(Đà Nẵng Xuân 2010) - Mấy lần ướm thử tôi mới tìm được cách lấy lại tiêu đề tác phẩm nổi tiếng của Gogol, nhà văn hiện thực xuất sắc nhất của những nhà văn hiện thực trên thế giới, để đặt tiêu đề cho bài viết của mình về những nhà văn cầm tinh con cọp ở nước ta, tính từ đầu thế kỷ XX cho đến nay.
Xin thưa trước, đối với khoa học về tử vi, tôi là người mù chữ, là kẻ u mê chưa xứng với cấp i-tờ. Nhưng cuối năm, ngồi tính sổ, thấy công nợ còn quá nhiều, trang giấy trắng trước mặt như dài rộng thêm ra, công việc còn mê man không thể nào làm hết, bỗng nhiên thấy bóng trâu dù chậm vẫn mất hút đâu rồi, sừng sững bóng cọp hiện về náo động cả không gian...
Quả là những người làm văn chương ở nước ta mang tuổi hổ không nhiều. Trong số hơn một nghìn tác giả mà tôi đã ngước nhìn trong cuộc đi săn, người tuổi hổ chỉ đếm trên đầu ngón tay. Nếu tính đầu thế kỷ XX, từ 1902 dến 1950, thì phải nói không có can nào mà lại không có anh tài hào kiệt.
Mở dầu cho tuổi Nhâm Dần (1902) là nơi hội tụ của những nhà nghiên cứu, lý luận văn học tài năng, những người mở đầu cho lý thuyết văn chương, cho khoa học về văn học như Đặng Thai Mai, Vương Hồng Sển, Vũ Ngọc Phan, Hoa Bằng, Ca Văn Thỉnh. Đặng Thai Mai là “người thầy của nhiều người thầy”, người sáng lập ngành Ngữ văn ở bậc đại học, sáng lập Viện Văn học, từng là Bộ trưởng Bộ Giáo dục, người am hiểu cả Đông và Tây, là tác giả của nhiều công trình nghiên cứu lý luận, dịch thuật, lịch sử văn hóa, văn học, chỉ riêng cuốn Văn học khái luận (1944) được coi là người mở đầu, người đặt nền móng cho lý luận văn học Mác-xít ở nước ta.
Vương Hổng Sển là người ôm trọn thế kỷ hai mươi, với mấy chục công trình nghiên cứu về văn hóa, là bộ “bách khoa toàn thư” về đất và người Sài Gòn - Nam bộ, trong đó có những tự bạch chân thật độc đáo khó có sự lặp lại như Sài Gòn năm xưa (1960), Sài Gòn tạp pín lù (1942), Hơn nửa đời hư (1992), người mà trước khi từ giã cõi đời đã tự nguyện hiến tất cả tài sản (gồm ngôi nhà cổ thời Minh Mạng nằm ở trung tâm thành phố Hồ Chí Minh, nhiều đồ cổ và sách vở đã sưu tầm và viết được trong hơn 70 năm) để làm một Tàng cổ Vương Hồng Sển.
Quả thật không thể kể một cách đầy đủ đóng góp của nhiều nhà nghiên cứu khác: một Vũ Ngọc Phan với nhiều tác phẩm viết và dịch tiểu thuyết, bút ký, nghiên cứu, sưu tầm, trong đó có Nhà văn hiện đại (1942-1945) là một trong những tác phẩm mở đầu cho bộ môn phê bình văn học ở nước ta; bên cạnh Hoa Bằng với hàng chục công trình nghiên cứu văn hóa lịch sử, Ca Văn Thỉnh với hàng chục công trình nghiên cứu về thơ văn yêu nước Nam bộ...
Ở tuổi Giáp Dần (1914) có vẻ thưa vắng hơn, chỉ có nhà văn – nhà văn hóa Bình Nguyên Lộc và nhà thơ xứ Hà Tiên cảnh đẹp Mộng Tuyết. Bình Nguyên Lộc là tác giả của một số lượng tác phẩm đồ sộ nhiều lĩnh vực như thơ, truyện ngắn, truyện dài, tiểu thuyết, tùy bút, sưu tầm khảo cứu về văn học dân gian, văn hóa, dân tộc học, ngôn ngữ... trong đó có những tác phẩm đặc sắc như Nhốt gió (1950), Đò dọc (1959), Những bước lang thang trên hè phố của gã Bình Nguyên Lộc (1960), Nguồn gốc Mã Lai Á của dân tộc Việt Nam (1970).
Đến tuổi Bính Dần (1926) lại xuất hiện đông đảo các nhà văn sáng tác như Võ Huy Tâm, Hữu Mai, Phạm Hổ, Xuân Thiêm, bên cạnh ba tác giả đáng ngưỡng mộ như Bùi Giáng, Sơn Nam, Trần Dần. Bùi Giáng không chỉ là nhà thơ, người được mệnh danh là Trung niên thi sĩ với những Mưa nguồn (1963), Lá hoa cồn (1963), Màu hoa trên ngàn (1963), Sa mạc trường ca (1963), Bài ca quần đảo (1963), Thơ Bùi Giáng (1990), mà ông còn là tác giả của nhiều tác phẩm triết học, giảng luận, tạp luận, dịch thuật... có thể nói là một trong những người có số trang viết đồ sộ nhất trên văn đàn nước ta từ trước đến nay.
Chỉ tính riêng về thơ thôi, ông đã tạc vào lịch sử văn học một chân dung khó phai mờ với giọng điệu thơ vừa giản dị mộc mạc, vừa thâm thúy thâm trầm, vừa đùa vui trào tiếu, lại vừa thấm đẫm tư duy triết học. Đứng bên cạnh Bùi Giáng là Sơn Nam với nhiều công trình sáng tác, biên khảo, nghiên cứu về Sài Gòn - Nam bộ. Khác với chất trí tuệ uyên bác của Bình Nguyên Lộc và sự lãng tử bạt mạng của Vương Hồng Sển, là sự tài hoa và cần mẫn của Sơn Nam, với nhiều truyện ngắn, truyện dài và biên khảo xuất sắc như Chuyện xưa tình cũ (1958), Hương rừng Cà Mau (1962), Văn minh miệt vườn (1981)... Và, một Trần Dần với tiểu thuyết Người người lơp lớp (1954), và sự cách tân cả giọng điệu lẫn cảm xúc qua các tập thơ Bài thơ Việt Bắc (1990), Cổng ỉình (1994), ...
Một đội ngũ đông đảo hơn ở tuổi Mậu Dần (1938), cả văn và thơ đều có như Hoàng Lại Giang, Nguyễn Khắc Phê, Lê Minh, Cao Linh Quân, Lê Thành Chơn, Chim Trắng, Hoài Anh, Vương Trung; nhưng đáng chú ý hơn cả là hai nhà nghiên cứu phê bình văn học, hai giáo sư, thế hệ được đào tạo dưới nhà trường của chế độ mới là Nguyễn Huệ Chi và Phong Lê. Một chuyên về văn học cổ cận đại, một chuyên về văn học hiện đại, mỗi người đã có hàng chục công trình nổi bật, như Phong Lê là chuyên gia nghiên cứu về văn chương Hồ Chí Minh, Nam Cao, Nguyễn Huy Tưởng, từng là Viện trưởng Viện Văn học mở đầu cho thời kỳ đổi mới; Nguyễn Huệ Chi với những công trình nghiên cứu về Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Hoàng Ngọc Phách và là đồng chủ biên bộ Từ điển văn học, bộ sách huy động 127 tác giả tham gia biên soạn, một bộ sách công phu và có tầm cỡ nhất nước ta về văn học.
Ở tuổi Canh Dần (1950), đội ngũ các tác giả càng đông đảo hơn, có mặt ở đủ các thể loại như thơ, văn, dịch thuật, với các tên tuổi như Nguyễn Thị Hồng Ngát, Thái Thăng Long, Đỗ Trung Lai, Hào Vũ, Khuất Quang Thuỵ, Trần Thị Trường, Thái Bá Tân... nhưng người nổi bật hơn cả có lẽ là Nguyễn Huy Thiệp, người đã thổi luồng gió mới vào đời sống văn học những năm cuối thế kỷ, mà trước hết là đổi mới về giọng điệu văn chương, với hàng loạt cú đột phá làm thay đổi ý thức xã hội, ý thức sáng tạo như Tướng về hưu (1989), Những ngọn gió Hua Tat (1989), Nguyễn Huy Thiệp – tác phẩm và dư luận (1990), Con gái thủy thần (1992), Như những ngọn gió (1995), Tuyển tập Nguyễn Huy Thiệp (1996). Có thể nói, chưa có tác giả nào mà khi xuất hiện lại tạo ra một cuộc tranh luận kéo theo nhiều tầng lớp trong xã hội tham gia, làm náo động cả đời sống văn học như Nguyễn Huy Thiệp.
Điều đáng nói là, ở những thập niên trước, sự xuất hiện của tác giả tuy không nhiều, nhưng nhiều người xuất sắc. Càng về sau, đội ngũ càng đông đảo hơn, nhưng sự vượt trội, xuất sắc dường như thưa vắng dần. Đến thập niên sau là Nhâm Dần (1962), cả số lượng và chất lượng đều thưa trở nên quạnh quẻ, chỉ một vài gương mặt đáng chú ý như Hồng Thanh Quang, Ngô Tự Lập... Những Đặng Thai Mai, Vương Hồng Sển hoặc Bình Nguyên Lộc, Bùi Giáng, Sơn Nam không tìm đâu thấy nữa. Cả một khu rừng văn chương thiếu tiếng hổ gầm. Tất nhiên, văn chương nghệ thuật mỗi thời mỗi khác, mỗi người một thế giới, không thể so sánh hơn thua một cách rạch ròi.
Trong cuộc săn tìm này, tôi chỉ lấy chất lượng tác phẩm (cố nhiên là có tham chiếu cả số lượng) để làm thước đo. Vì vậy, những thu hoạch này chỉ có tính tương đối. Bên cạnh đó, sự thưa vắng về sau phải chăng còn phụ thuộc vào yếu tố thời gian. Không thể đòi hỏi những người tuổi đời chưa quá năm mươi phải có tòa ngang dãy dọc. Bởi vì người làm văn chương nghệ thuật là người đi đường dài mà không biết mỏi.
PHẠM PHÚ PHONG