Cuộc họp khẩn cấp của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (LHQ) đã diễn ra hôm qua (19-12) nhằm kiềm chế diễn biến căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên theo đề xuất của Nga.
Đại sứ Nga tại LHQ Vitaly Churkin nói rằng, Mátxcơva tin tưởng Hội đồng Bảo an sẽ gửi “thông điệp kiềm chế” đến CHDCND Triều Tiên và hỗ trợ các hoạt động ngoại giao nhằm giải quyết tranh chấp giữa Bình Nhưỡng với Seoul. Song, Nga tức giận khi cho rằng, cuộc họp khẩn cấp này lẽ ra phải tổ chức sớm hơn. Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon cũng được kỳ vọng sẽ cử một đặc sứ đến khu vực Đông Á trong vai trò trung gian hòa giải. Song, cả Hàn Quốc lẫn CHDCND Triều Tiên đều không ngừng “khẩu chiến”. Quân đội Hàn Quốc đang chờ đợi thời tiết tốt hơn để tập trận bắn đạn thật trên đảo Yeonpyeong vào hôm nay hoặc ngày mai, thay cho kế hoạch dự kiến vào cuối tuần qua, bất chấp đe dọa từ nước láng giềng phía Bắc.
Trong một tuyên bố được Hãng thông tấn Trung ương Triều Tiên KCNA trích dẫn, Bình Nhưỡng khẳng định Hàn Quốc sẽ đối mặt với “thảm họa” nếu vẫn tiến hành tập trận và lần này sẽ là đòn giáng mạnh hơn trước đó. Tuy nhiên, cảnh báo của quốc gia này không làm Hàn Quốc bối rối hay khiếp sợ. Trái lại, Seoul đưa ra lý do rằng, các cuộc tập trận theo thông lệ nhằm phòng vệ tự nhiên và không nên bị xem là mối đe dọa. Bộ Ngoại giao Hàn Quốc đã khẳng định chỉ hoãn tập trận vì thời tiết, chứ không vì bất kỳ điều gì khác.
Mỹ nắm giữ vị trí Chủ tịch luân phiên của Hội đồng Bảo an trong tháng này tất nhiên ủng hộ đồng minh Hàn Quốc. Washington cho rằng, bất kỳ nước nào cũng có quyền huấn luyện phòng vệ. Song, Nga và Trung Quốc - những thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an LHQ - bày tỏ quan ngại về những diễn biến mới trên bán đảo Triều Tiên. Bộ Ngoại giao Nga liên tiếp thúc giục Hàn Quốc hoãn diễn tập quân sự nhằm tránh căng thẳng leo thang, đồng thời đề nghị 2 miền cần bắt đầu đối thoại tháo gỡ khủng hoảng.
Một giải pháp mạnh mẽ của LHQ kêu gọi kiềm chế đến mức thấp nhất từ tất cả các bên cũng là điều mà Thống đốc bang New Mexico, cựu đặc sứ Mỹ Bill Richardson mong muốn trong chuyến công du CHDCND Triều Tiên vào tuần qua. Ông Richardson đã đề xuất về một đường dây nóng quân sự và một ủy ban quân sự bao gồm sự tham gia của Mỹ, Hàn Quốc cùng CHDCND Triều Tiên nhằm giám sát các cuộc khủng hoảng tương tự trên biển Hoàng Hải.
Các hãng thông tấn dẫn ý kiến của một số nhà phân tích cho rằng, nhiều khả năng sẽ xảy ra một cuộc chiến trên bán đảo Triều Tiên. Thậm chí, ông Richardson cũng đã dùng từ “một hộp mồi lửa” để mô tả tình trạng của bán đảo Triều Tiên. LHQ chậm chân can thiệp, Trung Quốc - đồng minh lớn của CHDCND Triều Tiên - vẫn tỏ thái độ ôn hòa. Và vì thế, sự nỗ lực của Nga cùng nhiều hoạt động ngoại giao của quốc tế theo kiểu “được chăng hay chớ” cũng khó có thể mang lại kết quả tốt đẹp. Trong khi đó, 2 nhân vật chính là CHDCND Triều Tiên và Hàn Quốc vẫn không ngừng đối đầu, từ khẩu chiến cho đến sẵn sàng hành động thật sự.
VĨNH AN