì bị kiện ngược nên chúng tôi phải giải quyết nhiều việc và chậm tiến độ phát hành tờ rơi các mã số nhắn tin tải nhạc chuông, nhạc chờ "Teen vọng cổ" và nhiều ca khúc khác của Vĩnh Thuyên Kim, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến chuyện kinh doanh. Thế nên, chúng tôi đang làm thủ tục để kiện những đơn vị cố tình làm sai để ảnh hưởng đến chúng tôi”.
Ông Vĩnh Thuyên nói, sở dĩ đến trường hợp "Teen vọng cổ" ông thực hiện các quy trình văn bản về bản quyền rất chặt chẽ vì ông có quá nhiều kinh nghiêm xương máu. “Khi tôi làm album Trọn đời bên em cho Lý Hải, khi ấy cậu ta chưa nổi tiếng. tôi nhờ một người liên hệ qua Rạng Đông mua bản quyền ba ca khúc hits của Lam Trường, Phương Thanh và Quang Linh. Người mua cho tôi nói bên Rạng Đông đã đồng ý, nhưng vì tin nhau nên tôi không yêu cầu văn bản giấy tờ gì cả. Đến khi album phát hành, phía Rạng Đông nói họ không hề bán và báo chí đồng loạt lên án Lý Hải ăn cắp bản quyền. Chúng tôi đành chấp nhận thua cuộc vì mình chẳng có gì trong tay cả.
Nhưng bây giờ thì không, tôi làm gì cũng phải có giấy tờ, nhạc sĩ phải ký vào bản nhạc và ghi rõ là cho độc quyền tôi mới làm. Bởi vì chỉ có cái chữ "Teen vọng cổ" thì đâu có nghĩa lý gì, phải là "Teen vọng cổ" với giai điệu đó và ca từ đó. Chứ chỉ có cái tên "Teen vọng cổ" thì ai đặt cũng được, nó chưa phải là một bản nhạc. có rất nhiều nhạc sĩ trẻ và các ông bầu bắt tay nhau trong chuyện cháo tên như vậy.
Khi thấy một ca khúc có vẻ ăn khách, họ liền kêu nhạc sĩ viết cho họ một lời nhạc khác và lấy cái tên khác, trả tiền cho nhạc sĩ cao hơn, vậy là xong. Trường hợp của tôi cự nhau với Công ty Thế giới giải trí của Nguyễn Quang Huy cũng là vậy. Tôi mua hầu hết sáng tác của Nguyễn Hoài Anh với giá đồng loạt 500 ngàn đồng/bài. Khi đó, Nguyễn Hoài Anh chưa nổi tiếng, nên cậu ấy chấp nhận vui vẻ. Nhưng sau đó thì phía Nguyễn Quang Huy cũng muốn mua một ca khúc trong số đó để Ưng Hoàng Phúc hát. Khi chúng tôi cự nự thì Huy viết một lời nhạc khác trên giai điệu đó và đổi tên ca khúc. Những chuyện như vậy đã thành quen mất rồi”.
Hiện tượng "Teen vọng cổ" là một ví dụ nhãn tiền về việc, chỉ khi nào ca khúc… đẻ ra tiền thì mới sinh chuyện. Những tranh chấp một ca khúc thường xảy ra khi ca khúc đó ăn khách và là “át chủ bài” của các kênh kinh doanh nhạc chuông, nhạc chờ. Bởi với ca sĩ, đó giống như con gà đẻ trứng vàng, họ dường như không phải sáng tạo gì, chỉ ngồi mà hưởng lợi.
Đan Trường – Duy Mạnh… đấu võ mồm
Cũng rắc rốii tương tự như trường hợp "Vọng cổ teen" đó chính là trường hợp hai ca sĩ lớn tuổi và cũng nhiều tiếng tăm Duy Mạnh và Đan Trường. theo chính lời tranh cãi của hai người, thì Đan Trường xin Duy Mạnh ca khúc “Hãy về đây bên anh” để hát trong album”Thập nhị mỹ nhân”. Nhưng sau đó Đan Trường đã phát hành hai phiên bản khác của ca khúc này bằng tiếng Thái và tiếng Hoa. “Không thể chỉ xin lỗi suông cho xong vì đĩa đã phát hành sang Đài Loan, kinh doanh nhạc chuông, nhạc chờ rồi thì không thể chỉ nói về “cái tình” mà phải bồi thường theo luật.
Theo một tiết lộ từ một nhà kinh doanh nhạc chuông, nhạc chờ, các ca khúc của Thủy Tiên có sản lượng cao nhất trong hệ thống kinh doanh của họ. “Tuy nhiên, cũng cần phải nói thêm, kinh doanh nhạc chuông, nhạc chờ chỉ thực sự ăn tiền trong vòng hai năm trở lại đây và nó đang có dấu hiệu bão hòa, vì quá nhiều đơn vị cạnh tranh trong khi lượng ca khúc hay không nhiều. Chính vì thế, các nhà kinh doanh dịch vụ mạng đang tìm hướng đi mới” – nguồn tin này chia sẻ thêm.
Không chỉ các ngôi sao mà hầu hết các ca sĩ trẻ cũng đều được các công ty khai thác nhạc chuông, nhạc chờ chào mời. Vì showbiz Việt rất hiếm người rành luật, nên họ rất dễ rơi vào những tranh cãi quyết liệt nhưng rồi không bên nào đưa nổi những chứng cứ thuyết phục là mình thắng. Chưa đủ sức để tham gia vào môi trường pháp lý một cách chuyên nghiệp nên họ thường sau một hồi cãi vã rồi dẹp tiệm, không còn thiết tha với những vụ việc này.
Luật sư Lê Quang Vy, người giúp Mỹ Tâm thắng trong vụ kiện bản quyền nhạc chuông, nhạc chờ với Viettel chia sẻ, có rất nhiều vấn đề chưa được chuẩn hóa và còn nhiều kẽ hở trong việc kinh doanh các sản phẩm âm nhạc tại Việt Nam. Chính vì thế, các nghệ sĩ cần phải có kiến thức hơn về luật trước khi tính chuyện tranh tụng. Bởi đây là công việc không dễ dàng, chúng ta tuân thủ pháp luật Việt Nam nhưng đồng thời về âm nhạc và bản quyền còn có các văn bản luật quốc tế nữa.