Báo cáo kết quả thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp để giảm chi phí tuân thủ pháp luật, nâng xếp hạng chỉ số B1 quý III/2019 của Sở Tư pháp tỉnh Cà Mau cho biết: Trong quý III, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành 29 quyết định, công bố 239 thủ tục hành chính (TTHC), công khai 200 TTHC và không công khai 159 TTHC. Lũy kế từ đầu năm đến nay, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành 86 quyết định công bố 591 TTHC, công khai 425 TTHC và không công khai 433 TTHC trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC.
Đến nay, số TTHC đang thực hiện tại các cấp là 2.022 thủ tục (trong đó, cấp tỉnh là 1.574 thủ tục, cấp huyện là 304 thủ tục và cấp xã là 144 thủ tục), tất cả thủ tục đã được đăng tải trên Cơ sở dữ liệu quốc gia. Không chỉ công bố kịp thời 100% TTHC theo quy định, tỉnh còn liên tục rà soát, tập trung rút ngắn quy trình xử lý, kiến nghị giảm số lượng và đơn giản hóa nội dung hồ sơ và chi phí thực hiện TTHC; rà soát, rút ngắn thời gian giải quyết TTHC nhưng phải đảm bảo tính khả thi, hiệu quả; xử lý nghiêm và kịp thời những cá nhân, đơn vị cố tình gây phiền hà cho tổ chức, cá nhân trong giải quyết TTHC.
Công tác đối thoại với người dân, doanh nghiệp được UBND tỉnh tiếp tục đặc biệt quan tâm, chỉ đạo, trong đó, đã có 10 đơn vị tổ chức đối thoại với tổ chức, cá nhân về quy định, TTHC. Chủ tịch UBND tỉnh cũng ban hành quyết định phê duyệt Quy trình nội bộ, quy trình liên thông đối với từng TTHC thuộc phạm vi, chức năng quản lý của 5 cơ quan, đơn vị, gắn với việc rà soát, cắt giảm thời gian giải quyết TTHC...
Nhưng việc thực hiện vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc như còn trường hợp giải quyết hồ sơ của cá nhân, tổ chức bị trễ hạn; một số sở, ban, ngành tỉnh tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh ban hành quyết định công bố TTHC chưa đảm bảo thời gian quy định... Để có thể tiếp tục cắt giảm chi phí tuân thủ pháp luật cho doanh nghiệp, tỉnh Cà Mau sẽ tập trung giải quyết những vấn đề trọng tâm để nâng cao chất lượng văn bản quy phạm pháp luật và tổ chức thực thi pháp luật hiệu quả.
Cụ thể là các giải pháp sau: tiếp tục rà soát thực hiện theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền bãi bỏ TTHC không cần thiết và chồng chéo, đơn giản yêu cầu hồ sơ, giấy tờ, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục; rà soát để bãi bỏ hoặc giảm phí, lệ phí theo thẩm quyền. Theo Phó Giám đốc Sở Tư pháp Trần Hoàng Lộc, khi ban hành văn bản quy phạm pháp luật chú trọng việc cân nhắc, tính toán và hạn chế đưa ra những yêu cầu làm phát sinh thêm chi phí đầu tư cho doanh nghiệp; xem xét bãi bỏ hoặc cắt giảm các yêu cầu giới hạn tối thiểu về quy mô kinh doanh, máy móc, trang thiết bị tối thiểu, diện tích tối thiểu, website…
Bên cạnh đó, sẽ hạn chế tối đa chi phí cơ hội thông qua việc rà soát, bãi bỏ quy định không rõ ràng, bất hợp lý, nâng cao chất lượng quy định về TTHC; bãi bỏ, giảm bớt sự chồng chéo, trùng lặp mâu thuẫn giữa các quy định, rà soát, loại bỏ hoặc giảm bớt chi phí không chính thức thông quan việc giảm tần suất đi lại, thời gian cho doanh nghiệp trong giải quyết thủ tục, tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan (một đầu mối thực hiện song song các thủ tục, phối hợp thực hiện thủ tục…). Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, bưu chính công ích trong nộp hồ sơ, nhận kết quả; áp dụng quy trình giải quyết ngay và cung cấp đầy đủ biểu mẫu trên website, đảm bảo giải quyết, trả kết quả thủ tục trước hạn, đúng hạn.
Sở Tư pháp Cà Mau kiến nghị Bộ Tư pháp có văn bản hướng dẫn cụ thể hơn về xác định tiêu chí, nội dung đánh giá xếp hạng chỉ số B1 để quá trình triển khai thực hiện của địa phương được thuận lợi, hiệu quả hơn. Ngoài ra, Bộ cũng cần mở lớp tập huấn chuyên sâu cho cán bộ, công chức các địa phương nhằm nâng cao nhận thức trong thực hiện nhiệm vụ nâng xếp hạng chỉ số B1.