Ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, hàng hóa sản xuất từ nhiều quốc gia trên thế giới bị tồn đọng và đang tìm cách đẩy vào các quốc gia biên giới, trong đó có Việt Nam. Thị trường hàng hóa thật-giả lẫn lộn bởi các chiêu thức buôn lậu, gian lận thương mại ngày càng tinh vi hơn.
Công tác đấu tranh chống buôn lậu và gian lận thương mại cần có sự phối hợp nhịp nhàng của các ban, ngành.
Vi phạm gia tăng
Đã có trên 196.000 vụ vi phạm hàng lậu, hàng giả và gian lận thương mại được Ban Chỉ đạo 127 của các tỉnh, thành phố xử lý trong năm 2009. Con số này được Ban Chỉ đạo 127/TW báo cáo tại thành phố Đà Nẵng vào ngày 5-5 mới đây và xem là chưa đầy đủ so với tình hình thực tế đã và đang diễn ra. Với chính sách miễn giảm thuế đối với các cư dân biên giới theo Quyết định 254/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và quy định chưa chặt chẽ của Thông tư liên tịch số 12/2007/TTLT/BTC-BCA-BTM về chế độ hóa đơn chứng từ, các đầu nậu đã tranh thủ kẽ hở đó để vận chuyển, buôn bán hàng lậu qua biên giới. Đồng thời, lợi dụng chính sách xuất nhập khẩu, chính sách ưu đãi của Chính phủ cho khu kinh tế cửa khẩu, khu kinh tế mở, các đối tượng buôn lậu đã thực hiện hành vi gian lận thương mại, mà nổi lên điểm nóng ở một số tỉnh biên giới như Lạng Sơn, Quảng Ninh, Quảng Trị, An Giang, Tây Ninh…
Năm 2009, hàng lậu ào ào qua biên giới nước ta chủ yếu là thuốc lá (hơn 2,5 triệu bao); bia, nước giải khát (gần 1,9 triệu lon, chai); phân bón kém chất lượng (1,2 triệu kg); mỹ phẩm (gần 190 nghìn lọ, hộp); mũ bảo hiểm (hơn 20 nghìn chiếc); bột ngọt (trên 82 nghìn kg); băng đĩa (gần 240 nghìn chiếc). Một số địa phương có số vụ vi phạm bị xử lý cao như: Lạng Sơn, Quảng Ninh, Hà Nội, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Nam, Khánh Hòa, Đồng Nai, thành phố Hồ Chí Minh…
Với địa phương trung điểm của miền Trung như Đà Nẵng, hàng hóa từ các tỉnh, thành trong cả nước đổ về nhiều trong thời gian qua. Tình hình nhập lậu từ những mặt hàng có thuế suất cao như thuốc lá, hàng điện tử, điện lạnh, điện gia dụng, điện thoại di động, hàng may mặc, đồ gia dụng, mũ bảo hiểm, bánh kẹo đến những mặt hàng cấm như pháo nổ các loại, tiền giả, động vật quý hiếm, đồ chơi nguy hiểm vẫn diễn ra với tốc độ cao. Riêng trong 4 tháng đầu năm 2010, lực lượng QLTT Đà Nẵng đã kiểm tra 706 vụ, xử lý 649 vụ; tổng thu trên 1,2 tỷ đồng, trong đó thu xử phạt trên 1,1 tỷ đồng và thu từ bán hàng tịch thu trên 92 triệu đồng. Nửa đầu tháng 4-2010 đã có 107 vụ vi phạm bị xử lý với số tiền trên 230 triệu đồng.
Chặn buôn lậu hiệu quả khi có… mật báo
Trên các tuyến buôn lậu trọng điểm ở các khu vực phía Bắc, miền Trung và các tỉnh phía Tây Nam, các đầu nậu tập kết hàng hóa tại các điểm sát biên giới, khoán gọn những lô hàng này cho các đối tượng vận chuyển để xé lẻ hàng hoặc thuê cư dân khu vực biên giới lợi dụng đêm tối, sự sơ hở của lực lượng chức năng để vận chuyển hàng hóa qua biên giới. Gần đây, lực lượng chức năng các tỉnh, thành đã kiểm tra và phát hiện nhiều vụ vi phạm hàng hóa với số lượng lớn. Đáng chú ý là vụ Công an Quảng Nam phát hiện xe container vận chuyển hơn 32 nghìn gói thuốc lá Jet vào ngày 15-5-2009. Vụ QLTT Hà Nội tịch thu 224 chiếc bếp gas giả nhãn hiệu Rinnai vào đầu năm 2009. Vụ xử lý tiêu hủy hơn 5.400kg gà nhập lậu từ nước ngoài của QLTT Lào Cai vào tháng 12-2009 và vụ tiêu hủy hơn 60 nghìn bao thuốc lá nhập lậu vào cuối tháng 12-2009 của Chi cục QLTT Đà Nẵng.
Theo ông Nguyễn Hùng Dũng, Cục trưởng Cục QLTT, phụ trách Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo 127 TW: Từ nhiều năm qua, công tác đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại luôn gặp nhiều khó khăn và phức tạp. Đặc biệt là công tác dự báo tình hình biến động cung cầu, diễn biến giá cả thị trường chưa kịp thời, chưa sâu sát, chỉ khi báo chí phản ánh mới tiến hành nắm tình hình, điều tra và xác minh. Do đó, công tác chống buôn lậu còn nhiều hạn chế.
Ở góc độ địa phương, ông Trần Văn Đạm, Chi cục trưởng Chi cục QLTT thành phố Đà Nẵng cho rằng: Công tác trao đổi thông tin, phối hợp chuyên môn giữa các thành viên trong BCĐ chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại là rất quan trọng. Nếu chỉ riêng QLTT làm nhiệm vụ kiểm tra, kiểm soát thì không bao quát hết địa bàn. Trong khi đó, lực lượng QLTT địa phương khá mỏng, các trang thiết bị làm việc chưa đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, nhất là thiếu kinh phí phục vụ cho việc xây dựng nguồn tin từ cơ sở...
Bài và ảnh: Duyên Anh