Bóng đá Anh luôn chinh phục khán giả Việt Nam, nhưng đừng vì thế mà chèn ép người hâm mộ - Ảnh: Reuters |
Đó là câu hỏi của nhiều độc giả gửi đến Thanh Niên, sau các bài báo về việc K+ độc quyền phát sóng các giải bóng đá châu Âu tại VN và buộc người hâm mộ phải bỏ số tiền lớn mới xem được các trận đấu.
K+ sẽ như thế nào nếu khán giả VN đồng loạt phản ứng với mức giá thuê bao quá cao và từ chối mua đầu thu của họ? Điều này không phải không thể xảy ra, bởi với mức giá ban đầu khoảng 4,5 triệu đồng để lắp đặt thiết bị (gồm 1,5 triệu đồng tiền mua đầu thu và tiền thuê bao 3 triệu đồng/năm), so với thu nhập của số đông công chúng VN vẫn là quá cao. Với mức phí như vậy thì K+ (liên doanh giữa VTV và Tập đoàn Canal Plus của Pháp) chỉ phục vụ cho một bộ phận người khá giả, còn đa số người dân lao động sẽ không thể kham nổi.
Theo giải thích của ông Cao Văn Liết - Tổng giám đốc truyền hình số vệ tinh (VSTV), đơn vị đang sở hữu K+: “Mức giá 3 triệu đồng/năm là do VSTV đã bỏ ra một khoản kinh phí khổng lồ để mua bản quyền phát sóng, mà đã kinh doanh thì khi bỏ vốn ra cũng phải cố gắng thu tiền về. Mặt khác, tiêu chí mà chúng tôi xác định là luôn đặt vấn đề kinh doanh thấp hơn lợi ích người tiêu dùng”. Số tiền bản quyền lớn là bao nhiêu, liệu có lớn hơn hàng chục triệu USD mà VSTV dự định yêu cầu các công ty truyền hình cáp thu lại từ các thuê bao nếu muốn được xem bóng đá trên kênh K+1? Và tiêu chí mà VSTV xác định “luôn đặt vấn đề kinh doanh thấp hơn lợi ích người tiêu dùng” rõ ràng là mâu thuẫn với mức phí mà họ đưa ra cho khách hàng của mình.
Cần nhắc lại, theo đại diện truyền hình cáp SCTV, VSTV đề nghị mức thuê bao 150 ngàn đồng/tháng nếu người hâm mộ muốn xem bóng đá châu Âu trọn gói từ K+. Hiện SCTV có hơn 800.000 thuê bao nên nếu các thuê bao này chấp nhận mức giá đó của VSTV thì số tiền thu được lên đến 120 tỉ đồng, tức khoảng 6 triệu USD/tháng hoặc 72 triệu USD/năm - một con số khổng lồ! Còn theo tìm hiểu của Thanh Niên, giá bản quyền giải Ngoại hạng Anh năm rồi mà VTC mua được không quá 2 triệu USD. Nếu năm nay có tăng thì chắc chắn cũng không thể tới mức hàng chục triệu USD. Tính toán sơ lược cũng thấy được lợi nhuận của K+ là quá lớn. Như vậy, làm sao có thể gọi là “kinh doanh thấp hơn lợi ích người tiêu dùng”?
Thêm một bất hợp lý khác là trong khi các nhà cung cấp truyền hình cáp thường thu phí thuê bao chỉ 55 - 70 ngàn đồng/tháng cho khoảng 60-70 kênh, thế mà chỉ thêm kênh K+1 và một vài kênh khác mà phí thuê bao của K+ đã tăng gấp từ 4 - 5. Lẽ ra K+ nên xem xét thấu đáo và đưa ra một mức thuê bao vừa túi tiền người hâm mộ để vừa bán được sản phẩm của mình, vừa tạo được lòng tin nơi khách hàng. Tuy nhiên, với vị thế độc quyền phát sóng, K+ đã đưa khách hàng vào tình thế không có quyền chọn lựa nhà cung cấp, mà chỉ có hai cách: hoặc trả tiền cao để xem bóng đá trên truyền hình, hoặc “ráng nhịn” nếu là người có thu nhập thấp!
Nếu so với hệ thống truyền hình số vệ tinh khác như VTC-HD thì cũng có những chênh lệch không thỏa đáng. Nếu K+ có nhiều kênh HD (chẳng hạn VTC-HD có đến 26 kênh HD trong tổng số 96 kênh) thì việc tăng giá cao như vậy còn có thể hiểu được. Nhưng ngay VTC-HD giá thuê bao cũng chỉ 200 ngàn đồng/tháng với hệ thống kênh rất phong phú thì nếu chọn K+, người xem vừa phải trả nhiều tiền hơn vừa được xem ít kênh HD hơn.
Thiết nghĩ, K+ cần phải điều chỉnh giá của gói thuê bao có kênh bóng đá K+1 của mình sao cho phù hợp với lợi ích người tiêu dùng, vừa phục vụ mục đích kinh doanh. Nếu không khắc phục những bất hợp lý này, K+ rất có thể sẽ không tạo được sự đồng thuận của người hâm mộ và hậu quả là họ sẽ quay lưng với VSTV trước khi mùa bóng mới khởi tranh, như ý kiến của một độc giả gửi đến Thanh Niên: “Ngày nay, chuyện trả tiền để xem truyền hình đã trở thành bình thường. Nhưng trả tiền là để chia sẻ gánh nặng mà nhà đài phải trả cho hãng truyền hình nước ngoài, chứ không phải lợi dụng độc quyền để móc túi người dân”.
Theo Quang Tuyến (Thanh Niên)