Nhiều hộp đen dù đã được Bộ Giao thông Vận tải “chứng” hợp chuẩn nhưng trên thực các chi tiết đã bị cắt xén tùy tiện, thậm chí, đang có cả thực trạng trà trộn hộp đen “Tàu” giá rẻ…
Ảnh minh họa. |
Thực hiện Nghị định 91, từ ngày 1/7 tới đây, các xe khách theo tuyến cố định có cự ly từ 500 km trở lên, xe hợp đồng và kinh doanh vận tải hàng hoá bằng container phải hoàn thành việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình - GPS (còn gọi là hộp đen) để được tiếp tục cấp giấy phép kinh doanh vận tải.
Ghi nhận trên thực tế cho thấy, đa phần các doanh nghiệp, hợp tác xã vận tải đã miễn cưỡng chấp hành quy định này (theo Tổng cục Đường bộ, đến thời điểm này, toàn quốc đã có hơn 82% số xe trong diện quy định đã lắp hộp đen), nhưng nhiều thiết bị được lắp đặt không đáp ứng được các tiêu chí tối thiểu theo Thông tư số 08/2011/TT-BGTVT của Bộ Giao thông Vận tải.
Hiệp hội vận tải TP.Hà Nội vừa có văn bản gửi Bộ GTVT kiến nghị kiểm tra chất lượng thiết bị GPS và hướng dẫn khai thác thông tin do thiết bị này cung cấp. Theo hiệp hội này, các doanh nghiệp vận tải đã đầu tư gần 200 tỷ đồng (35.000 xe) và ký hợp đồng với các doanh nghiệp lắp đặt GPS được Bộ cấp Giấy chứng nhận thiết bị hợp chuẩn. Ký thì ký vậy nhưng đại đa số doanh nghiệp vận tải không biết quy định kỹ thuật được quy định tại Thông tư 08/2011/TT-BGTVT, nên khi nghiệm thu không giám sát được chất lượng của hộp đen.
Hiệp hội này đưa ra dẫn chứng, có những đơn vị vận tải tại Vĩnh Yên đã bị cắt xén các chi tiết về quản lý như: cảnh báo vượt tốc độ, thiếu cổng cắm USB để quản lý thông tin về lái xe .v.v...
“Thậm chí lái xe cũng không biết được tính năng cảnh báo khi vượt quá tốc độ, hộp đen phát cảnh báo thì lái xe lại yêu cầu đơn vị lắp đặt cắt tiếng kêu vì gây điếc tai, khó chịu” – công văn nêu rõ thực trạng.
Tại Hà Nội, 02 phương tiện của HTX Thăng Long khi đi đăng kiểm đã bị trạm đăng kiểm “ép” lắp hộp đen trước lộ trình quy định ngay tại trận mà đơn vị lắp đặt cũng chính do trạm đăng kiểm gọi đến chỉ định lắp đặt. Thế nhưng, lắp xong doanh nghiệp không nhận được tín hiệu.
Tại một tỉnh miền núi, có đơn vị lắp đặt 20 hộp đen cho 05 doanh nghiệp vận tải, nhưng khi nộp hợp đồng lắp đặt và biên bản nghiệm thu thì Sở GTVT của tỉnh đó không chấp nhận và yêu cầu các doanh nghiệp vận tải chỉ được lắp đặt thiết bị của 04 đơn vị mà Sở chỉ định. Các doanh nghiệp đã lắp đặt buộc phải tháo hộp đen trả lại gây lãng phí tiền bạc và thời gian cho các bên.
Đại diện các doanh nghiệp vận tải cũng dẫn trường hợp tại bến xe Lương Yên (Hà Nội), Công ty CP phát triển công nghệ HC-SmartParking đã phát tờ rơi cho các lái xe của các doanh nghiệp “chào” giá hộp đen rất thấp gây hoang mang cho các chủ xe (công ty này đã lắp đặt 02 xe của HTX vận tải Thăng Long tại 02 trạm đăng kiểm không qua quản lý của HTX ).
Thật ra, từ trước khi Hiệp hội vận tải Hà Nội “có ý kiến”, nhiều doanh nghiệp vận tải trên khắp cả nước cũng đã bày tỏ nhiều băn khoăn lo ngại xoay quanh vấn đề hộp đen. Đơn cử như vấn đề về giá cả, mặc dù Bộ GTVT đã công nhận 30 doanh nghiệp cung cấp hộp đen đúng tiêu chuẩn, nhưng theo phản ánh của doanh nghiệp vận tải, giá bán mà các doanh nghiệp đưa ra không đồng nhất, có nơi 3,5 triệu đồng/hộp, có nơi gần 6 triệu đồng/hộp, có nơi cả chục triệu đồng/hộp. Không biết có phải tiền nào của nấy hay không
Trong khi đó, ở một chiều ngược lại, theo một số thông tin đang có hiện tượng nhiều doanh nghiệp "đối phó” với quy định bằng cách chọn phương án mua hộp đen Trung Quốc, giống mẫu mã mà các nhà sản xuất trong nước chỉ khác là phía trong thiết bị đề "Made in China”. Giá 1 hộp đen Trung Quốc hiện nay chào bán trên thị trường khoảng 1,1 đến 1,2 triệu đồng, tức rẻ hơn 1/3 so với các nhà cung cấp trong nước, còn chất lượng thì chỉ có trời mời biết.
Trường Lưu