Nhận thấy Chợ Cái Nước (huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau) xuống cấp trầm trọng, các kiot hư hỏng nặng không đáp ứng nhu cầu mua bán của bà con tiểu thương và tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn nên UBND Thị Trấn Cái Nước kêu gọi đầu tư xây dựng lại chợ. Dự án này đã được phê duyệt và sử dụng nguồn tiền xã hội hóa, huy động vốn từ các tiểu thương.
Hàng loạt tiểu thương ...trở thành “con nợ”
Theo phản ánh của các hộ tiểu thương trong chợ, công tác huy động vốn, phân chia và sắp xếp lô sạp của chính quyền địa phương lộ rõ nhiều sai phạm và có sự nhũng nhiễu, gây khó khăn cho bà con, làm cho các hộ tiểu thương vô cùng bức xúc. Đồng thời, nhiều tiểu thương cho rằng, mang tiếng là dự án xã hội hóa từ nguồn vốn của dân, việc gì cũng lấy ý kiến của dân và tất cả đều vì dân nhưng nhiều vấn đề liên quan đến quyền lợi chính đáng của người dân thì địa phương lại tự giải quyết theo ý kiến cá nhân, “ép” dân vào đường cùng.
Tiểu thương Lê Thị Bé Tư cho biết, giai đoạn 1 và giai đoạn 2 của dự án có tổng cộng 177 lô sạp. Những hộ thuê lô phía ngoài phải đóng tiền cơ sở hạ tầng từ 350 – 500 triệu đồng/lô tùy vị trí. Đồng thời, các hộ này phải đóng tiền thuê với giá 150.000 đồng/m2/tháng. Còn mức thuê lô sạp bên trong nhà lồng là 100.000 đồng/m2/tháng. Diện tích 1 lô là 15m2 và phải đóng trước 3 năm 6 tháng. Tuy nhiên, giai đoạn 3 có 123 lô sạp với diện tích nhỏ hơn nhiều so với 2 giai đoạn trước. Lô nhỏ nhất là 7,1m2 và lô lớn nhất cũng chỉ 13,9m2, giá thuê lại cao ngất ngưởng. Các lô sạp phía ngoài phải đóng tiền cơ sở hạ tầng trung bình khoảng 199 triệu đồng/lô. Tiền thuê lô sạp đối với các lô bên ngoài là 249.000 đồng/m2/tháng và bên trong nhà lồng là 150.000 đồng/m2/tháng và bắt buộc người dân phải nộp tiền thuê trong 6 năm. Vì vậy số tiền thuê lô sạp, đóng cơ sở hạ tầng “đội” lên đến hàng trăm triệu đồng. Đây là điều đông đảo bà con bức xúc. Chẳng hiểu tại sao lại có sự chênh lệch quá lớn này?
Đồng thời, bà Tư cũng cho biết, trường hợp gia đình bà nếu xét đúng như trước đây sẽ có 8 lô sạp trong đó 4 lô ở bìa ngoài và 4 lô ở trong lồng chợ. Tuy nhiên, sau đó hoán đổi 1 lô ở bìa ngoài thành 2 lô trong lồng chợ. Đến thời điểm hiện tại gia đình bà vẫn chưa nhận đủ số lô như đã có. Bên cạnh đó, 2 lô số 36 và 20 ở giai đoạn 3 bà đã đóng gần 500 triệu đồng. Vì thấy nhiều hộ bị đóng cửa nên bà sợ phải đi vay tiền ngoài để nộp, phải đi Đầm Dơi vay 300 triệu ở tiệm vàng, mỗi tháng phải nộp tiền lãi 9 triệu đồng.
“Chẳng biết chính quyền địa phương áp dụng cơ chế, chính sách gì mà Chợ Cái Nước chỉ là chợ bán lẻ, không phải chợ đầu mối mà mỗi hộ tiểu thương phải bỏ ra hàng trăm triệu đồng để thuê lô sạp chỉ sử dụng trong khoảng thời gian 3,5 năm hoặc 6 năm. Giá như vậy là quá cao và bắt buộc dân phải đóng trước quá nhiều năm khiến cho tiểu thương từ không thiếu nợ trở nên mắc nợ”, một tiểu thương bức xúc.
Cầm cố bằng khoán nhà, vay tiền “nóng”...để trả tiền thuê lô sạp
Một điều gây khó hiểu cho bà con tiểu thương là việc xây dựng và thu tiền thuê lô sạp lại được thực hiện vào dịp cận Tết – thời điểm “làm ăn” của bà con tiểu thương. Bà Lê Thị A. ( xin không nêu tên) cho biết, giai đoạn 1 và giai đoạn 2 của dự án, chính quyền địa phương đều sử dụng chung 1 “chiêu thức”. Đó là khoảng tháng 10 thi công đến tầm giữa tháng 12 đi vào hoạt động và buộc người dân phải đóng đủ tiền thuê lô sạp và cơ sở hạ tầng. Vì đây là thời điểm cận Tết người dân bắt buộc phải đóng, không đóng thì không có chỗ buôn bán phục vụ Tết. Làm vậy chẳng khác nào ép dân?
Theo bà con tiểu thương, đợt Tết vừa rồi, vào độ khoảng ngày 20 âm lịch có những hộ còn thiếu tiền thuê lô sạp đã bị địa phương cho người xuống khóa cửa không cho buôn bán. Nhiều hộ tiểu thương vì cố gắng để được mở cửa buôn bán mấy ngày Tết đã chạy vạy vay tiền để nộp. Nhiều người túng quẫn phải vay tiền “đứng” , tiền “nóng” với lãi suất cao ở bên ngoài.Hiện nay, bà con tiểu thương phải còng lưng bươn chải để kiếm tiền trả lãi và nợ gốc.
Chị Lê Hồng L.(họ tên đã được thay đổi - PV) cho biết, khi thuê quầy vào chợ mua bán chị phải đóng hơn 200 triệu đồng. Vì gia đình không có điều kiện nên đã vay ngân hàng 100 triệu đồng, mỗi ngày góp gần 600.000 đồng và góp trong 180 ngày. Số còn lại phải vay bên ngoài. Tuy nhiên, bỏ ra một số vốn đầu tư quá lớn nhưng việc buôn bán lại ế ẩm. Có những ngày không đủ tiền trả lãi, phải vay mượn chống chọi qua ngày. Bên cạnh đó, người dân cho biết vì không đủ tiền đóng tiền thuê sạp một lượt vài chục triệu, thậm chí cả trăm triệu nên nhiều người đã vay tiền nóng, thậm chí cầm cố bằng khoán nhà để đi vay.
Đóng hàng trăm triệu tiền lô sạp rồi nghỉ bán vì ế ẩm
Ngoài vấn đề giá cả thì vấn đề diện tích cũng gây phẫn nộ với nhiều người dân. Bà Trần Thị Thanh (tên đã được thay đổi) có 2 sạp đôi trong Khu Rau củ quả của chợ Cái Nước cho biết, nhà lồng Rau củ quả lúc đầu chỉ có 84 lô nhưng sau đó UBND Thị trấn Cái Nước đã “xé lẻ” ra hơn 100 lô sạp với diện tích nhỏ hơn thỏa thuận ban đầu. Điều này, gây khó khăn cho việc buôn bán của tiểu thương.
Đồng cảnh ngộ, một tiểu thương kinh doanh cá bức xúc: “Lúc đầu khi họp dân, UBND Thị trấn nói quy hoạch lô sạp khu vực này là 3m x 4m. Sau đó, khi tiến hành xây dựng các vách ngăn thì các lô sạp cũng đảm bảo đủ 3m. Tuy nhiên sau đó lại tháo dỡ dựng lại ngang chỉ còn 2m và khi nhận lô sạp thì cũng chỉ có 2m x 4m”.
Bên cạnh đó, nhiều tiểu thương đã bỏ ra hàng chục triệu thậm chí hàng trăm triệu tiền thuê lô sạp nhưng rồi vẫn “trơ mắt” ngồi nhìn cảnh ế ẩm hoặc lăng xăng bươn chải tìm kế sinh nhai.
Bà Nguyễn Thị T. (65 tuổi) cho biết đã bán trái cây gần 30 năm. Năm 2016 sau khi đóng tiền lô sạp khoảng 68 triệu thì buôn bán ế ẩm nên bà cho người khác thuê lại nhưng vì ế nên người ta cũng nghỉ luôn. Đến thời điểm hiện tại bà T. vẫn đang trong tình trạng thất nghiệp.
Đặc biệt, trường hợp chị Trần Bích Thủy (30 tuổi) từ bán cà phê có quán xá, lô sạp hẳn hoi nhưng giờ phải bưng trà đá, bán cà phê dạo như bán hàng rong. Chị Thủy ngậm ngùi, lúc bốc thăm được 1 lô sau nhà lồng tuy nhiên phía sau bị 2 mộ chắn ngang đường trước sạp nên ít người qua lại không mua bán được. Để sở hữu lô này trong thời gian ngắn, chị phải đóng 385 triệu đồng. Lúc đầu cứ nghĩ ai cũng vậy nên dù chật vật cũng phải cố gắng vay mượn để nộp tiền. Tuy nhiên, sau đó chị phát hiện dãy đó chỉ có một vài người đóng tiền thuê lô sạp, các hộ còn lại thì không đóng. Chị đã vay 300 triệu và mỗi tháng phải đóng hơn 7 triệu đồng tiền lãi, gia đình chị ngày càng túng quẫn, khó khăn.
Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng chưa hoàn tất như điện nước, nhà vệ sinh...cũng gây nhiều bức xúc trong dư luận.
Trao đổi với Báo PLVN về vấn đề này, ông Đặng Văn My, Chủ tịch UBND Thị trấn Cái Nước hứa sẽ sớm khắc phục và đề xuất hỗ trợ cho gia đình chị Thủy cùng với bà Tư và các tiểu thương đang gặp khó khăn khác. Trong quá trình làm việc với ông My, chúng tôi phát hiện nhiều vấn đề “mập mờ” liên quan đến công tác xây dựng chợ như chủ trương, quy hoạch, phân lô, tài chính...
Báo PLVN sẽ tiếp tục thông tin.