Bộ trưởng tiêu tan sự nghiệp vì dính bẫy chân dài

Christine Keeler khi còn trẻ
Christine Keeler khi còn trẻ
(PLO) - Đang được đánh giá là một chính trị gia có tiền đồ thênh thang nhưng John Profumo bất ngờ mất tất cả vì dính vào bê bối qua lại với một người mẫu đồng thời là một thành viên của một đường dây gián điệp cho Liên Xô.

Cuộc gặp gỡ định mệnh

Mọi chuyện bắt đầu vào một buổi tối thứ 7 nóng nực tháng 7/1961. Khi đang đi dạo quanh nhà Bá tước Astor ở Cliveden, Bộ trưởng Bộ Chiến tranh Anh John Profumo sững người lại khi nhìn thấy cô người mẫu Christine Keeler đang hồn nhiên khỏa thân bơi ở bể bơi bên ngoài khu biệt thự.

Không cưỡng lại được sức hút của cô gái trẻ xinh đẹp, Profumo lấy khăn tắm cho Keeler và chỉ sau ít phút chuyện trò, 2 người đã bắt được sóng của nhau. Để rồi, chỉ vài ngày sau đó, 2 người đã trở thành tình nhân dù lúc đó ông Profumo đã có gia đình và 2 người chênh nhau đến 27 tuổi.

Ông John Profumo sinh năm 1915, là con đầu của một cặp vợ chồng người Anh gốc Italia giàu có. Nền tảng gia đình tốt nên cuộc sống của ông ta tương đối thuận lợi. Tốt nghiệp trung học, ông được cho theo học ở các trường Đại học Harrow và Oxford rồi có một thời gian ngắn gia nhập quân đội.

Năm 1940, ở tuổi 25, ông được bầu vào Quốc hội Anh trở thành Nghị sỹ trẻ nhất trong Quốc hội lúc bấy giờ. 5 năm sau khi bị mất ghế tại cuộc tổng tuyển cử năm 1945, Profumo tái đắc cử vào năm 1950. Chỉ 1 năm sau đó, ông ta được bổ nhiệm làm thứ trưởng trong Chính phủ của đảng Bảo thủ và đến năm 1960 thì được Thủ tướng Harold Macmillan cất nhắc vào vị trí Bộ trưởng Chiến tranh. 

Cùng với sự nghiệp chính trị hanh thông, cuộc sống gia đình của Profumo cũng khá viên mãn. Năm 1954, ông kết hôn với bà Valerie Hobson – một trong những nữ diễn viên hàng đầu của Anh lúc bấy giờ. Mặc dù vậy nhưng một số người quen biết gia đình này nói rằng, với ông Profumo – một tay chơi có tiếng, “vợ đẹp con khôn” dường như là chưa đủ. Sau khi kết hôn, ông ta vẫn vài lần ngoại tình và thường lấy lý do phải làm việc ở quốc hội muộn để che giấu những hành vi sai trái của mình.

Còn Christine Keeler khi đó mới 19 tuổi và là 1 người mẫu không mấy tiếng tăm. Trái ngược với Profumo, cô gái này phải bỏ học khi mới 15 tuổi vì gia cảnh khó khăn và phải làm nhiều công việc tay chân khác nhau để kiếm sống. Mang trong mình ước mơ trở thành người mẫu, năm 17 tuổi, Keeler quyết tìm kiếm vận may và nhận làm người mẫu ngực trần cho một câu lạc bộ đêm ở Soho.

Chỉ ít lâu sau khi bắt đầu làm việc ở câu lạc bộ, Keeler được giới thiệu một khách hàng tên Stephen Ward – một bác sỹ nắn chỉnh xương khá tiếng tăm ở Anh, có khách hàng bao gồm nhiều nhân vật cỡ “bự”. Bị lôi cuốn bởi sự duyên dáng của Ward, Keeler đồng ý chuyển tới nhà ông ta sống. Về sau, cô gái này thi thoảng lại tới sống cùng với vài người đàn ông khác nhưng cuối cùng vẫn về với Ward. Vị bác sỹ cũng thường xuyên đưa Keeler đi gặp những người bạn thân hay khách hàng nổi tiếng của ông ta, trong đó có Bá tước Astor. Nhờ đó mà Keeler gặp được Bộ trưởng Profumo.

Bê bối bùng nổ

Tuy nhiên, cuộc tình vụng trộm giữa Profumo và Keeler không kéo dài được lâu. Một ngày nọ, Chánh văn phòng nội các Norman Brook gọi Profumo đến và thông báo Cơ quan tình báo Anh (MI5) đang theo dõi Đại úy Yevgeny Ivanov – tùy viên quân sự tại Đại sứ quán Liên Xô ở Anh, một chức danh mà ở thời đó cũng đồng nghĩa với điệp viên.

Điều đáng nói là, Ivanov cũng có mặt tại bữa tiệc ở nhà Bá tước Astor vào buổi tối mùa hè định mệnh mà Bộ trưởng Profumo đã gặp Keeler. Không chỉ vậy, người này cũng thường xuyên lui tới nhà của bác sỹ Ward và cũng là người tình của Keeler. Khi Profumo thân thiết với Keeler, ông ta cũng vô tình kết thân với Ivanov mà không hề hay biết đó chính là tình địch của mình.

Sau khi được cảnh báo, Profumo đã quyết định chấm dứt tình cảm lén lút với Keeler. Năm 1961, Ivanov cũng về nước. Chính phủ Anh cũng quyết định không làm lớn chuyện để tránh rắc rối có thể xảy đến. 

Mọi chuyện lẽ ra đã có thể dừng lại ở đây. Song, nhân tính không bằng trời tính. Một ngày cuối năm 1962, dư luận Anh xôn xao trước vụ bắn nhau giữa 2 người đàn ông mà nguồn cơn được xác định là do tranh giành người tình là một cô người mẫu – chính là Keeler. Cảnh sát Anh sau đó đã vào cuộc điều tra và phát giác mối tình tay ba giữa Keeler với ngài Bộ trưởng và tay gián điệp người Liên Xô Ivanov. 

Ông John Profumo
Ông John Profumo

Cùng lúc đó, tin tức cũng bắt đầu đến tai giới chính trị gia Anh. Người đầu tiên biết được chuyện này là ông John Lewis – một cựu nghị sỹ của đảng Lao động. Sau đó, ông Lewis đã kể mọi chuyện với George Wigg – một nghị sỹ có mối thâm thù với Profumo. Rạng sáng ngày 21/3/1963, tại một phiên họp của Hạ viện Anh, Wigg và 2 người khác nêu tin đồn về việc một bộ trưởng có quan hệ ngoài luồng với một cô người mẫu trẻ tuổi và bị kéo vào hoạt động gián điệp. 

Ngay sau đó, Quốc hội Anh đã triệu tập Profumo. Sau khi làm rõ mọi chuyện, ông ta bị yêu cầu phải lựa chọn: hoặc từ chức hoặc công khai bác bỏ những đồn đoán. Cuối cùng, Profumo chọn nói dối. “Quan hệ giữa tôi và cô Keeler không có gì là không đứng đắn”, vị bộ trưởng khẳng định. Phát biểu trước truyền thông, ông ta lớn tiếng: “Tôi đã tại nhiệm 10 năm. Các vị tin lời Keeler thay vì tin tôi?”. 

Mặc dù vậy nhưng rắc rối vẫn không buông tha Profumo. Cuối tháng 5 cùng năm, trước áp lực từ nhiều bên, Đại pháp quan Anh tuyên bố sẽ mở một cuộc điều tra thứ 2 về cáo buộc có quan hệ ngoài luồng đối với Profumo. Biết không thể che giấu được mọi chuyện, đặc biệt là do áp lực từ vợ, Profumo cuối cùng quyết định thú nhận chuyện ngoại tình và chấp nhận từ bỏ mọi chức vụ, bao gồm cả chức bộ trưởng lẫn cương vị nghị sỹ. Trong đơn từ chức được gửi tới Thủ tướng Macmillan và được công khai vào ngày 5/6, Profumo bày tỏ sự hối lỗi vì đã lừa dối thủ tướng, đồng nghiệp và Quốc hội Anh. 

Quyết định này cũng đặt dấu chấm hết cho sự nghiệp chính trị của Profumo. Không chỉ vậy, hành động của ông ta cũng ảnh hưởng đáng kể đến Chính phủ của Thủ tướng Harold Macmillan. Bản thân ông Macmillan vài  tháng sau đó cũng từ chức với lý do sức khỏe nhưng thực chất là do vụ bê bối. 

Kế hoạch tinh vi

Dù Profumo thừa nhận có quan hệ ngoài luồng với nhưng quy mô của hoạt động gián điệp trong vụ việc là điều mà người ta lâu nay chỉ đồn đoán mà không có câu trả lời chính xác. Tròn 50 năm sau khi Profumo từ chức, năm 2013, Keeler đã quyết định công bố mọi chuyện. Theo đó, bà ta thú nhận đã tự nguyện tham gia vào đường dây gián điệp của Nga. 

Theo lời Keeler, Ward chính là gián điệp của Liên Xô. Lợi dụng nghề nghiệp của mình, ông ta đã kết thân được với nhiều nhân vật chóp bu trong chính phủ Anh để moi tin. Còn về Keeler, từ trước khi gặp ông Profumo, theo sự chỉ đạo của Ward, bà ta đã thường xuyên tháp tùng ông ta và tán tỉnh những nhân vật cấp cao để giúp moi những bí mật về các hoạt động tên lửa ở phương Tây rồi lén chuyển cho Liên Xô.

Keeler cũng chính là người thường xuyên ra vào Đại sứ quán Nga tại Anh để chuyển các phong bì có chứa thông tin mật cho viên tùy viên quân sự Ivanov. Về sau, sau khi tiếp cận ông Profumo thành công, Keeler cũng đã giới thiệu Ivanov với ông này. Một tập tài liệu dài 1.000 trang của CIA được giải mật năm 2001 cũng xác nhận Ward là điệp viên của Nga. 

Vẫn theo lời Keeler, ngay buổi đầu gặp mặt, theo chỉ đạo của Ward, bà ta đã đánh cắp được những tài liệu mật trong túi xách của Profumo, trong đó có viết chi tiết về việc chuyển vũ khí hạt nhân tới Đức. “Tôi là một gián điệp. Tôi không lấy gì làm tự hào nhưng sự thật là tôi đã phản bội đất nước của mình. Tôi đã cố quên đi mọi thứ nhưng tôi nhận thấy rằng chỉ khi thú nhận mọi chuyện tôi mới có thể giải phóng mình khỏi gánh nặng tội lỗi đè nén bấy lâu”, Keeler thú nhận.

Trong cuốn sách có tên Lịch sử mới về tình báo Xô viết được xuất bản năm 2016, Giáo sư Anh Jonathan Haslam thuộc Đại học Cambridge cũng dẫn các thông tin tìm hiểu được cho biết, sau khi làm thân được với ông Profumo, Ivanov đã thường xuyên đến nhà ông Profumo chơi.

Do không hề hay biết về nhân thân người này nên vợ của Profumo đã hồn nhiên mời Ivanov vào phòng sách ngồi chờ mỗi khi ngài bộ trưởng còn đang dở việc. Lợi dụng khoảng thời gian đó, Ivanov đã dùng máy bí mật mang theo để chụp lại những tài liệu quan trọng mà Profumo để trên bàn làm việc. Trong số những tài liệu đó được cho là có cả hồ sơ về máy bay do thám X-15 mà Mỹ khi đó đang bí mật phát triển.

Đọc thêm

Nghề giáo bốn phương

Giải thưởng Nhà giáo Ghana 2024 là một trong những giải thưởng cao quý nhất để công nhận, tôn vinh những đóng góp của các giáo viên khắp cả nước này. (Ảnh: UNICEF)
(PLVN) - Giáo viên tại các quốc gia đang phát triển thường xuyên đối diện với nhiều thách thức lớn như nghèo đói, thiếu hụt nguồn lực, lớp học quá tải, điều kiện công nghệ hạn chế. Tuy nhiên, họ vẫn luôn kiên trì và tận tâm, không ngừng nỗ lực vượt qua mọi khó khăn để mang lại tri thức và hy vọng cho từng học sinh, dù cho điều đó đôi khi vượt xa trách nhiệm công việc của họ.

Nghề độc đáo ở Nhật Bản: Ra sức 'nhồi nhét' khách lên tàu, mỗi năm thu nhập trên 800 triệu đồng

 Số lượng người dân đi tàu điện ngầm ở Nhật Bản lúc nào cũng quá tải. (Ảnh: Japan Insider)
(PLVN) - Nhật Bản vốn nổi tiếng là đất nước sử dụng tàu điện ngầm là phương tiện giao thông chính và quan trọng, phục vụ hàng triệu người mỗi ngày. Với hệ thống tàu điện hiện đại, hiệu quả và có mặt khắp các thành phố lớn, việc sử dụng tàu điện là cách tốt nhất để di chuyển trong và ngoài thành phố.

Úc cấm trẻ em dưới 16 tuổi sử dụng mạng xã hội

Hình minh họa
(PLVN) - Chính phủ Úc vừa cam kết sẽ ban hành luật giới hạn độ tuổi sử dụng mạng xã hội là 16 tuổi, kèm theo hình phạt cho các nền tảng không tuân thủ. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ làm thế nào để các ông lớn công nghệ như Facebook, Instagram, TikTok... có thể thực thi hiệu quả quy định này.