Sáng qua (8/8), Ban Soạn thảo và Tổ Biên tập dự thảo Nghị định về cơ sở dữ liệu pháp luật quốc gia (CSDLPLQG) đã ra mắt và cho ý kiến về một số nội dung cơ bản của dự thảo này.
Nhấn mạnh đến sự cần thiết và vai trò của CSDLPLQG, Ban soạn thảo đã bày tỏ sự đồng tình với việc giao cho Bộ Tư pháp làm đầu mối xây dựng một CSDLPLQG thống nhất, không để phân tán CSDLPL ở các Bộ, ngành như hiện nay và đảm bảo tập trung nguồn lực đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho việc khai thác VBQPPL.
Tuy nhiên, Ban soạn thảo cũng lưu ý về căn cứ pháp lý xây dựng Đề án, lưu ý giá trị pháp lý của văn bản qui phạm pháp luật (VBQPPL) đăng tải trên CSDLPLQG, thời điểm bắt đầu cập nhật VBQPPL, nguồn của VBQPPL trên CSDLPLQG, trách nhiệm của các Bộ, ngành, địa phương trong việc quản lý, vận hành, cập nhật VB vào hệ thống CSDLPLQG…
Dự thảo đề cương Nghị định qui định theo hướng VQBPPL trên CSDLPLQG có giá trị như bản gốc song theo một số thành viên ban soạn thảo, giá trị của VB căn cứ vào VB gốc chứ không phải là theo thời điểm cập nhật VB lên CSDLPLQG. Đồng thời, có ý kiến đề nghị phải tính đến việc “thu phí” khi khai thác VB trên CSDLPLQG vì nhiều đối tượng sử dụng VB cho nhiều mục đích chứ không chỉ phục vụ cho công tác quản lý nhà nước. Bên cạnh đó cũng cần lưu ý đến các vấn đề về chế tài, thủ tục hành chính khi cập nhật và khai thác VB trên CSDLPLQG, việc tích hợp các CSDLPL hiện hành của các Bộ, ngành…
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng – Trưởng ban soạn thảo cho rằng, các VB trên CSDLPLQG chỉ nên “dừng lại” ở các VBQPPL do các cơ quan TƯ và cấp tỉnh ban hành. CSDL này có đối tượng sử dụng, cơ quan có trách nhiệm cập nhật VB rất rộng, dùng chung cho tất cả các cơ quan lập, hành, tư pháp và cả người dân, tổ chức, doanh nghiệp. CSDL sẽ do Chính phủ quản lý, giao cho Bộ Tư pháp thực hiện quản lý nhà nước để có một CSDLPLQG thống nhất, có sự tính toán đến mối quan hệ giữa Bộ Tư pháp với các Bộ, ngành, địa phương…
H.Giang