Nghị quyết nêu rõ: Về tình hình kinh tế - xã hội tháng 9 và 9 tháng năm 2016; tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 7/1/2016 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2016, Chính phủ thống nhất đánh giá:
Với sự cố gắng, nỗ lực của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân, tình hình kinh tế - xã hội tháng 9 và 9 tháng năm 2016 chuyển biến tích cực. Nền kinh tế tiếp tục đà phục hồi và phát triển, tăng trưởng GDP quý sau cao hơn quý trước, GDP quý III đạt mức tăng trưởng khá 6,4%. Tuy nhiên, sức cạnh tranh của nền kinh tế và năng suất lao động chưa được cải thiện nhiều. Xuất khẩu một số mặt hàng chủ lực gặp khó khăn, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng khai khoáng giảm mạnh, nhóm hàng công nghiệp chế biến tăng thấp…
Để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu của kế hoạch năm 2016, làm tiền đề thực hiện kế hoạch năm 2017, Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương quyết tâm hành động, năng động, sáng tạo, chủ động đề ra các giải pháp cụ thể, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh, giải phóng mọi nguồn lực xã hội, thúc đẩy khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp để tạo chuyển biến mạnh mẽ trong tăng trưởng kinh tế quý IV, nỗ lực phấn đấu hoàn thành cao nhất các nhiệm vụ năm 2016, tạo đà phát triển cho những năm tiếp theo, trong đó tập trung thực hiện một số giải pháp, nhiệm vụ cụ thể.
Chuẩn bị thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2017
Chính phủ yêu cầu từng bộ, cơ quan ngang bộ chủ động xây dựng kế hoạch hành động thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2017 của bộ, cơ quan mình, báo cáo Thủ tướng Chính phủ; trong đó, nhận diện rõ những thách thức, phân tích nguyên nhân, đề ra các giải pháp cụ thể, khả thi, xác định lộ trình thực hiện và có chỉ số đánh giá kết quả.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các bộ, cơ quan, địa phương dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2017, trong đó lưu ý đề xuất các giải pháp triệt để tiết kiệm trong chi đầu tư phát triển và chi thường xuyên, rà soát cắt giảm ngay những nội dung chi và nhiệm vụ chi không thực sự cần thiết, mở rộng diện khoán xe công, áp dụng mạnh mẽ cơ chế khoán chi trong các cơ quan, đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước, quản lý chặt chẽ tài sản công.
Phấn đấu giảm lãi suất cho vay, đẩy mạnh xuất khẩu, kiểm soát nhập siêu
Trọng tâm những tháng cuối năm 2016, Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục phối hợp chặt chẽ giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa để ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát. Điều hành lãi suất phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, tiền tệ để ổn định mặt bằng lãi suất, phấn đấu giảm lãi suất cho vay.
Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương liên quan tổ chức triển khai tái cơ cấu ngân sách và bảo đảm an toàn bền vững nợ công theo nghị quyết của Bộ Chính trị; quản lý chặt chẽ các khoản chi, bảo đảm tiết kiệm, chống lãng phí.
Các bộ, ngành, địa phương, tập đoàn, tổng công ty nhà nước đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, nhất là cổ phần hóa và thoái vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, bảo đảm hiệu quả, công khai, minh bạch, tối đa hóa lợi ích của Nhà nước và không để thất thoát tài sản Nhà nước.
Bộ Công Thương tích cực thực hiện các giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu, kiểm soát nhập siêu; khai thác tối đa thị trường trong nước; chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan có giải pháp phù hợp, hỗ trợ đẩy nhanh tiêu thụ một số sản phẩm như: than, phôi thép, thép xây dựng, phân bón, giấy, xi măng, nông sản; khẩn trương báo cáo Thủ tướng Chính phủ phương án giải quyết lượng than tồn kho và xây dựng kế hoạch sản xuất cuối năm và năm 2017.
Bộ Tư pháp và các bộ, cơ quan liên quan chủ động tiếp nhận các phản ánh, kiến nghị về những vướng mắc của các quy định pháp luật; tiếp tục rà soát các quy định gây cản trở quá trình đầu tư, sản xuất, kinh doanh; sửa đổi hoặc kiến nghị việc sửa đổi theo thẩm quyền theo hướng đơn giản hóa thủ tục hành chính, đẩy mạnh phân cấp, chuyển đổi phương thức quản lý từ tiền kiểm sang hậu kiểm, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, giao dịch.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức theo dõi diễn biến thời tiết, nguồn nước, chỉ đạo sát kế hoạch sản xuất nông nghiệp của các vùng, miền, địa phương, bảo đảm cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện canh tác và nhu cầu thị trường; tích cực hỗ trợ thực hiện liên kết sản xuất với tiêu thụ nông sản. Đẩy mạnh trồng rừng phòng hộ ven biển, bảo vệ rừng, thực hiện nghiêm việc đóng cửa rừng tự nhiên.
Rà soát tổng thể các nguồn thải lớn
Chính phủ giao các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Lao động - Thương binh và Xã hội và Ủy ban nhân dân 04 tỉnh ven biển miền Trung bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường sớm triển khai việc bồi thường, hỗ trợ cho người dân bị thiệt hại theo các định mức quy định, bảo đảm minh bạch, công bằng, không để xảy ra tiêu cực.
Bộ Tài nguyên và Môi trường rà soát tổng thể các nguồn thải lớn ra sông, ra biển, khu vực tập trung nhiều nguồn thải, khoanh vùng các đối tượng, khu vực cần tập trung kiểm soát chặt chẽ, không để xảy ra ô nhiễm, sự cố môi trường. Phối hợp với Bộ Tài chính triển khai thực hiện quy trình liên thông điện tử giữa cơ quan thuế và Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất đai trong việc thực hiện các giao dịch về đất đai; xây dựng, trình Chính phủ Nghị định về giao dịch điện tử trong lĩnh vực đất đai.
Bộ Giao thông vận tải thực hiện các giải pháp cụ thể thúc đẩy, nâng cao chất lượng vận tải, giảm chi phí vận tải; khuyến khích phát triển mạng lưới vận tải, các dịch vụ gia tăng, đa phương thức. Đôn đốc đẩy nhanh tiến độ các dự án giao thông trọng điểm, thực hiện kế hoạch bảo trì đường bộ phục vụ nhu cầu đi lại dịp cuối năm.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch triển khai các giải pháp phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn mang tính chất liên ngành, liên vùng, hoạt động theo quy luật kinh tế thị trường, gắn với lợi thế quốc gia.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, phúc lợi xã hội, giải quyết việc làm.
Bộ Y tế tập trung chỉ đạo theo dõi sát tình hình dịch bệnh; đôn đốc tăng cường công tác phòng chống sốt xuất huyết, dịch do vi-rút Zika; tăng cường phối hợp với các ngành chức năng thanh tra, kiểm tra an toàn thực phẩm, nhất là dịp cuối năm; nâng cao chất lượng công tác khám chữa bệnh, hướng tới sự hài lòng của người dân với dịch vụ khám chữa bệnh tại các tuyến.
Kế hoạch đầu tư công trung hạn: Bố trí vốn tập trung, không dàn trải
Về Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2016 - 2020 và phương án phân bổ Kế hoạch vốn đầu tư công năm 2017, Chính phủ thống nhất: Việc bố trí vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016-2020 phải quán triệt quan điểm tập trung, không dàn trải; khuyến khích các nguồn vốn đầu tư ngoài ngân sách; ưu tiên cho các dự án lớn, quan trọng, có tính liên kết vùng, liên vùng, có vai trò lan tỏa lớn; vốn đối ứng các dự án ODA; thanh toán nợ xây dựng cơ bản; quan tâm hỗ trợ các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn; cần nghiên cứu cơ chế đẩy mạnh xã hội hóa trong đầu tư xây dựng cơ bản, nhất là các địa bàn đô thị, các ngành, lĩnh vực có điều kiện thuận lợi.
Do cân đối ngân sách nhà nước những năm tới sẽ rất khó khăn, để chủ động trong điều hành, đối với kế hoạch đầu tư công trung hạn của quốc gia giai đoạn 2016 - 2020, mức vốn dự phòng là 10% theo từng nguồn vốn; đối với kế hoạch đầu tư công trung hạn của bộ, ngành trung ương và địa phương, mức vốn dự phòng là 10% trên tổng mức vốn kế hoạch trung hạn theo từng nguồn vốn; trong từng dự án, các bộ, ngành trung ương, địa phương thực hiện tiết kiệm 10% tổng mức đầu tư.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Bộ: Tài chính, Xây dựng và các cơ quan liên quan rà soát lại các quy định pháp luật liên quan đến đầu tư công; xác định những vấn đề còn gây khó khăn, vướng mắc, còn sơ hở dễ dẫn đến tham nhũng, tiêu cực; đề xuất biện pháp tháo gỡ, chấn chỉnh kịp thời.
Phân cấp thẩm quyền quyết định vị trí việc làm trong đơn vị sự nghiệp công lập
Về thẩm quyền phê duyệt vị trí việc làm, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp và số lượng người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập, Chính phủ thống nhất về nguyên tắc phân cấp thẩm quyền quyết định vị trí việc làm, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp và số lượng người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập nhằm đẩy mạnh việc thực hiện cơ chế tự chủ, tạo điều kiện cho các đơn vị sự nghiệp công lập hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao, nâng cao chất lượng dịch vụ công phục vụ người dân. Việc phân cấp thẩm quyền quản lý đối với các đơn vị sự nghiệp công lập phải được thực hiện theo điều kiện, quy trình, thủ tục rõ ràng và gắn với cơ chế kiểm tra, giám sát chặt chẽ, bảo đảm không tư nhân hóa.
Trước mắt, đối với các đơn vị sự nghiệp công lập được giao quyền tự chủ (đơn vị sự nghiệp tự bảo đảm chi thường xuyên, chi đầu tư và đơn vị sự nghiệp bảo đảm chi thường xuyên) được quyết định vị trí việc làm, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp và số lượng người làm việc phù hợp với chức năng, nhiệm vụ được giao, trên cơ sở bảo đảm việc làm ổn định và thu nhập cho số lượng người làm việc tăng thêm.
Đối với đơn vị sự nghiệp công lập chưa được giao quyền tự chủ (đơn vị sự nghiệp do Nhà nước bảo đảm toàn bộ hoặc một phần chi thường xuyên) thì Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định vị trí việc làm, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp và số lượng người làm việc trong tổng số người làm việc được cấp có thầm quyền giao theo quy định của pháp luật, bảo đảm thực hiện tinh giản biên chế theo Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị. Trường hợp tăng thêm số lượng người làm việc so với tổng số người làm việc được cấp có thầm quyền giao, các bộ, ngành, địa phương gửi Bộ Nội vụ thẩm định để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Bán vốn của SCIC tại DN đã niêm yết
Chính phủ thống nhất cho phép Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) được tiếp tục áp dụng cơ chế bán vốn tại các doanh nghiệp đã niêm yết trên thị trường chứng khoán hoặc đăng ký giao dịch trên sàn Upcom theo quy định tại Nghị định số 151/2013/NĐ-CP và quy định pháp luật về chứng khoán.
Bộ Tài chính chỉ đạo SCIC thực hiện nghiêm túc việc bán vốn tại các doanh nghiệp đã niêm yết, đặc biệt lưu ý quy trình lựa chọn đơn vị tư vấn định giá, bảo đảm công khai, minh bạch và bảo đảm lợi ích cao nhất của Nhà nước.
Thí điểm cấp thị thực điện tử
Chính phủ thống nhất việc thực hiện thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam. Giao Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao, Văn phòng Chính phủ và các bộ, cơ quan liên quan tiếp thu ý kiến Chính phủ, hoàn thiện hồ sơ đề nghị xây dựng Nghị quyết của Quốc hội theo quy định. Bộ trưởng Bộ Công an thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ báo cáo Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét, trình Quốc hội dự thảo Nghị quyết này trong chương trình kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XIV.
Đẩy mạnh tự chủ gắn với nâng cao chất lượng giáo dục
Chính phủ thống nhất chủ trương đẩy mạnh thực hiện tự chủ đại học gắn với nâng cao chất lượng giáo dục đại học. Theo đó, các trường đại học được giao quyền tự chủ cả về chuyên môn, tổ chức nhân sự, tài chính và tăng cường trách nhiệm giải trình; quy định rõ về kiểm định chất lượng và cơ chế học bổng nhằm bảo đảm quyền tiếp cận giáo dục đại học chất lượng cao cho con em hộ nghèo, đối tượng chính sách; giảm mạnh sự can thiệp hành chính của các cơ quan chủ quản đối với hoạt động của các trường đại học, tiến tới xóa bỏ cơ chế chủ quản; đổi mới mô hình quản trị đại học theo hướng chuyển từ chế độ thủ trưởng (hiệu trưởng) sang chế độ tập thể lãnh đạo (hội đồng trường).
Chính phủ giao Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính xây dựng báo cáo trình Trung ương và Quốc hội về miễn học phí đối với giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi là người dân tộc thiểu số ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn và học sinh trung học cơ sở theo lộ trình đến năm 2020./.