[links()] Cái nghiệp “khóc cho người ra đi” như đã “ăn” vào máu dòng họ Kiều ở thôn Đông Hạ, xã Đông Yên, huyện Quốc Oai, Hà Nội. Chẳng thế mà đã trải qua 6 đời rồi, nó vẫn tồn tại, phát triển và là niềm tự hào của cả gia tộc họ Kiều, vì họ có một giọng khóc và nghệ thuật diễn cảm riêng mà chẳng nơi nào “nhái” được.
Khóc cũng phải... luyện ít nhất 5 năm
Trên dải đất hình chữ S này, khó có thể tìm đâu ra một dòng họ có truyền thống khóc mướn cũng như số lượng người theo nghề “bán nước mắt” nhiều như dòng họ Kiều ở thôn Đông Hạ.
Chúng tôi tìm đến nhà ông Kiều Hào để được gặp trực tiếp một trong những người đưa tên tuổi phường bát âm họ Kiều vang tiếng gần xa. Trải lòng về cái nghề “buồn nhất thế gian” này, ông Hào cho hay, tính cả đời cháu ông thì đến nay đại gia đình ông đã 6 đời gắn bó với nghề tổ truyền này. Ông Hào đi khóc mướn đám tang từ khi tóc còn để chỏm, và ở vào tuổi lục tuần hiện nay, ông đã có ngót nghét nửa thế kỷ làm nghề.
Ông Hào cho biết, ngọn nguồn của nghề khóc mướn đám tang và sau này kiêm luôn cả bát âm của gia tộc họ Kiều bắt nguồn từ đời cụ nội: “Sinh thời, ông nội tôi thường kể lại rằng, lúc cụ nội mất, cả gia đình đi tìm đỏ mắt mới mời được một phường bát âm từ Chương Mỹ về làm lễ ma chay hộ. Tuy nhiên, không biết trong lúc tang gia bối rối chúng tôi đã làm điều gì sơ xuất với họ mà khi về, họ trách móc nhà tôi là đối đãi với họ không ra gì.
Nhiều lần, trong gia tộc có người mất cũng xảy ra tình cảnh tương tự. Vốn có chút khí phách nghệ sĩ trong người nên cụ tôi đã quyết định lập nên một đội khóc mướn, thổi kèn, đánh trống... cho đám tang để phục vụ bà con trong họ và trong làng. Cứ thế, nghề này theo cụ nội đến cuối đời cụ. Sau khi cụ mất, nghề được truyền lại cho ông nội, rồi bố tôi, tôi và đám con cháu hiện nay. Đó là nghề tổ truyền nên chúng tôi không bao giờ xao nhãng được”.
Nghệ nhân khóc mướn Kiều Văn Hào. |
Các cụ tổ những đời trước không chỉ truyền miệng mà còn ghi lại thành những quyển sách dạy bí quyết, kỹ thuật khóc hẳn hoi cho con cháu tỏ tường mà nối nghiệp. Từ những bài giảng làm thế nào để khóc theo đúng điệu cho ngọt, cho mùi, cho thật truyền cảm đến những chương tâm lý khai thác đúng tâm trạng, hoàn cảnh, tình cảm, mối quan hệ giữa người sống với người đã khuất. Việc rơi nước mắt đâu phải lúc nào cũng được ứng dụng. Đối với hoàn cảnh nào, khách viếng là ai thì mới đưa khóc “khô” (không có nước mắt) hay khóc “ướt” (nước mắt đầm đìa) ra áp dụng.
Theo sách ghi lại của làng, có đến 16 bài khóc thông dụng cho từng trường hợp, và các cụ tổ của làng còn ghi rõ 5 điều cấm kỵ khi đi khóc mướn. Từ 16 bài bản khóc “gia truyền”, hiện nay thế hệ hậu sinh đã “cải biên” ra hàng chục bài khóc, mà trình độ ngày càng cao hơn, lời khóc ngày càng ai oán hơn.
Theo ông Hào thì bí quyết độc đáo nhất của nghề chính là khóc “ướt”, nước mắt khi trào ra phải tự nhiên, chân thật và nhiều cảm xúc nhất, tuyệt đối không được “rặn lệ” hay xoa dầu, bôi hành cho cay để nước mắt tuôn ra và mỗi khi tuôn lệ cũng phải khớp với các bài khóc đã được ấn định.
Nghe thì đơn giản nhưng đó thực sự là cả một nghệ thuật và các “khóc sĩ” phải khổ luyện ít nhất 5 năm ròng mới thực hiện được. Nhiều người khóc tài đến độ khách đến viếng cứ ngỡ họ là con cái trong tang gia, còn tang chủ khóc cứ như... khách viếng. Thậm chí, nhiều bài khóc đau lòng đến độ tang chủ quá xúc động đã ngất lịm ngay dưới quan tài!
Khóc cả đêm mới đủ "kiếm cơm"
“Nghề khóc là một công việc rất kén chọn người, không phải ai muốn theo là có thể trở thành một “khóc công”. Trước hết là phải cả tiếng, dài hơi, giọng thảm và đặc biệt lại phải có tài biến báo. Khi thuê mình về khóc hộ, gia chủ đưa ra một cái “sườn” nội dung muốn... khóc, người khóc mướn phải linh động ứng tác thành bài, thành bản khóc sao cho thật hay và lâm ly thê thiết. Khóc mãi cũng thành quen, lâu dần thành bài, thành vở, chỉ cần người thuê nói qua một chút là khóc được ngay, mà khóc để đến nỗi người qua đường nếu nghe thấy cũng phải động lòng trắc ẩn, cũng phải rơi lệ”, ông Hào chia sẻ.
Ông Hào bảo, khóc mướn là một công việc rất vất vả, thậm chí chẳng kém... cày ruộng là mấy. Anh dân cày được ăn no, cày xong thửa ruộng là về nhà phủi tay lên giường ngủ khì. Anh thợ khóc thì chẳng những không được ăn mà cứ đến giờ người ta lên giường thì mình mới hành sự.
Người khóc mướn do đó ngoài việc phải có khiếu ra, cũng cần có một sức khỏe tốt, bởi công việc chủ yếu diễn ra vào ban đêm, khói hương và hơi lạnh từ quan tài người vừa chết làm cho cơ thể những người làm nghề trở nên tiều tụy, ăn uống thì chỉ qua quýt bát cháo, cái bánh đa mà khóc sà sã cả chục bài thâu đêm thì hao sức lắm.
Gọi là nghề nghĩa là cũng phải đủ lệ bộ, theo cách hiểu của ông Hào thì: Bát âm nghĩa là có 8 thứ nhạc cụ, gồm: Trống, kèn, sáo, nhị, thanh la, đàn tam, đàn nguyệt và... ghi ta điện! Bây giờ là thời hiện đại nên người ta cần âm thanh “lâm khốc” phải vang to cho thiên hạ biết nên dĩ nhiên phải bổ sung thêm thiết bị điện tử: Loa, đài, tăng âm, micro... Để hoàn chỉnh một phường bát âm khóc mướn còn phải may thêm vài bộ trang phục sặc sỡ theo lối cổ nữa.
“Chúng tôi cũng cải biến cách khóc rất nhiều. Các làn điệu được sử dụng nhiều thường là: hát sử sầu, hát làn thảm, khúc lâm khốc. Khi người quá cố tuổi đã cao thì có thể hát điệu sử xuân có hơi tươi vui một chút. Tuy là khóc trong đám ma nhưng phải khóc thật hay, thật đúng, khóc như vẽ chân dung người quá cố thì mới được mọi người công nhận” - ông Hào nói.
Niềm vui không phải nghề nào cũng có
Gia đình họ Kiều xưa có nguyên một đội 12 người, nếu có việc cần, chỉ một cú điện thoại, một dòng địa chỉ là “đội quân” quần áo, đàn nhị xênh xang tới liền, nay đã tách ra làm 2 đội để tiện bề quản lý, đã bổ sung thêm cả “quân số” nhưng quanh năm vẫn làm không hết đám. Đã sống ở đời thì “sinh hữu hạn, tử bất kỳ” nên một tháng có 30 ngày thì gần như ngày nào đoàn cũng phải hành nghề.
Có tháng khóc rát cả họng 27-28 ngày, tháng ít cũng phải 15-16 đám. Không chỉ làm trong huyện, trong xóm mà đoàn còn được mời về tận Hải Phòng, Hưng Yên, Nam Định... để giúp người. Nhiều gia đình nghe danh tiếng các “khóc công” họ Kiều đã thuê cả ô tô về tận nhà đón đi... khóc!
“Có một ông lão ở Chúc Lý (Hòa Bình), trước khi chết còn dặn đi dặn lại con cháu là phải đón bằng được phường của chúng tôi đến khóc. Khi mọi người đến đón thì tôi đang bận đi đám bên xã bên, vậy là người nhà ông đắp chiếu ông ấy và chờ bằng được tôi đến. Khi tôi đến, mọi người vui lắm vì ước vọng cuối đời của bố được mãn nguyện” - ông Hào hồi tưởng.
Một lần phường của ông đi khóc bên Thạch Thất, trong đoàn người cầm cờ, một cụ già cứ dấm dứt khóc, hỏi ra mới biết bà sợ sau này chết, không biết con cháu có đón được đoàn ông Kiều Hào đến không... Ông Hào cho rằng đấy cũng là một niềm vui mà không phải nghề nào cũng có.
Thu Hồng (còn tiếp)