Xử lý thế nào mâu thuẫn giữa hơn 10 triệu hộ nông dân nhỏ lẻ, manh mún về đất đai, lao động, kỹ thuật... khi chuyển sang nền kinh tế hiện đại? Vấn đề lao động nông thôn sẽ ra sao khi tỷ trọng GDP nông nghiệp giảm nhanh trong khi lao động nông thôn giảm chậm? Thu hút đầu tư vào nông nghiệp - nông thôn là lời giải cho bài toán lao động và phát triển kinh tế xã hội ở nông thôn, song đây vẫn là khoảng trống rất lớn… Được đánh giá là có những bước chuyển dịch tích cực, tuy nhiên nhìn lại chặng đường gần 10 năm thực hiện Nghị quyết 15 ngày 18-3-2002 về đẩy nhanh công nghiệp hóa, hiện đại hóa NN-NT thời kỳ 2001-2010, bức tranh NN-NT vẫn còn nhiều nét vẽ dang dở .
Theo đánh giá của Bộ NN và PTNT, những thành tựu đạt được theo Nghị quyết này là cơ cấu nông nghiệp và kinh tế nông thôn đã có bước chuyển dịch tích cực theo hướng đẩy mạnh sản xuất các loại nông sản hàng hóa có nhu cầu thị trường và có giá trị kinh tế cao. Tuy diện tích trồng lúa giảm, nhưng sản lượng lúa vẫn tăng từ 32,5 triệu tấn (năm 2000) lên trên 39 triệu tấn (năm 2009), đưa sản lượng xuất khẩu gạo lên mức xấp xỉ 6 triệu tấn (năm 2009) so với mức 3,5-4 triệu tấn gạo theo kế hoạch. Sản xuất cây công nghiệp có sự điều chỉnh mạnh theo nhu cầu thị trường để xuất khẩu và thay thế hàng nhập khẩu, hình thành một số vùng sản xuất hàng hóa tập trung gắn với công nghiệp bảo quản, chế biến. Công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản và ngành nghề nông thôn có bước phát triển tích cực, giá trị sản xuất công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản tăng trưởng bình quân 12-14%/năm. Sản xuất tiểu, thủ công nghiệp và ngành nghề nông thôn có bước phát triển nhanh 15%/năm. Cơ cấu kinh tế nông thôn chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ, giảm tỷ trọng nông nghiệp. Trình độ khoa học, công nghệ trong sản xuất nông nghiệp, thủy sản từng bước được nâng cao theo hướng sử dụng giống mới, công nghệ sinh học, phương thức canh tác tiên tiến để nâng cao năng suất chất lượng nông sản, thủy sản. Một chuyển biến cũng dễ nhìn thấy là cơ sở hạ tầng nông thôn được đầu tư phát triển khá nhanh. Nhiều công trình thủy lợi đã hoàn thành và đưa vào sử dụng, góp phần chuyển dịch cơ cấu sản xuất, thâm canh, tăng năng suất cây trồng bảo đảm tưới cho 90% diện tích lúa, hàng vạn ha hoa màu, cây công nghiệp và cây ăn quả; hệ thống đê điều được củng cố. Hệ thống đường giao thông, điện, viễn thông, chợ phát triển nhanh, tạo điều kiện để người dân nông thôn phát triển sản xuất và tổ chức đời sống theo hướng hiện đại.
Lát gạch vỉa hè đường trục chính qua xã Mỹ Đồng (huyện Thủy Nguyên) Ảnh: Duy Thính |
Bộ trưởng Bộ NN và PTNT Cao Đức Phát cho rằng, bên cạnh những thành tựu đạt được, trong sự nghiệp CNH-HĐH, nông nghiệp, nông thôn đang còn một số hạn chế, khó khăn và nhiều vấn đề đang đặt ra rất bức xúc cần tập trung sức giải quyết. Chỉ riêng về góc độ kinh tế, có thể thấy cơ cấu sản xuất nông nghiệp và kinh tế nông thôn ở nhiều nơi chuyển dịch chậm, chăn nuôi, công nghiệp, ngành nghề dịch vụ nông thôn phát triển còn chậm và chưa tương xứng với tiềm năng. Kinh tế nông thôn vẫn nặng về nông nghiệp (chiếm 65%), trong nông nghiệp nặng về trồng trọt (chiếm 78%) cây lúa vẫn đóng vai trò chủ yếu trong cơ cấu cây trồng; tỷ trọng giá trị chăn nuôi chỉ chiếm 23%; giá trị thu được trên 1 ha đất nông nghiệp còn thấp so với tiềm năng và so với nhiều nước trong khu vực. Theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, một trong những vấn đề bức xúc nhất trong sản xuất là việc chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp ở nhiều nơi còn mang tính tự phát, thiếu quy hoạch, nên kém hiệu quả và chưa bền vững khiến cho điệp khúc “chặt, trồng - trồng, chặt” liên tục tiếp diễn với nhiều loại cây trồng. Năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh của một số nông sản phẩm còn thấp. Cơ sở công nghiệp chế biến còn nhỏ bé về quy mô, lạc hậu về công nghệ (vẫn còn khoảng 50% số doanh nghiệp có công nghệ lạc hậu), đơn điệu về sản phẩm, chủ yếu là sơ chế, giá trị gia tăng thấp và chưa gắn kết chặt chẽ với vùng nguyên liệu. Doanh nghiệp tư nhân là nhân tố quan trọng trong phát triển và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động ở nông thôn, nhưng quy mô nhỏ bé, chủ yếu là dịch vụ và chỉ phát triển mạnh ở ven đô thị, hoặc nơi có kết cấu hạ tầng tương đối phát triển.
Một điểm được ghi nhận của quá trình CNH-HĐH nông nghiệp, nông thôn thời gian qua là kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được đầu tư, phát triển. Tuy nhiên, so với yêu cầu thực tế, hạ tầng nông thôn vẫn chưa đáp ứng kịp yêu cầu chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp và kinh tế nông thôn, nhiều nơi còn nhiều yếu kém. Hệ thống thủy lợi một số nơi còn nhiều bất cập, chưa đáp ứng được yêu cầu chuyển dịch cơ cấu sản xuất và dân sinh, nhất là trong điều kiện hạn hán, lũ lụt gay gắt. Nhiều công trình đầu tư không đồng bộ, quản lý kém nên xuống cấp, mới phát huy được 70% công suất thiết kế. Chất lượng đường giao thông nông thôn còn thấp, thiếu đường tới thôn bản, nhất là vùng núi. Việc giải quyết điện cho sinh hoạt và phục vụ sản xuất nông nghiệp ở nhiều vùng còn khó khăn; giá bán điện ở nông thôn còn cao. Vấn đề cấp nước sạch vẫn chậm được giải quyết, nhất là đối với miền núi và đồng bằng sông Cửu Long.
Ai cũng biết cơ sở hạ tầng có vai trò rất quan trọng trong việc thu hút đầu tư về nông thôn. Đây là hoạt động mấu chốt kết nối giữa nông thôn và thành thị, đem đầu tư từ thành thị về nông thôn. Mặc dù nhìn thấy tiềm năng phát triển sản xuất nông nghiệp, xây dựng vùng nguyên liệu ở nhiều khu vực, song rất nhiều doanh nghiệp ngại khi đầu tư phát triển vào khu vực, này vì rào cản đầu tiên là hạ tầng. Đối với chủ trương đưa công nghiệp về nông thôn, việc phát triển nhanh các khu công nghiệp, khu đô thị nhưng chưa kết hợp chặt với giải quyết việc làm, đào tạo và chuyển đổi nghề cho người dân có đất bị thu hồi cho mục đích này làm tăng thêm tình trạng bức xúc về việc làm, thu nhập và đời sống ở nhiều vùng nông thôn...
Thanh Hương