Một bệnh nhân Bỉ đã được ghi nhận là trường hợp đầu tiên tử vong vì nhiễm siêu vi khuẩn kháng thuốc bắt nguồn từ Nam Á. Thế giới hiện đang lo lắng với hai câu hỏi lớn là vi khuẩn kháng thuốc xuất hiện từ khi nào và mối nguy hiểm đến đâu?
Giới chuyên gia cảnh báo có thêm một loại siêu vi khuẩn mới kháng được các loại kháng sinh mạnh nhất, đã vào các bệnh viện ở Anh.
Bệnh nhân người Bỉ nhiễm siêu vi khuẩn khi đang điều trị vì vết thương do tai nạn giao thông tại một bệnh viện ở Pakistan và đã qua đời hồi tháng 6 - Denis Pierard, nhà vi trùng học của Bệnh viên AZ VUB ở Brussels (Bỉ), nơi bệnh nhân được chuyển đến điều trị, cho biết.
Mặc dù đã được chuyển về Bỉ và được điều trị bằng colistin, một loại kháng sinh mạnh, song vết thương bị nhiễm vi khuẩn kháng thuốc đã khiến bệnh nhân tử vong
Một chuyên gia khác cho biết, trường hợp bệnh nhân người Bỉ thứ hai, nhiễm siêu vi khuẩn sau khi nhập viện do tai nạn ở Montenegro, đã trở về Bỉ điều trị và khỏi bệnh.
Thực hư quanh “siêu vi khuẩn”
Tạp chí về các dịch bệnh truyền nhiễm The Lancet mới đây đăng tin siêu vi khuẩn kháng thuốc vừa được phát hiện tại một số quốc gia Nam Á, Anh và Australia. Báo dẫn lời các nhà khoa học Anh hôm 11/8 cho biết đã phát hiện vi khuẩn tạo ra en-zim có tên gọi là "New Delhi metallo-beta-lactamase" (NDM-1) đã di chuyển ngược về với các bệnh nhân từng sang các nước như Ấn Độ và Pakistan để chữa trị hay giải phẫu thẩm mỹ. Mặc dù ở Anh cho đến giờ mới chỉ xác định được 50 ca, giới khoa học lo là vi khuẩn này sẽ phát tán toàn cầu.
NDM-1 có thể lây truyền qua các kênh như nước uống... dẫn đến viêm đường ruột, loại vi trùng này hầu như có thể kháng lại mọi loại thuốc kháng sinh, cho nên tỷ lệ tử vong rất cao. NDM-1 có thể tồn tại bên trong loại vi khuẩn khác như là E.coli, và khiến chúng kháng được một trong số các nhóm kháng sinh mạnh nhất là carbapenem. Thường thuốc này được dự trữ để dùng trong các trường hợp khẩn cấp và đối phó với các loại bệnh truyền nhiễm khó trị do các loại vi khuẩn kháng được nhiều loại thuốc gây ra.
Các chuyên gia lo ngại NDM-1 giờ đây có thể nhảy sang các dòng vi khuẩn khác vốn đã kháng được nhiều loại kháng sinh khác nữa, sau đó có thể tạo ra các chứng viêm nhiễm nguy hiểm, có thể lây lan nhanh chóng từ người sang người và hầu như không thể chữa trị được.
Chứng bệnh này hiện đang truyền từ bệnh nhân sang bệnh nhân trong các bệnh viện ở Anh.
Tổ chức chuyên về các bệnh truyền nhiễm Lancet sau đó khuyến cáo cần theo dõi nghiêm ngặt và nghiên cứu các loại thuốc mới. Còn theo các nhà nghiên cứu thì cách để ngăn chặn NDM-1 là nhanh chóng phát hiện và cách ly bất kỳ bệnh nhân nào trong bệnh viện bị nhiễm.
Các biện pháp kiểm soát lây lan thông thường như tẩy trùng thiết bị bệnh viện, còn bác sĩ và y tá rửa tay với các loại xà bông diệt trùng có thể ngăn dịch bệnh phát tán. Hiện tại, đa số các loại bệnh do vi khuẩn có chứa NDM-1 đều chữa trị được khi dùng một tổ hợp các loại kháng sinh khác nhau.
Cảnh báo quốc gia
Các chuyên gia ở đại học Cardiff cùng với Cơ quan bảo vệ sức khỏe (HPA) và các đồng nghiệp quốc tế đã thực hiện cuộc nghiên cứu về NDM-1.
Bác sĩ David Livermore, một trong số các nhà nghiên cứu và đang làm việc cho HPA của Anh, nói: "Có một số lượng nhỏ các khu vực nhiễm bệnh ở Anh, nhưng số lượng lớn các ca có vẻ liên quan đến đi lại và chữa trị tại các bệnh viện ở vùng Nam Á. Loại kháng thuốc này trở nên khá phổ biến ở đó. Người ta lo ngại chúng có thể tạo thành một quần thể vi khuẩn có khả năng lây lan giữa các bệnh nhân."
Ông Livermore nói nguy cơ là tạo ra vấn đề y tế toàn cầu nghiêm trọng vì có ít loại thuốc kháng sinh mới phù hợp đang được nghiên cứu và không có loại nào hiệu nghiệm với NDM-1.
Bộ Y tế Anh đã đưa ra cảnh báo về vấn đề này. "Chúng tôi ban hành các cảnh báo này rất thận trọng khi nhìn thấy trường hợp kháng thuốc mới và phiền phức."
Một số điểm nóng NDM-1
Ấn Độ lên tiếng
Hôm 12/8, Bộ Y tế Ấn Độ ra tuyên bố kiên quyết phản đối một số phương tiện truyền thông phương Tây gắn một loại bệnh lạ chưa rõ tác nhân gây bệnh với Ấn Độ, nói rằngẤn Độ hiện nay hoàn toàn không bị bất cứ đe doạ của loại bệnh lạ này, tất cả du khách nước ngoài đang du lịch chữa bệnh tại Ấn Độ đều hết sức an toàn.
Ấn Độ cũng phản đối lấy thủ đô New Delhi của nước này để đặt tên cho loại khuẩn lạ.
Người đứng đầu cơ quan Nghiên cứu Y dược Bộ Y tế Ấn Độ tuyên bố với báo giới rằng các nhà y học phương Tây nhận định một cách võ đoán căn bệnh lạ mới xuất hiện có nguồn gốc từ Ấn Độ khi chưa tìm hiểu rõ sự thật là việc làm vô trách nhiệm.
Theo quan chức này, do nhiều người mắc bệnh từng đi du lịch và chữa bệnh tại Ấn Độ và Pakistan, vì vậy nhân viên nghiên cứu suy đoán loại siêu vi trùng này có khả năng bắt nguồn từ Tiểu lục địa Ấn Độ.
Trong khi đó, theo BBC, Bộ y tế Ấn Độ và các nhóm y khoa ở đây chưa đọc báo cáo Lancet nhưng các bác sĩ ở Ấn Độ nói không ngạc nhiên về chuyện phát hiện loại vi khuẩn kháng thuốc mới.
"Ấn Độ ít kiểm tra việc sử dụng thuốc và người ta hay dùng kháng sinh vô tội vạ," BS Arti Vashisth từ Delhi nói. Các bác sĩ nói các loại thuốc kháng sinh thông dụng trở nên không hiệu quả ở Ấn Độ một phần vì người ta có thể mua dễ dàng ngoài đường và thói quen tự chữa bệnh của người dân. Họ hay uống liều thấp và ít uống tiếp cho đủ thời gian.
Bác sĩ chuyên về các chứng bệnh đường tiêu hóa Vishnu Chandra Agarwal cho biết trong năm ngoái, ông đã gặp nhiều bệnh nhân nhiễm loại E.coli không phản ứng với các loại kháng sinh thông dụng.
Nguy cơ NDM-1 trở thành dịch bệnh toàn cầu là "rõ và đáng sợ", theo các nhà nghiên cứu trình bày trên tạp chí về các dịch bệnh truyền nhiễm The Lancet.
Nguồn: Dân trí