Cả nhà mình cùng phòng chống dịch

 Gia đình chị Hoài Phương vẫn giữ nếp sinh hoạt lành mạnh hàng ngày thời điểm giãn cách.
Gia đình chị Hoài Phương vẫn giữ nếp sinh hoạt lành mạnh hàng ngày thời điểm giãn cách.
0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Gia đình là tế bào xã hội, mỗi một gia đình đều sống tích cực, nâng cao ý thức phòng chống dịch thì không chỉ gia đình được bình an mà cả xã hội bình an, mau chóng thoát khỏi dịch bệnh hoành hành.

Nâng cao ý thức để bảo vệ sức khỏe phòng tránh dịch bệnh

Dạy con bảo vệ sức khỏe mùa dịch là điều mà nhiều bậc cha mẹ thực hiện theo lời khuyên của các chuyên gia y tế. “Con trẻ nhà mình giờ đây đã có thói quen rửa tay bằng xà phòng trước và sau khi ăn, trước khi ra khỏi nhà tự giác mang khẩu trang vào, bước chân vào nhà là chạy ngay đến vòi rửa tay rửa kĩ càng, đi đâu cũng đem theo nước rửa tay khô.

Mình cũng mua nhiệt kế điện tử để liên tục đo thân nhiệt cho cả nhà, rồi nước muối các loại để sức miệng, rửa mũi thường xuyên, đặc biệt là sau khi ra ngoài về đến nhà. Nhà mình giờ thành “trạm y tế tại gia” rồi. Không những thế, với người thân hay bạn bè, mình đều tích cực tuyên truyền các phương pháp bảo vệ sức khỏe đơn giản mà hữu hiệu mùa dịch, vì mong muốn mọi người đều được bình an”, chị Lê Tâm Hòa, giáo viên tiểu học, sống tại đường Linh Đông, Thủ Đức (TP Hồ Chí Minh) chia sẻ.

Nhiều gia đình khác thì tích cực dành thời gian để thể dục thể thao trong những ngày giãn cách. Buổi tối, nhiều con đường trong các khu dân cư vẫn thấy hình ảnh những gia đình gồm vợ chồng - con cái nắm tay nhau đi bộ, trong khi vẫn đeo khẩu trang và giữ khoảng cách, tuân thủ “5K”. Những gia đình quen biết, gặp nhau giữa đường cũng không dừng lại trò chuyện, chỉ vẫy tay chào nhau rồi đi tiếp. Hoặc có gia đình sắm sửa xe đạp trong mùa dịch, để cha mẹ con cái đặt ra mục tiêu đạp xe vòng quanh khu mình đang sống, mỗi ngày vài cây số cho khỏe người.

Có gia đình, đăng lên mạng xã hội hình ảnh vui nhộn: Mẹ tập yoga, con gái tập nhảy, bố và con trai cùng nhau chơi boxing tại gia. Những môn thể dục tại nhà được nhiều gia đình áp dụng, thứ nhất là tạo không khí vui vẻ trong nhà, thứ hai là tăng cường sức khỏe, chống lại bệnh tật. Cạnh việc tạo ra những thói quen tốt thì nhiều thói quen trước kia cũng được các gia đình hạn chế, hoặc tạm ngưng trong thời gian này.

Những nhà hàng xóm, trước kia “tắt lửa tối đèn” có nhau, nay đành hạn chế tiếp xúc. Có chăng là đứng từ xa chào hỏi đôi ba câu, đưa nhau chút quà qua hàng rào thưa. Việc đi ra ngoài ăn uống đã hầu như bị cắt giảm hẳn. Những bữa nhậu hàng tuần của các đức ông chồng cũng tạm ngưng, nhiều gia đình tập cho mình thói quen nấu cơm từ nhà đem đến chỗ làm để hạn chế ra ngoài mua thức ăn, tăng tiếp xúc.

Và thói quen mà khi tạm ngưng khiến nhiều người “thở phào nhẹ nhõm” nhất là thói quen tụ tập ăn nhậu, hát karaoke gây mất trật tự, mất tình cảm xóm giềng.

Sống vui vẻ - khỏe mạnh là phương châm của nhiều người dân thành phố lúc này. Thời điểm giãn cách, ít tiêu tốn thời gian cho bên ngoài, cũng là cơ hội để các gia đình cùng rèn luyện một lối sống lành mạnh, vui khỏe, tích cực. Lối sống này không chỉ tốt cho thời điểm phòng chống dịch hiện tại, mà còn cần duy trì như một thói quen tốt cho mọi thành viên trong gia đình ở mọi thời điểm.

Tăng sức đề kháng, tạo niềm vui sống

Những ngày này, dù TP HCM đang trong tâm dịch, dù nhiều khu phong tỏa khắp nơi, nỗi lo lắng còn đó, nhưng cũng không ít điều tích cực được lan tỏa. Trên mạng xã hội, dường như mỗi người bỗng trở thành… đầu bếp với những món ăn ngon lành, bổ dưỡng nấu cho gia đình mình thưởng thức.

Chị Lê Thị Tâm Ngọc, nhân viên phòng marketing một công ty kinh doanh thiết bị điện tử đã có đợt nghỉ nhà dài ngày nhất từ trước đến nay. Thời gian đầu, chị khá lo lắng, bi quan, than thở vì ở nhà lâu cuồng chân, thấy ngày dài ra, lại lo lắng cho tương lai sắp tới. Nhưng dần dà, chị bắt đầu thay đổi cách suy nghĩ, quyết định nhân cơ hội được nghỉ để biến thành một “kì nghỉ” cho cả gia đình.

Chị lên mạng học cách nấu nướng, làm những món mới lạ cho con ăn. Chế biến những bữa ăn ngon, lành mạnh, dinh dưỡng cho cả nhà. Chị Tâm Ngọc bày tỏ: “Tôi nhận ra rằng buồn hay lo lắng không giải quyết được điều gì. Thậm chí tâm trạng nặng nề của mình còn khiến cho cả nhà bị ảnh hưởng, thấy không vui. Mình bớt thời gian lên mạng đọc những tin tức tiêu cực lại, tăng tiếp nạp những thông tin hay, bổ ích, vui vẻ. Thêm vào đó, mình nấu bữa ăn ngon, trang trí thật đẹp, cắm thêm bình hoa tươi, trang trí nhà cửa gọn gàng, trồng thêm hoa, thêm cây.

Những điều giản dị nhỏ bé ấy làm ngôi nhà thêm tươi sáng, làm gia đình thêm tiếng cười. Và có niềm vui, tinh thần lạc quan, phấn chấn thì mới góp phần xua tan không khí u ám, tránh xa bệnh tật”.

Còn chị Nguyễn Hoài Phương, ngụ chung cư Khánh Hội, quận 4, TP HCM, trưởng nhóm một công ty bảo hiểm thì biến những ngày ở nhà thành thời gian dành cho dinh dưỡng và sức khỏe. Chị sắm sửa online nhiều loại rau củ, các loại đậu dinh dưỡng. Mua sắm thêm máy làm sữa hạt, máy ép chậm…

Chị Phương cho biết, thông thường, do hai vợ chồng bận rộn nên con cái dù ăn ngon, dinh dưỡng và đầy đủ nhưng bữa ăn vẫn chưa thực sự đáp ứng dinh dưỡng hoàn hảo cho các con. Nhân mùa dịch này chị sắm sửa thêm các dụng cụ nhà bếp cần thiết, làm cho mình và chồng liệu trình detox thải độc cơ thể trong một tuần, còn các con thì được bổ sung rau xanh, bổ sung các loại sữa hạt dinh dưỡng.

Chị Phương khoe: “Sau nửa tháng áp dụng các bữa ăn dinh dưỡng, nhiều rau, nhiều hạt, hạn chế thịt đỏ, dầu mỡ, đồng thời uống bổ sung các loại vitamin, tôi thấy hai vợ chồng mình sức khỏe tiến triển thấy rõ, còn các con khỏe mạnh, nhanh nhẹn, hệ tiêu hóa và sức đề kháng đều tốt hơn. Tôi đang cố gắng tạo thành cái nếp để sau này, dù mình đi làm trở lại cũng duy trì được công thức dinh dưỡng này để cả nhà luôn được mạnh khỏe, ít bệnh tật”.

Ngay trong những khu phong tỏa, phần nhiều các gia đình vẫn giữ được lối sống khỏe mạnh, vui vẻ, lạc quan. Chị Lê Nguyệt Hằng là một cư dân khu vực bị phong tỏa ở tổ 18, KP2, đường Lương Văn Can, quận 8, TP HCM. Chị Hằng cho biết, dù bị phong tỏa, không được ra ngoài, gia đình chị vẫn giữ lối sống bình thường, không lo lắng, bi quan.

Mỗi ngày, chị Hằng đều chụp lại những hình ảnh cuộc sống trong khu phong tỏa, đăng lên mạng xã hội để lan tỏa những thông điệp tích cực về tình người. Đồng thời, chị cũng dạy con cách sống yêu thương, biết sẻ chia. “Mỗi lần nhận được quà “tiếp tế” của những cô bác, chị em ngoài khu vực cách ly, tôi đều kể cho con nghe, giúp con có lòng biết ơn với những ân tình mình đang nhận được của những người chung quanh.

Cô Khu phố trưởng mỗi ngày đều pha cà phê cho mọi người uống. Tôi và con thì đập đá bỏ ly, phụ cô rót cà phê trao đến bà con. Rồi mọi người trong khu phong tỏa giúp đỡ lẫn nhau, mở những gian hàng không đồng, tặng quà cho nhau rất ấm áp, vui vẻ trên tinh thần “5K”. Tôi thấy đây đúng là những liều thuốc tinh thần rất tốt cho mỗi gia đình cùng nhau đẩy lùi nguy cơ dịch bệnh” - chị Nguyệt Hằng phấn chấn.

Điều đáng mừng là trong thời gian qua, những trường hợp chống đối, thái độ tiêu cực, thiếu hợp tác với cơ quan chức năng trong phòng chống dịch chỉ là cá biệt. Đa phần người dân đều rất vui vẻ hợp tác, tuân thủ các quy định của Chính phủ về đeo khẩu trang, hạn chế tiếp xúc… Không ít gia đình, bên cạnh việc nâng cao ý thức bảo vệ sức khỏe, phòng chống dịch, còn có những hành động hết sức thiết thực và hữu ích, như chung tay ủng hộ quỹ vắc xin, góp tiền, góp công sức nấu ăn cho người nghèo, tiếp tế cho lực lượng chống dịch và người dân khu vực bị phong tỏa.

Chính những gia đình đầy tích cực ấy đã lan tỏa đi những thông điệp lạc quan, tử tế, góp phần mạnh mẽ vào công cuộc phòng chống dịch của cả đất nước.

Tin cùng chuyên mục

Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhi.

Đau đầu kéo dài, bé gái 9 tuổi được phát hiện có khối u não lớn

(PLVN) - Bệnh viện E vừa phẫu thuật thành công cho một bệnh nhi nữ 9 tuổi, có khối u màng não lớn. Đây là ca bệnh khó vì người bệnh nhỏ tuổi, kích thước khối u lớn, nằm ở vị trí nguy hiểm, buộc phải phẫu thuật nếu không sẽ đe dọa đến chức năng thần kinh và tính mạng người bệnh.

Đọc thêm

Suýt tử vong vì mắc căn bệnh thường gặp rồi đi uống thuốc nam

Các xét nghiệm cho thấy có tình trạng rối loạn đông máu trầm trọng, số lượng tiểu cầu giảm sâu, men gan tăng cao, suy các cơ quan. Ảnh: BVCC
(PLVN) - Thông tin từ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, Khoa Cấp Cứu của đơn vị vừa tiếp nhận bệnh nhân nữ 17 tuổi, đến từ Bắc Giang. Cách vào viện 5 ngày, bệnh nhân xuất hiện mụn nước nhiều vùng lưng, ngực không rõ sốt kèm theo mệt nhiều. Đặc biệt, trước đó, bệnh nhân có tiếp xúc với em gái ruột bị thủy đậu đã khỏi.