Tròn 2 năm sau khi Báo Pháp luật Việt Nam đăng tải loạt bài điều tra liên quan đến việc “hô biến” đất rừng dưới chân núi Ba Vì (huyện Ba Vì, thành phố Hà Nội) để phân lô, xây biệt thự nghỉ dưỡng, mới đây, Ủy ban kiểm tra Thành ủy Hà Nội đã có kết luận kiểm tra những vi phạm trong quản lý đất đai và trật tự xây dựng tại 2 xã Yên Bài và Vân Hoà…
Nhiều biệt thự của Archi được xây dựng cạnh đập Đống, thôn Bơn, dưới chân núi Ba Vì. |
Kết quả kiểm tra của Thành ủy Hà Nội công bố hôm 7/2/2013 tại huyện Ba Vì, khẳng định, đất sử dụng xây biệt thự tại Yên Bài và Vân Hòa là đất lâm nghiệp và chưa được chuyển đổi thành đất ở theo đúng quy định của pháp luật. Kết luận này cho thấy, nhiều quyết định của huyện và xã đã vượt quá thẩm quyền hoặc không đúng thẩm quyền, bao gồm cả việc cấp sổ đỏ cho các lô đất nêu trên.
Một trong những cá nhân được xác định trách nhiệm trong vụ việc này là Phó chủ tịch UBND huyện Ba Vì Nguyễn Văn Hải. Theo đó, ông Hải đã có khuyết điểm trong quản lý đất đai, cấp sổ đỏ cho dự án nhà ở tại xã Yên Bài. Cụ thể là khi ký cấp sổ đỏ đã thiếu kiểm tra. Bên cạnh đó, Phòng Tài nguyên và Môi trường phải chịu trách nhiệm.
Đối với trách nhiệm của lãnh đạo hai xã Vân Hòa và Yên Bài, theo kết luận kiểm tra, thì tại Yên Bài, người “giúp sức” để cấp sổ đỏ cho các khu đất xây biệt thự là ông Nguyễn Xuân Giúp, khi ông này còn Chủ tịch UBND xã.
Trong khi đó, tại xã Vân Hòa, người ký tờ trờ gửi UBND huyện Ba Vì là ông Long, khi đó làm Chủ tịch UBND xã và nay làm Phó Chủ tịch HĐND xã.
Những khu vực đất rừng nhưng được hô biến hợp pháp để xây dựng biệt thự nằm chủ yếu tại đồi Đá Bạc (xã Yên Bài) và đồi Bơn (xã Vân Hòa). Tại đồi Đá Bạc, cơ quan chức năng thống kê có 27 ngôi biệt thự đã được xây dựng xong phần thô thuộc dự án Green Villa.
Hoành tráng không kém, hàng chục nghìn mét vuông đất đồi rừng tại xã Vân Hòa cũng phải “hy sinh” đất cho dự án mỹ miều Tản Viên Villa với 25 ngôi biệt thự. Những căn biệt thự này nằm tọa lạc trên đồi Bơn, nhìn ra hồ Đập Đống, ngay dưới chân núi thiêng Ba Vì.
Tháng 3/2010, Báo Pháp luật Việt Nam có loạt bài điều tra với tựa đề “Nguy cơ “đất nền hóa” chân núi thiêng Ba Vì”. Từ khi đó phóng viên đã phát hiện và phản ánh những dấu hiệu trái pháp luật trong việc xã Vân Hòa và Yên Bài cho các chủ đầu tư xây dựng biệt thự trên đất lâm nghiệm.
Đặc biệt, tài liệu điều tra của phóng viên cho hay, tại thời điểm năm 2010, ông Nguyễn Văn Lập, Bí thư Đảng ủy xã Vân Hòa còn là “cổ đông” của Công ty Archi – chủ dự án biệt thự tai tiếng này. Một cán bộ có trách nhiệm tại Ba Vì cho biết, phần vốn góp của ông Lập là 3 ha đất lâm nghiệp ngay tại đồi Đống, thôn Bơn.
Sau khi Pháp luật Việt Nam đăng tải loạt bài viết này, Phó chủ tịch UBND Tp. Hà Nội Vũ Hồng Khanh đã có văn bản chỉ đạo, yêu cầu huyện Ba Vì báo cáo sự việc lên thành phố trước ngày 20/7/2011.
Tuy nhiên, những kết luận hay báo cáo của huyện Ba Vì, nếu có, cũng đã được gói gém khá kín vì không hề “rò rỉ” ra cho công luận. Trả lời phóng viên lúc bấy giờ, ông Đinh Mạnh Hùng, trưởng đoàn thanh tra liên ngành của huyện Ba Vì còn khẳng định “chúng tôi đang làm theo Luật”.
Vườn quốc gia Ba Vì được thành lập đầu những năm 1990 trên cơ sở sáp nhấp 6 lâm trường sẵn có. Ranh giới vườn được định đoạt từ cos 100 trở lên, tuy nhiên 6 lâm trường này lại quản lý sử dụng cả hàng trăm ha dưới cos này. Cho đến trước khi có thông tin sáp nhập tỉnh Hà Tây vào Hà Nội, kế thừa “di sản’ từ thời các lâm trường, Vườn quốc gia Ba Vì vẫn ký hợp đồng giao khoán bảo vệ rừng với các hộ dân.
Cho đến năm 2007, sau hơn 15 năm thành lập vườn, lấy lý do chồng chéo quản lý, UBND tỉnh Hà Tây (cũ) ban hành quyết định số 539 (ký ngày 28/3/2007) thu hồi 297.5 ha diện tích dưới cos 100 mà Vườn đang quản lý để giao cho UBND huyện Ba Vì sử dụng theo quy định…
Quyết định này, cộng hưởng với những đồn đoàn về trung tâm hành chính thủ đô, hay trục tâm linh Ba Vì – Hồ Tây đã làm dấy lên những cơn sốt đất sau đó, mà hệ lụy “đính kèm” chính là những dạ án “đất nền hóa” chân núi thiêng Ba Vì.
Việt Hưng