Những thị trấn nhỏ ở Tây Ban Nha như La Jonquera đang dần trở thành điểm đến lí tưởng cho những người đàn ông muốn “đổi gió” trong những ngày cuối tuần. Đi kèm với sự bùng nổ dịch vụ du lịch tình dục là hàng loạt các hành vi phạm pháp khác, trong đó có nạn buôn người xuyên quốc gia.
Một gái mại dâm tại La Jonquera. Ảnh: NYT |
Khi chuẩn bị đến Tây Ban Nha, Valentina nghĩ rằng cô sẽ kiếm được một công việc phục vụ trong một khách sạn với mức lương đủ sống và một khoản tiền nhỏ gửi về nuôi con. Nhưng mọi thứ đã hoàn toàn sụp đổ trước mắt bà mẹ trẻ người Romania. Khi vừa đặt chân đến xứ sở bò tót, “bạn trai” Valentina - người đã giúp cô thực hiện ước mơ xuất ngoại - đã buộc cô phải đi bán dâm để trả nợ cho hắn! Người này đe dọa sẽ giết chết Valentina và giết chết những đứa con của cô nếu cô không hợp tác.
Bơ vơ nơi đất khách quê người, Valentina đành phải ra đứng đường để kiếm 40 USD cho mỗi lần bán dâm và 25 USD để thỏa mãn các dịch vụ tình dục khác của khách hàng. “Đối với tôi, cuộc đời vậy là đã kết thúc. Tôi sẽ không bao giờ quên được những gì mình đã làm” – Valentina kể lại cuộc sống của mình kể từ sau lần đầu tiên tiếp khách.
Valentina là một trong hàng trăm phụ nữ nước ngoài đang phải chấp nhận bán thân tại La Jonquera – một thị trấn vùng biên vốn yên tĩnh của Tây Ban Nha và là nơi cánh lái xe tải nghỉ ngơi giữa những chuyến hàng dài, nơi những lái buôn người Pháp đến đánh hàng thủ công mỹ nghệ. Nhưng gần đây, mại dâm đã trở thành một ngành nghề kinh doanh chính tại thị trấn nhỏ này.
Sự khác biệt duy nhất là nếu như trước đây, hầu hết khách hàng là những người đàn ông trung niên thì với xu thế bùng nổ mại dâm tại La Jonquera, khách hàng lại chủ yếu là những người đàn ông trẻ, trong đó có nhiều người “tranh thủ” những ngày nghỉ cuối tuần để “đổi gió”. “Những người trẻ trước kia thường đi vũ trường thì nay lại đến nhà thổ. Họ xem đây cũng là một loại hình giải trí” - Francina Vila i Valls, một nhà hoạt động vì nữ quyền tại Barcelona nói.
Sự bùng nổ ngành công nghiệp tình dục ở Tây Ban Nha theo các chuyên gia là kết quả của nhiều yếu tố, trong đó có yếu tố lỏng lẻo về mặt pháp luật. Cho đến tận năm 2010, nước này thậm chí vẫn chưa có một đạo luật để phân biệt nạn buôn bán người với hoạt động nhập cư bất hợp pháp. Do đó, theo các nhà hoạt động, số vụ truy quét và bắt giữ những đối tượng buôn bán người vẫn còn rất ít ỏi.
Bộ Ngoại giao Tây Ban Nha cho hay, trong năm 2010 trên cả nước chỉ có 200 nghi phạm buôn người bị truy tố và 80 đối tượng bị kết án. Một yếu tố quan trọng hơn, theo các nhà hoạt động, chính là nhu cầu về các dịch vụ tình dục từ những du khách trẻ. Một số nhà xã hội học nói rằng, Tây Ban Nha gần đây đã trở thành một điểm đến “lý tưởng” cho loại hình du lịch tình dục.
Một câu lạc bộ mới có tên Club Paradise, gồm 101 phòng vừa được mở ra tại La Jonquera và trở thành một trong những nhà thổ lớn nhất tại châu Âu. Nhà thổ này được mở ra để phục vụ phần lớn những người đàn ông trẻ đến từ Pháp – nơi một số hoạt động mại dâm bị xem là bất hợp pháp và cũng vì giá cả “chát” hơn rất nhiều.
Và như một hệ lụy tất yếu, theo các chuyên gia, hầu hết các nhà thổ - vốn được hoạt động hợp pháp tại Tây Ban Nha - đều có liên quan đến hoạt động buôn bán phụ nữ nước ngoài. Theo báo cáo về hoạt động buôn người năm 2010 của Bộ Ngoại giao Tây Ban Nha, có khoảng 200.000 đến 400.000 người đang hoạt động trong ngành công nghiệp tình dục trên khắp nước này và 90% trong số này được cho là nạn nhân của hoạt động buôn người. Hàng nghìn phụ nữ người nước ngoài đang bị buộc phải làm việc tại các câu lạc bộ trá hình, trong những khu nhà tồi tàn hoặc trên những đường phố lạnh lẽo.
Phó Thanh tra Xavier Cortés Camacho – người đứng đầu đơn vị phòng chống buôn người ở Barcelona - cho biết, nhiều băng nhóm do người Nigeria đứng đầu đã đưa phụ nữ từ các nước Bắc Phi tới Tây Ban Nha và ép họ phải làm việc theo sự điều động của chúng nếu không muốn bị đánh đập, hiếp dâm và tệ hơn là chúng sẽ giết hại người thân của họ ở quê nhà.
Thị trưởng La Jonquera Sonia Martínez Juli cho biết, thị trấn nhỏ này có rất ít nguồn lực để giúp phụ nữ. “Chúng tôi thấy hoàn toàn bất lực với vấn đề này”. Một số chính trị gia trong khi đó muốn cấm hoạt động mại dâm ở Tây Ban Nha. Tuy nhiên, điều này vẫn còn là viễn cảnh rất xa vời và nếu có thể thực hiện được thì cũng chỉ làm cho nạn mại dâm hoạt động kín đáo hơn và càng khó khăn hơn để giúp cho những nạn nhân của nạn buôn bán phụ nữ.
Minh Ngọc (Theo NYT)