Những câu hỏi sai trên các trò chơi truyền hình quốc gia xuất hiện ngày một nhiều khiến hàng triệu người xem hoang mang, bức xúc. Không chỉ có “Đường lên đỉnh Olympia” gây ồn ào suốt tuần qua mà các chương trình: “Ai là triệu phú”, “Rung chuông vàng”… cũng từng bị vấp khi “dính” phải những câu hỏi sai của chính Ban tổ chức.
“Chướng ngại vật” của… Ban tổ chức
Suốt tuần vừa qua, dư luận không khỏi nghi ngờ về giải vô địch Olympia của thí sinh Đặng Thái Hoàng. Bởi, ở câu đầu tiên phần Tăng tốc, nhiều người cho rằng dữ liệu và đáp án không đúng, đáp án chính xác là số lẻ: 5,666... Cố vấn toán học chương trình cũng khẳng định dữ liệu sai. Sau khi kiểm tra, Ban tổ chức chương trình Đường lên đỉnh Olympia đã nhận lỗi về những sơ xuất trong phần thi Tăng tốc của chương trình chung kết vừa qua.
Chính dữ liệu sai của chương trình đã làm ảnh hưởng ít nhiều tới giải nhất cuộc đua leo núi trí tuệ này. Đây không phải lần đầu tiên “Đường lên đỉnh Olympia” bị “hóc” bởi “chướng ngại vật” của chính mình.
Không ít hơn 2 lần, Đường lên đỉnh Olympia ra đáp án sai khiến thí sinh ngậm ngùi! |
Còn nhớ, chung kết “Đường lên đỉnh Olympia” năm thứ 9 tổ chức ngày 17/5/2009 có 5 nhà leo núi với 6 điểm cầu truyền hình trực tiếp. Trận chung kết đặc biệt nhất trong lịch sử chương trình này cũng xuất phát từ sai sót và đài truyền hình phải sửa sai bằng cách công nhận có 2 nhà vô địch quý III cùng bước vào trận chung kết. VTV phải sửa sai khi trong phần thi Về đích của quý III, thí sinh Bạch Đình Thắng gặp phải câu hỏi về các hệ trong cơ thể người. Thắng tự tin trả lời có 6 hệ, trong đó có hệ nội tiết nhưng theo đáp án của chương trình chỉ có 5 hệ và nội tiết là một tuyến.
Thắng không đồng tình với đáp án trên và khẳng định, mình học được điều này trong sách giáo khoa do Bộ GD&ĐT phát hành. BTV Tùng Chi đã trực tiếp gọi điện cho 3 chuyên gia về y học hàng đầu của Việt Nam và cả 3 đều khẳng định: nội tiết chỉ là tuyến và không thể coi là hệ. Thắng bị trừ 30 điểm vì đã đặt ngôi sao hy vọng cho câu hỏi này.
Nhưng khoảng 10 ngày sau, cậu học trò cung cấp cho Ban tổ chức SGK lớp 8 trong đó có một chương về hệ nội tiết. Để đảm bảo quyền lợi cho thí sinh, Ban tổ chức đã công nhận câu trả lời với giải thích học sinh được dạy như thế nào thì kết quả sẽ là như thế. Và Thắng được cộng thêm 60 điểm thành 275, bằng điểm của thí sinh nhận vòng nguyệt quế Hồ Ngọc Hân và lần đầu tiên cuộc thi chung kết có 5 thí sinh tham dự.
Gây bức xúc cho dư luận không kém là chương trình “Ai là triệu phú”. Trong chương trình ngày 21/12/2010, có câu hỏi: “Đến nay ở nước ta có bao nhiêu di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO công nhận?”, với 4 phương án trả lời: A - 3 di sản, B - 4 di sản, C - 5 di sản và D – 6 di sản. Người chơi đã chọn phương án C. Tuy nhiên, sau đó đáp án mà MC Lại Văn Sâm công bố là B, nên người chơi phải dừng cuộc thi.
Thực tế, đáp án 5 di sản là hoàn toàn chính xác, đó là: Nhã nhạc Cung đình Huế, Không gian văn hóa vồng chiêng Tây Nguyên, Dân ca quan họ Bắc Ninh, Ca trù Việt Nam và Hội Gióng. Sau sai sót này của chương trình, dư luận mà đặc biệt là cộng đồng mạng đã phản ứng hết sức dữ dội…
Tiến thoái lưỡng nan
Trở lại chuyện ra đề sai ở Đường lên đỉnh Olympia vừa qua, trước yêu cầu có một phản hồi nhanh, có trách nhiệm, giảm tổn thương cần thiết cho cả bốn thí sinh của trận chung kết, ông Nguyễn Hà Nam - Trưởng ban Thư ký biên tập, Đài truyền hình Việt Nam (VTV) đã đưa ra thông báo: VTV xin lỗi và giữ nguyên kết quả.
Thế nhưng chính việc giữ nguyên kết quả cuộc thi lại một lần nữa gây “sóng gió” dư luận. Bởi, rất nhiều ý kiến cho rằng, chương trình nên tổ chức thi lại cho dù phải mất thời gian và công sức. Những người có tài năng phải được công nhận như thế mới công bằng. Không những thí sinh giải nhì là “nạn nhân” của sự sai sót của Ban tổ chức, mà chính người đoạt giải nhất là em Đặng Thái Hoàng cũng là một “nạn nhân” với niềm vui không trọn, sự dị nghị của dư luận. Để chứng tỏ sự tự tin của mình em Hoàng đã tuyên bố sẵn sàng thi lại, nhưng đáp lại chỉ là sự im lặng khó hiểu từ Ban tổ chức.
…Nhiều sai sót với câu hỏi ở các trò chơi trí tuệ trên truyền hình nhất là đài quốc gia, đã khiến ít nhiều khán giả, dư luận phản ứng, bức xúc, quay lưng khi chương trình phát sóng. Nhưng nên hiểu rằng bản thân những game show không có lỗi, có chăng lỗi là ở cách thức tổ chức.
Ban tổ chức chương trình game show trên truyền hình cần nghiêm túc, kiểm tra kỹ lưỡng hơn nữa cho những câu hỏi và câu trả lời trong các cuộc thi để giảm thiểu những ồn ào đáng tiếc.
Thùy Dương