Brazil: Bạo loạn tại nhà tù - 'điểm nóng' khó dứt điểm

Đưa thi thể những người thiệt mạng ra ngoài
Đưa thi thể những người thiệt mạng ra ngoài
(PLO) - Ngày 15/1, một vụ bạo loạn tại nhà tù kéo dài 14 giờ tại thành phố Natal, miền Đông Bắc Brazil, đã khiến 26 phạm nhân thiệt mạng. Đây là vụ bạo loạn đẫm máu thứ ba diễn ra chỉ trong vòng chưa đầy 2 tuần qua tại quốc gia này. 

Cảnh sát địa phương cho biết, mâu thuẫn giữa 2 băng đảng ma túy để tranh giành địa bàn hoạt động đã xảy ra tại Alcaçuz, nhà tù lớn nhất ở bang Rio Grande do Norte, nơi vốn giam giữ gần 1.100 phạm nhân, nhiều gần gấp đôi khả năng của trung tâm này. 

Chưa “chốt” được số người thiệt mạng

Phát biểu trong buổi họp báo, các nhà chức trách tuyên bố có khả năng số phạm nhân thiệt mạng sẽ còn tăng bởi nhiều người hiện bị thương rất nặng và an ninh tại nhà tù này đã được kiểm soát đảm bảo các phạm nhân không bỏ trốn. Nhiều phạm nhân cũng đã được chuyển tới các nhà tù khác nhằm giảm bởi tình trạng quá tải. 

Trước đó, ngày 1/1, một vụ bạo loạn đã xảy ra tại nhà tù ở thành phố Manaus, bang Amazonas, Brazil khiến 56 người thiệt mạng và hơn 180 tù nhân tẩu thoát. Sau đó chỉ 4 ngày, một vụ việc tương tự cũng đã xảy ra tại nhà tù ở Roraima làm 33 phạm nhân thiệt mạng. Tổng thống Michel Temer tuyên bố theo dõi sát vụ việc và đã ra lệnh các cơ quan chức năng tập trung giải quyết cuộc khủng hoảng tại các nhà tù. Bộ Tư pháp đã triệu tập một cuộc họp với cơ quan an ninh của tất cả các bang trên toàn quốc vào ngày 17/1 tới để đưa ra các biện pháp khắc phục tình trạng hiện nay. 

Quang cảnh nhà tù sau khi cuộc bạo loạn được trấn áp
Quang cảnh nhà tù sau khi cuộc bạo loạn được trấn áp

Điều động thêm nhân viên an ninh

Mới 5 ngày trước, chính phủ Brazil đã phải triển khai thêm 200 nhân viên an ninh bảo vệ hai nhà tù ở miền Bắc nước này sau một loạt vụ bạo loạn làm 100 tù nhân thiệt mạng cuối tuần qua. 

Theo Bộ trưởng Tư pháp Brazil Alexandre de Moraes, những nhân viên an ninh này bao gồm quân đội, thường dân và lính cứu hỏa, đã được điều động tới hai bang Amazonas và Roraima - nơi xảy ra hai vụ thảm sát lớn nhất nhằm tăng cường an ninh cho những nhà tù trên, cũng như hỗ trợ việc tìm kiếm 114 tù nhân đã vượt ngục sau vụ bạo loạn tại nhà tù ở thành phố Manaus ngày 2/1 vừa qua. Cũng theo ông Moraes, hàng trăm tù nhân đã được chuyển sang những nhà tù khác sau những sự cố nói trên. 

Bộ trưởng Alexandre de Moraes cũng đã đề xuất rà soát lại toàn bộ hệ thống nhà tù tại quốc gia Nam Mỹ này nhằm sớm giải quyết tình trạng quá tải tại các cơ sở giam giữ để ngăn ngừa các vụ việc tương tự tái diễn. Vừa có chuyến thị sát nhà tù ở Manaus sau vụ bạo loạn, ông Alexandre de Moraes nhấn mạnh Brazil cần cải thiện điều kiện sống và an ninh tại toàn bộ hệ thống nhà tù tại nước này, nơi giam giữ khoảng 600.000 tù nhân.

Ông cho rằng việc xây dựng thêm nhà tù mới để giảm tải mới chỉ là biện pháp bề nổi. Chính phủ cần phân loại tù nhân theo cấp độ phạm tội, qua đó mới có thể đảm bảo an ninh, đồng thời kiểm soát chặt chẽ các nhóm tội phạm có tổ chức.

Bên cạnh đó, các cơ quan tư pháp, tòa án cũng cần đẩy nhanh tiến độ xét xử vì tại Brazil có tới 42% đối tượng bị giam giữ tại các nhà tù thuộc diện chờ xét xử. Tỷ lệ này trên thế giới chỉ là 20%. Bộ trưởng Alexandre de Moraes cho biết thêm đến tháng 6 năm nay, chính quyền liên bang sẽ cấp thêm khoảng 1,2 tỷ real (tương đương 367 triệu USD) cho ngân sách các bang nhằm tăng cường hệ thống an ninh, ngăn chặn tình trạng tuồn vũ khí vào nhà tù. 

“Điểm nóng” khó dứt điểm

Chiều tối 1/1, vụ bạo loạn nhà tù đẫm máu nhất trong 20 năm trở lại đây ở Brazil bùng phát và kết thúc sau 17 giờ đồng hồ. Lực lượng an ninh đã lập lại trật tự và giải cứu thành công 12 quản giáo bị bắt giữ làm con tin. Ngay sau vụ việc, khoảng 223 tù nhân tại các nhà tù ở bang Amazonas đã được chuyển đến một nhà tù bị bỏ hoang ở Manaus nhằm ngăn chặn vụ bạo lực tương tự. 

Giới chức Brazil xác nhận, 56 người đã bị giết và 184 tù nhân đã trốn thoát sau vụ bạo loạn này; nhiều người trong số này thậm chí đã bị chặt đầu. Giám đốc Cơ quan An ninh bang Amazonas Sergio Fontes cho biết lực lượng chức năng đã phát hiện 16 đường hầm mà tù nhân sử dụng để thoát ra ngoài và đã bắt lại được 40 tù nhân. 

Việc các tù nhân thuộc băng nhóm tội phạm gây bạo loạn và thanh trừng tại các nhà tù ở Brazil diễn ra rất phổ biến. Hồi tháng 10 vừa qua, 25 tù nhân đã chết tại nhà tù Roraima, gần biên giới với Venezuela trong cuộc ẩu đả giữa hai băng đảng. Năm 1992, trong một vụ bạo loạn đẫm máu cũng đã xảy ra tại nhà tù Carandiru, ở Sao Paulo, 111 tù nhân đã thiệt mạng.

Ngoài ra, các tổ chức nhân quyền đã nhiều lần chỉ trích Brazil về tình trạng quá tải tại các nhà tù, khiến tình trạng trở nên mất kiểm soát. Riêng tại Amazonas, số tù nhân lên tới 8.800 người, nhiều gấp 2,59 lần so với khả năng chứa của các nhà tù. Brazil có số tù nhân nhiều thứ 4 thế giới sau Mỹ, Trung Quốc và Nga. Theo thống kê của Bộ Tư pháp vào năm 2014, đa phần trong tổng số 622.000 tù nhân Brazil là thanh niên da đen. 

Đọc thêm

Nghề giáo bốn phương

Giải thưởng Nhà giáo Ghana 2024 là một trong những giải thưởng cao quý nhất để công nhận, tôn vinh những đóng góp của các giáo viên khắp cả nước này. (Ảnh: UNICEF)
(PLVN) - Giáo viên tại các quốc gia đang phát triển thường xuyên đối diện với nhiều thách thức lớn như nghèo đói, thiếu hụt nguồn lực, lớp học quá tải, điều kiện công nghệ hạn chế. Tuy nhiên, họ vẫn luôn kiên trì và tận tâm, không ngừng nỗ lực vượt qua mọi khó khăn để mang lại tri thức và hy vọng cho từng học sinh, dù cho điều đó đôi khi vượt xa trách nhiệm công việc của họ.

Nghề độc đáo ở Nhật Bản: Ra sức 'nhồi nhét' khách lên tàu, mỗi năm thu nhập trên 800 triệu đồng

 Số lượng người dân đi tàu điện ngầm ở Nhật Bản lúc nào cũng quá tải. (Ảnh: Japan Insider)
(PLVN) - Nhật Bản vốn nổi tiếng là đất nước sử dụng tàu điện ngầm là phương tiện giao thông chính và quan trọng, phục vụ hàng triệu người mỗi ngày. Với hệ thống tàu điện hiện đại, hiệu quả và có mặt khắp các thành phố lớn, việc sử dụng tàu điện là cách tốt nhất để di chuyển trong và ngoài thành phố.

Úc cấm trẻ em dưới 16 tuổi sử dụng mạng xã hội

Hình minh họa
(PLVN) - Chính phủ Úc vừa cam kết sẽ ban hành luật giới hạn độ tuổi sử dụng mạng xã hội là 16 tuổi, kèm theo hình phạt cho các nền tảng không tuân thủ. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ làm thế nào để các ông lớn công nghệ như Facebook, Instagram, TikTok... có thể thực thi hiệu quả quy định này.