Cả làng "đẻ đôi" nhờ... nước giếng?

"Khoảng 8 năm trước, có đoàn bác sĩ ở Bệnh viện Từ Dũ (TP HCM) về lấy mẫu nước xét nghiệm nhưng cũng không có kết luận gì nên tất cả chỉ là sự phỏng đoán mơ hồ, khoa học chưa chứng minh vì sao cả làng ấy sinh đôi. Điều đáng nói là bọn trẻ sinh đôi ở đây đều khỏe mạnh, chăm ngoan, học giỏi và biết yêu thương nhau. Đó là một điều rất đáng mừng và tự hào", ông Lê Công Sự - Chủ tịch UBND xã Hưng Lộc nói.

Nhiều người rỉ tai nhau rằng ở huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai có làng “đẻ đôi” tồn tại suốt mấy mươi năm qua, khiến chúng tôi không khỏi tò mò. Lần này, chúng tôi đã tìm đến “giếng thần”, nơi khiến nhiều cặp vợ chồng trong làng phải “đẻ đôi”…

Một cặp song sinh ở ấp Hưng Hiệp.
Một cặp song sinh ở ấp Hưng Hiệp.

Làng “đẻ đôi”

Cái làng “đẻ đôi” ấy chính là ấp Hưng Hiệp, xã Hưng Lộc, huyện Thống Nhất – Đồng Nai, nằm gần Quốc lộ 1A. Xế trưa, ngôi làng vắng hoe , thật may có người bước ra sân, chúng tôi vội hỏi ngay. Chị ta “bật mí”: “Đó, ngôi nhà đối diện kìa, đẻ ba luôn đó. Muốn biết tên thì qua đó hỏi. Nhưng đừng nói tui chỉ nghen!”.

Ngôi nhà đầu tiên chúng tôi ghé thăm là nhà chị Hồ Thị Thanh (địa chỉ 111/2 ấp Hưng Hiệp). Chị Thanh cũng là người đầu tiên của làng “phá lệ”… sinh ba. Buổi trưa ngôi nhà nhỏ càng trở nên nóng hầm hập. Nhìn đứa trẻ đong đưa giấc ngủ trên võng, rồi liếc sang đứa trẻ chị Thanh đang ôm trong lòng, chúng tôi cứ ngỡ đó là hai trong ba đứa nhỏ nên vuột miệng hỏi.

Chị Thanh vội vàng phân bua: “Không, không, mấy đứa sinh đôi, sinh ba nhà tui lớn hết rồi. Đứa nhỏ trên võng là con người ta, mình giữ trẻ mà. Còn đứa bé tui ôm là cháu ngoại. Thôi, chuyện sinh đôi, sinh ba, tui không nói đâu. Mắc công lại có người đến hỏi, lại đồn thổi về làng sinh đôi, gây xáo trộn ”.

Nói rồi chị lại bận bịu dỗ dành đứa cháu ngoại đang khóc vì vết chích ngừa “hành hạ”. Và rồi trong tiếng võng đong đưa, chị lại trải lòng. Chị kể rằng, thật ra lúc đầu chị sinh cũng bình thường, là một con gái. Rồi mấy năm sau chị lại mang thai. Thế nhưng lần này, chị thấy khác với lần mang thai đầu, thai nhi đạp nhiều, “máy” nhiều.

Đến tháng thứ 6, chị đi siêu âm, bác sĩ nói chị sẽ sinh ba, sinh con trai, làm chị vừa mừng vừa sợ. Và rồi tới ngày ba đứa bé trai lần lượt ra đời, làm cho ngôi nhà nghèo, nhỏ bé đơn sơ của chị lúc nào cũng rộn rã tiếng cười. Ba đứa ấy tên là Trần Phúc Tam, Trần Lộc Thiên và Trần Thọ Phú. Nhưng ba tháng sau cậu út Trần Thọ Phú bị sốt viêm màng não, gia đình không phát hiện ra, tới lúc đưa vào Bệnh viện Nhi Đồng 1 – TP HCM thì cậu qua đời. Hai cậu trai Tam, Thiên giờ tròn 18 tuổi, đẹp trai, khỏe mạnh nhưng mắc "bệnh" lười học, học đến lớp 10 thì nghỉ.

Giọng buồn, chị Thanh cho biết: “Hai đứa nó giờ thì đứa thích học cắt tóc, đứa thích học sửa xe. Nhưng mình nghèo quá, chỉ làm rẫy thuê, hổng có đất đai gì cả nên chưa có điều kiện cho tụi nó đi học. Thôi, để từ từ hãy tính sau. Hai cái thằng nhỏ ấy,  người ngoài nhìn thấy giống nhau y hệt, chứ mình trong nhà, thấy khác quắc à. Được cái, tụi nó cũng ngoan. Tụi nó ngủ trưa hết rồi, không thì tui gọi ra xem.

“Ở đây, người ta sinh đôi nhiều lắm. Bởi vậy mới có biệt danh là làng “đẻ đôi” đó chứ. Trong làng, người già 50 – 60 tuổi vẫn sinh đôi như thường. Hiện tại, các cặp sinh đôi nhỏ thì nhiều, cỡ chừng 5 – 6 tuổi, rồi lớn hơn chút nữa là 10 – 20 tuổi. Nhà có con sinh đôi thường làm ăn cũng trung bình, chủ yếu làm rẫy thôi. Trước năm 1975, cũng đã có mấy cặp sinh đôi ở trong làng, giờ họ đã hơn 70 tuổi rồi. Nói thật, trong khu vực rẫy ấp Hưng Hiệp này vẫn còn hai chị em sinh đôi khoảng 73 tuổi, ở cách đường lộ này khoảng 6km. Giờ thì không tìm được họ đâu, vì tối ngày họ cứ ở trong rẫy cà phê, tiêu, điều mà”, chị Thanh nói.

Theo chị Thanh, chuyện sinh đôi trong làng có lẽ do... nguồn nước. Các giếng nước trong làng được đào từ trước năm 1975 tới nay. Cũng có lúc nước giếng cạn, như cách đây 4 năm, trời khô hạn quá nên cả làng mất hết nước. Thế là dân làng lại hì hục khoan giếng, lại có nước tiếp. Cách đây 2 năm, làng đã có nước máy, thế nhưng người làng lại vẫn thích dùng nước giếng vì nước mát, trong sạch hơn. Vùng này là vùng đất đỏ nên các giếng được đào rất sâu, như nhà chị Thanh thì gần 30m.

Chị  nói: “Hiện giếng nước nhà tui vẫn còn, là nguồn nước sinh hoạt chính của gia đình. Nhưng gần 10 năm qua, mẹ tui đã cho rào lại thành giếng vì sợ chuột, sợ đám con nít ra sau nhà chơi té xuống. Hồi xưa có trục quay, thả thùng xuống. Giờ có điện nên dùng mô tơ. Hồi xưa nghĩ không bị lụt trong vùng nên đa số bà con làm thành giếng rất thấp. Mấy năm trước giếng cạn, có nước lại, nước vẫn không có gì khác, vẫn trong, vẫn ngọt như trước”.

Chị Thanh nói con gái dẫn chúng tôi ra sau nhà “mục sở thị” cái giếng nhà chị. Đúng là thành giếng thấp lè tè sát mặt đất nên được rào lại cẩn thận. Ly nước được lấy từ giếng lên, uống vào thấy mát rượi, ngọt, rất “đã” cơn khát.

Tạm biệt chị Thanh, chúng tôi sang nhà vợ chồng anh Bùi Đức Phước và Nguyễn Thị Hồng cách đấy mấy bước chân. Anh chị cũng đẻ sinh đôi hai cậu bé giống nhau như hai giọt nước vào năm 1996. Chị Hồng kể rằng: “Năm 1996, chị nằm mơ thấy mình mang thai hai đứa bé trai. Mấy đêm sau đó cũng mơ thấy y như vậy. Rồi chị có thai và sinh ra hai thằng cu tí. Chúng nó đều lớn khôn và khỏe mạnh”.

Dạo một vòng quanh ấp, chúng tôi thấy có những ngôi nhà rất khang trang, mà theo lời của những người lớn tuổi trong vùng, đó là nhà của một số cặp sinh đôi nhờ đi làm công nhân cho các khu công nghiệp lớn ở Đồng Nai mới bề thế như thế, chứ dân làng chủ yếu chỉ làm rẫy thôi, làm gì khá giả được.

Các cụ lớn tuổi ở đây cũng cho rằng, hiện tượng sinh đôi trong làng là do mạch nước giếng của làng khá đặc biệt, có vị ngọt, mát, nhất là nước giếng ở nhà ông Nguyễn Thường (còn gọi Bảy Thường). Ai dùng nước ở nhà ông cũng đều sinh đôi. Vì thế mà thời gian gần đây đã thu hút khá nhiều người hiếm muộn ở các nơi về xin nước uống với hi vọng sẽ sinh con.

Ông Bảy Thường (78 tuổi) cho biết: “Giếng nhà tôi được đào từ năm 1973, sâu gần 15 m. Nước rất trong, sạch, đặc biệt có vị ngọt nên nhiều gia đình lân cận đến xin về dùng. Còn chuyện “giếng thần” hay không, tôi không tin đâu, vì mỗi nhà đều có giếng riêng”.

Chị Hồ Thị Thanh và cháu ngoại.
Chị Hồ Thị Thanh và cháu ngoại.

Đất lành, chim đậu     

Đem lời đồn “giếng thần”, chúng tôi tới nhà ông trưởng ấp Hưng Hiệp hỏi. Ông Trần Đình Danh – Trưởng ấp nói: “Giếng thần gì đâu có. Lời đồn thổi bậy bạ thôi. Trong ấp, nhà nào cũng có giếng cả. Nước trong làng mát trong, ngọt lắm. Nhà tôi cũng có hai đứa sinh đôi nè. Tụi nó tên Trần Duy Khang và Trần Trang Khang, đã 13 tuổi rồi. Tụi nó đang học lớp 9 trường THCS Trần Hưng Đạo – xã Hưng Lộc. Bọn chúng cũng khỏe mạnh như bao đứa trẻ bình thường khác”.

Nhiều người lớn tuổi trong vùng kể rằng, lúc trước khu vực ấp Hưng Hiệp toàn là rừng núi, đất đai rộng rãi và màu mỡ nên bà con kéo tới sinh sống và định cư  ở đây rất đông. Thời tiết là hai mùa mưa nắng rõ rệt. Đặc biệt là nguồn nước ở đây rất tinh khiết. Người ta có thể múc nước từ giếng lên uống liền mà không cần nấu sôi, không có cảm giác khó chịu ở miệng và không hề bị đau bụng. Vậy là bà con lại nô nức kéo tới đây mỗi lúc một đông hơn vào những năm 1950.

Theo ông Danh thì ở ấp Hưng Hiệp có khoảng 50 cặp sinh đôi. Ấp có hơn 500 hộ, với hơn 2.000 nhân khẩu, sống chủ yếu bằng nghề nông. Hiện tượng sinh đôi bất thường chỉ rộ lên từ năm 1995 – 2000. Từ trước năm 1975, ở vùng này cũng đã có một số cặp sinh đôi, nhưng hồi trước người ta chưa để ý.

Cho tới năm 2000, người dân địa phương tên La Đồng Hội có kể chuyện cho anh bạn thân là một nhà báo tỉnh. Anh này thấy lạ, thế là viết một bài về làng sinh đôi. Cứ thế các nhà báo hay tin lại tìm về Hưng Hiệp. Và thế là từ đó tên “làng sinh đôi” ra đời và được nhiều người biết đến.

Xung quanh ấp Hưng Hiệp là đất đỏ bazan, không có suối, nước từ trong mạch ngầm chảy ra, nhưng không hiểu sao lại có nhiều gia đình sinh đôi. Bây giờ rất nhiều cặp gia đình hiếm muộn ở TP HCM, Hà Nội, các tỉnh miền Tây…cứ tìm đến Hưng Hiệp xin nước của bà con trong làng về uống để cầu mong sinh được con. 

Ông Danh cho biết: “Theo mình nghĩ có lẽ do nguồn nước nên mới có hiện tượng sinh đôi. Chứ mình không tin các giếng nước có điều kì bí gì đâu. Khi người ta tới nhà xin nước, mình cũng nói thẳng với họ. Hiếm muộn nghe nói tới cầu may, mình cho nước để người ta toại nguyện. Một số người lại nghĩ khác, cho là giếng thần.

Không có giếng thần nào cả, mỗi nhà có một cái giếng riêng. Mình thực sự mong rằng dư luận bên ngoài không nên tạo tin nóng bỏng kì lạ về “làng sinh đôi” này để tránh nhộn nhạo”.

Ông Lê Công Sự - Chủ tịch UBND xã Hưng Lộc cho biết: Toàn xã Hưng Lộc có gần 10.000 dân và có hơn 70 cặp sinh đôi, tập trung nhiều nhất là ở ấp Hưng Hiệp. Hiện tượng sinh đôi ở ấp này tới nay đang được nghiên cứu.

"Khoảng 8 năm trước, có đoàn bác sĩ ở Bệnh viện Từ Dũ (TP HCM) về lấy mẫu nước xét nghiệm nhưng cũng không có kết luận gì nên tất cả chỉ là sự phỏng đoán mơ hồ, khoa học chưa chứng minh vì sao cả làng ấy sinh đôi. Điều đáng nói là bọn trẻ sinh đôi ở đây đều khỏe mạnh, chăm ngoan, học giỏi và biết yêu thương nhau. Đó là một điều rất đáng mừng và tự hào", ông Sự nói.

Phi Phi

Tin cùng chuyên mục

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự, chứng kiến Lễ ký, trao 26 thỏa thuận hợp tác của các bộ, ngành và doanh nghiệp Việt Nam và đối tác Anh.

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị COP26 và làm việc tại Anh: Ký kết thỏa thuận hợp tác trị giá hàng tỷ USD

(PLVN) - Nhân chuyến tham dự Hội nghị COP26 và làm việc tại Vương quốc Anh, chiều 31/10 (giờ địa phương), tại thành phố Edinburg, Scotland, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã dự, chứng kiến lễ ký, trao 26 thỏa thuận hợp tác trong các lĩnh vực thương mại, nông nghiệp, năng lượng, y tế, giáo dục, đào tạo, bảo vệ môi trường, thể thao... của các bộ, ngành và doanh nghiệp Việt Nam và đối tác Anh.

Đọc thêm

Giảm tải mật độ, hạn chế lây nhiễm trong khu cách ly

làm thủ tục tiếp nhận công dân vào khu cách ly tại Trường Quân sự Bộ Tư lệnh Thủ đô. Ảnh: báo Lao động (chụp tháng 2/2020)
(PLVN) - Những ngày vừa qua, số ca F1 chuyển biến thành F0 tăng nhanh nên TP Hà Nội đã chỉ đạo xét nghiệm toàn bộ số F1 đang cách ly để sàng lọc, rà soát mà không cần chờ đủ thời gian 7 ngày theo quy định. Qua xét nghiệm đã xác định thêm 27 ca bệnh chuyển từ F1 thành F0.

Những nữ Công an tỉnh Phú Thọ nhiệt huyết trong công việc

Chiến sỹ Cảnh sát nhập dữ liệu thông tin của người dân.
(PLVN) - Trong bất kể lĩnh vực công tác nào, thì những “bông hồng thép”- nữ cán bộ, chiến sĩ Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an Phú Thọ đều luôn nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ, góp phần mang lại cuộc sống bình yên, hạnh phúc cho nhân dân.