Thực tế, các nhà nghiên cứu chỉ ra rằng chỉ số IQ chỉ phụ thuộc vào gen khoảng 50%, phần còn lại phụ thuộc vào môi trường mà thai nhi được nuôi dưỡng. Vậy để sinh ra một em bé thông minh, khỏe mạnh, các ông bố, bà mẹ cần làm gì?
Độ tuổi mang thai cực kỳ quan trọng
Việc chuẩn bị cho bé không phải là khi bạn đã có thai nhi trong người, mà trước khi được thụ thai bạn cũng cần có những chuẩn bị nhất định. Một nghiên cứu cho thấy chất lượng trứng tốt nhất khi phụ nữ có độ tuổi từ 25 đến 30. Trong khi đó chất lượng tinh trùng là số một khi nam giới ở độ tuổi 30 đến 35. Vì vậy nếu bạn muốn sinh con hoàn hảo nhất thì hãy quan tâm đến độ tuổi sinh con của mình.
Ngoài ra, các mẹ cần phải tầm soát bệnh tật và tiêm phòng các bệnh tật cần thiết như quai bị, sốt bại liệt… trước khi bạn muốn mang thai. Ai cũng biết các căn bệnh có thể ảnh hưởng đến thai nhi không chỉ là về sức khỏe mà còn đe dọa đến sự phát triển bình thường của trí não bé.
Tập thể dục an toàn trong thai kì
Tập thể dục khi mang thai ở tháng thứ 4 không chỉ mang lại lợi ích cho mẹ, mà chúng còn rất có lợi cho em bé. Các nhà nghiên cứu đưa ra giả thuyết rằng một số thay đổi trong nhịp tim và nồng độ oxy của mẹ trong khi mẹ tập thể dục sẽ kích thích em bé trong bụng. Bé cũng bị kích thích bởi âm thanh và rung động được trải nghiệm trong bụng mẹ lúc mẹ tập luyện. Tập thể dục thường xuyên trong quá trình mang thai giúp bé yêu thông minh và khỏe mạnh hơn.
Các nghiên cứu mới nhất cho thấy tập thể dục trong khi mang thai có thể làm tăng đến 40% các tế bào thần kinh trong vùng hồi hải mã (hippocampus), nơi quy định bộ nhớ và khả năng học tập của thai nhi về sau.
Các mẹ bầu có thể tập yoga hay đi bộ, bơi lội… tập luyện theo chỉ dẫn của bác sĩ và phù hợp với thể trạng của mình nên tập khoảng 30 phút mỗi ngày và ít nhất 3 lần/tuần để cả mẹ và bé được khỏe mạnh, dẻo dai hơn.
Hát và kể chuyện cho con
Khoảng giữa thai kỳ, hệ thống thính giác của thai nhi đã phát triển và em bé đã có thể nghe và phản ứng với âm thanh. Nói chuyện với em bé trong bụng giúp cha mẹ gần gũi với con sớm và sớm phát triển khả năng ngôn ngữ của bé. Có thể trò chuyện, ca hát hoặc đọc truyện cho em bé nghe. Ngoài ra, thường xuyên cho bé nghe nhạc ngay khi còn trong bụng cũng giúp con phát triển trí thông minh, khả năng sáng tạo và xúc cảm.
Hát, kể chuyện hoặc bật những bản nhạc cổ điển nhẹ nhàng là một trong các biện pháp khoa học giúp con yêu phát triển trí não hiệu quả. Những bài hát nhẹ nhàng hoặc vui tươi sẽ mang đến sự “thích thú”, giúp tăng khả năng nhận biết và cảm nhận của trẻ.
Các bài hát và các câu chuyện sẽ giúp kích thích não bộ hình thành và rèn luyện tư duy, tạo tiền đề cho sự phát triển ngôn ngữ ngay từ trong bụng mẹ. Không chỉ tốt cho thai nhi, điều này còn giúp cho mẹ bầu có được tinh thần thoải mái hơn, giảm căng thẳng, stress giúp mẹ bầu ngủ ngon hơn, yêu đời hơn. Mẹ bầu có thể lựa chọn các bản nhạc yêu thích hoặc những câu chuyện cổ tích Việt Nam cũng như nước ngoài.
Cha thường xuyên giao tiếp với con
Cũng giống như người mẹ, vai trò của người cha vô cùng quan trong trong sự hình thành và phát triển của thai nhi. Khoa học đã chứng minh, việc người cha thường xuyên giao tiếp với con bằng cách áp tai vào bụng mẹ và nói chuyện với con, xoa bụng và “trả lời” mỗi khi con đạp,… cũng như việc chăm sóc, quan tâm tận tình chăm chút mỗi ngày cho cả mẹ và con sẽ giúp thai nhi có xu hướng phát triển tốt hơn cả thể chất lẫn trí tuệ và tinh thần của con yêu trong suốt thời gian “nằm trong bụng mẹ”.
Các mẹ bầu hãy khuyến khích anh chồng thường xuyên giao tiếp với con để thai nhi có thể cảm nhận được tình cảm và sự quan tâm của cha, tác động tích cực đến sự phát triển não bộ và cảm xúc của con.
Tắm nắng
Nhiều người lầm tưởng chỉ nên tắm nắng khi con đã chào đời. Thực ra, ngay từ khi còn trong bụng mẹ, thai nhi đã cần vitamin D để nuôi dưỡng cơ thể. Hãy dành 20 phút mỗi ngày để tắm nắng cùng con.
Kết hợp bổ sung vitamin D trong bữa ăn hằng ngày sẽ giúp bé phát triển toàn diện, đặc biệt là kích thích tư duy, nhận biết thông tin và tránh các bệnh về xương khi chào đời. Vitamin D là chất dinh dưỡng cần thiết để giúp xương và tim bé phát triển khỏe mạnh. Ngoài ra, chất này còn là nhân tố giúp trẻ tránh được nguy cơ mắc bệnh tự kỷ.
Chế độ dinh dưỡng trong giai đoạn mang thai
DHA, EPA là các acid béo chưa bão hòa, thành phần chính trong Omega 3. Khoa học đã chứng minh, DHA và EPA là bộ đôi dưỡng chất có vai trò quan trọng trong việc hình thành và phát triển não bộ cho trẻ. Việc bổ sung đầy đủ DHA, EPA cho trẻ ngay từ khi còn trong bụng mẹ sẽ giúp trẻ phát triển trí não tốt hơn những trẻ không được hoặc bổ sung không đủ nhu cầu DHA, EPA trong giai đoạn này.
Theo PGS.TS Nguyễn Thị Lâm, nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia khuyến cáo, mẹ bầu cần khoảng 200mg Omega 3 mỗi ngày trong suốt giai đoạn mang thai. Mẹ bầu có thể bổ sung ngay trước khi chuẩn bị mang thai, trong suốt thai kỳ và sau khi sinh con 6 tháng.
Trong suốt thời gian mang thai các bà mẹ cần tuân thủ chế độ ăn uống nghiêm túc. Salad và các loại hạt là điều bắt buộc, đặc biệt các loại thực phẩm giàu DHA, EPA như các loại hải sản, các loại cá như cá hồi, cá ngừ, trứng, đậu hũ, óc chó, hạt điều, hạnh nhân,… là các thực phẩm giúp ích cho não bộ của trẻ.
Theo các nghiên cứu, đây là dưỡng chất “vàng” vô cùng quan trọng, nó giữ nhiệm vụ “chủ chốt” trong việc xây dựng, phát triển não bộ và mắt của trẻ ngay từ trong bụng mẹ cho đến hai năm đầu đời. Nhờ có DHA, EPA trẻ nhỏ không chỉ thông minh hơn, đạt chỉ số IQ cao mà còn giúp tăng cường các kỹ năng vận động và ứng xử trong xã hội.
Bên cạnh đó, Acid folic (vitamin B9) cũng rất cần thiết cho sự phát triển của bào thai, có vai trò rất quan trọng trong cấu tạo và phát triển hệ thống thần kinh khỏe mạnh của thai nhi. Bổ sung acid folic sớm giúp giảm đến 40% nguy cơ sinh con bị tự kỷ. Các loại thực phẩm giàu acid là các loại rau màu xanh đậm như rau ngót, súp lơ xanh, rau chân vịt, măng tây… hoặc lòng đỏ trứng gà, bơ, trái cây.
Ngoài ra, trong thực đơn hàng ngày của các mẹ bầu cũng ko thể thiết I-ốt. Theo PGS.TS.Lise Eliot – giảng viên Trường Đại học Y khoa Chicago, những phụ nữ gặp vấn đề về tuyến giáp khi mang thai sẽ ảnh hưởng tới sự phát triển trí tuệ của em bé trong bụng, dẫn đến sinh con kém thông minh, chậm chạp. Để giữ cho tuyến giáp hoạt động bình thường, các bà mẹ nên bổ sung 220 mcg I-ốt mỗi ngày. I-ốt được tìm thấy nhiều trong các loại hải sản, rong biển, muối.
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, phụ nữ khi mang thai nhu cầu sắt tăng cao hơn nhiều vì phải cung cấp cho thai nhi. Sắt có tác dụng tham gia tạo huyết cầu tố (hemoglobin), tạo yếu tố miễn dịch, hô hấp tế bào và hỗ trợ khả năng nhận thức của con người.
Thiếu sắt gây thiếu máu làm chậm phát triển bào thai, mẹ bị thiếu máu dễ bị sinh non hay trẻ sinh ra bị thiếu cân, tăng tỷ lệ tử vong của mẹ và con. Thịt bò, thịt lợn, huyết lợn, gà, vịt, cá thu, cá ngừ, trái khô, đậu, trứng, rau xanh... là những thực phẩm chứa nhiều sắt. Một thai phụ cần 30-60mg sắt và 600 mcg acid folic mỗi ngày.
Trong suốt thai kỳ, chế độ ăn uống, vận động, nghỉ ngơi, trạng thái tinh thần của mẹ bầu đều có những ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe và sự phát triển toàn diện của thai nhi sau này và chắc hẳn mẹ bầu nào cũng muốn con mình sinh ra được cao lớn, thông minh, khỏe mạnh. Chính vì vậy, mẹ bầu có thể thực hiện các cách trên giúp con thông minh, mạnh khỏe.