Bởi những ứng dụng mang tính giải trí cao, Facebook đã vượt qua Twitter, Wordpress , Blog…để trở thành trang mạng xã hội lớn nhất hiện nay. Một thời facebook từng khiến giới trẻ mê mẩn với cơn sốt trò chơi Nông trại vui vẻ, Barn buddy hay CityVille thì giờ đây, các loại Quiz (trắc nghiệm vui) đã soán ngôi và tạo nên một xu hướng giải trí mới, nhưng kèm theo đó lại là những vấn đề đáng để suy nghĩ.
Cơn sốt mới trên Facebook mang tên “ Bạn là ai…?”
Chỉ cần một cú click vào trang chủ Facebook, bạn sẽ thấy vô số Quiz hiện ra với những tiêu đề “mời chào” đánh trúng nhu cầu và sở thích của người dùng như: Người yêu của bạn là sao Hàn nào? Kiếp trước bạn là ai? Số điện thoại của bạn nói lên điều gì? Bạn là nhân vật nào trong Tam quốc?... Và cũng rất dễ dàng để người chơi có được kết quả mà không tốn nhiều thời gian hay thao tác dài dòng.
Không khó để lí giải nguyên do khiến cư dân mạng rủ nhau “nghiện” những trò trắc nghiệm, bói toán “ trời ơi đất hỡi như thế này.
Một trong những trò nhảm nhí trên Facebook |
Anh Vũ, sinh viên HV Báo chí Tuyên truyền chia sẻ: “Mình thường chơi trắc nghiệm đa phần vì những câu hỏi hay và liên quan đến những điều mình quan tâm. Ngoài ra, mình chơi để thử sức và kiểm tra phản xạ của bản thân. Đôi khi cũng chỉ để giết thời gian hoặc giải trí qua thì giờ”.
Thu Ninh, ĐH Ngoại Thương đến với quiz lại có phần “nữ tính” hơn: “Thực ra con gái thì ai chẳng tò mò trước những trò như bói toán, trắc nghiệm. Chơi thì lại khá đơn giản với người không thạo máy tính như mình. Chỉ việc bấm nút, các kết quả vui nhộn hiện ra. Những kết quả bất ngờ, đôi khi độc đáo có một không hai đã giúp mình giải tỏa hết stress sau một ngày làm việc mệt nhọc”.
Trắc nghiệm vui, có thật vui là chính?
Cư dân mạng Facebook khi thấy những trang quiz kiểu này, chỉ cười xòa, thôi thì “ Vui là chính”. Nhưng có thật mọi sự chỉ đơn giản như một câu nói đùa thế không?
Trên một không gian mạng kết nối rộng rãi, không giới hạn, bên cạnh những câu trắc nghiệm mang tính giải trí lành mạnh, vô hại thì cũng không thiếu những bài quiz nhảm nhí, nội dung sao chép, lặp đi lặp lại, gây khó chịu cho người dùng.
Nguy hiểm hơn, núp bóng sau loại trò chơi “vui là chính” này, còn là những câu trắc nghiệm thiếu văn hóa, làm ô nhiễm văn hóa mạng. Không ít các bạn nam vào các trang trắc nghiệm có nội dung giới tính rồi công khai post lên trang facebook của mình như một cách chơi ngông, trêu ngươi thiên hạ. Những thú vui đem lại từ trò chơi này đã không còn đúng với tinh thần giải trí của nó như trước…
Minh Tâm, ĐH Quốc gia Hà Nội chia sẻ: “Mình không tham gia các trò quiz trên facebook, vì thấy có nhiều quiz nội dung không phù hợp với bản thân. Phần lớn đáp án thường là cài sẵn trong một số lượng giới hạn, nên chỉ chơi được vài lần thì bỏ vì cảm giác na ná nhau, không có sự bất ngờ. Một số quiz có phần hình ảnh đi kèm, nhưng lại thiếu sinh động, bắt mắt, không có sức hút ngay từ đầu…”
Thực chất, đằng sau tình trạng Facebook Việt gần đây xuất hiện vô số ứng dụng nhảm nhí phần nhiều là do loại hình kinh doanh “mua fan (người hâm mộ), bán like (người yêu thích)” của một số cá nhân và fanpage đang phát triển mạnh mẽ.
Việc chào bán lượng like trên Facebook đã xuất hiện từ năm 2010, nhưng chỉ hoạt động âm thầm chứ không bùng nổ một cách lộ liễu như thời điểm hiện tại.
Quy tắc hoạt động của giao dịch này cũng rất đơn giản. Bên mua là các admin trên Facebook, sẽ trả một số tiền nhất định để mua lượng người hâm mộ (tùy theo 5.000 người, 10.000 người hay 100.000 người sẽ có mức giá nhất định).
Bên bán là những nhà lập trình web (hoặc bất cứ ai có khả năng tạo App - ứng dụng trên Facebook), sẽ tạo một hoặc nhiều ứng dụng nhằm “câu like”.
Muốn sử dụng App phải like page, nên vô hình chung App sẽ giúp lượng người hâm mộ của một fanpage tăng vọt hàng trăm ngàn lượt like chỉ trong thời gian ngắn một cách hợp pháp.Trung bình cứ một trang có 10 nghìn lượt like sẽ có giá 2 triệu đồng; 50 nghìn lượt like sẽ nâng giá lên 10 triệu đồng và khủng hơn là 80 triệu đồng cho một trang có 700 nghìn lượt like.
Và thế là, người hâm mộ được rao bán, đặt lên bàn cân với mức giá 200 đồng/người.
Thay cho lời kết, để không trở thành miếng mồi ngon cho những kẻ kinh doanh bất hợp pháp hay không sa đà vào những game “bẩn” được ngụy tạo dưới lớp vỏ “vui là chính” , chúng ta chỉ có thể là người chơi thông minh của chính mình.
Vũ Thu Phương