Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị sơ kết công tác ngàng Tư pháp 6 tháng đầu năm , Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường đánh giá:Kết quả công tác tư pháp 6 tháng đầu năm 2012 (9 tháng theo kỳ báo cáo của ngành) tiếp tục có khởi sắc mới, nhiều việc để lại được những dấu ấn lâu dài cho sự phát triển của Bộ, ngành, tuy còn một số việc có biểu hiện chững lại hoặc đi xuống.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường |
Trong 6 tháng cuối năm, Bộ trưởng đề nghị, các Sở Tư pháp tiếp tục nghiên cứu tham gia tích cực giúp Chính phủ tham gia sửa đổi, bổ sung Hiến pháp 1992, nâng cao chất lượng xây dựng pháp luật để các đạo luật có sức sống lâu dài, hạn chế thấp nhất văn bản trái pháp luật, xử lý có kết quả các văn bản trái pháp luật đã được thông báo, đặc biệt cải thiện căn bản tình trạng chậm ban hành văn bản hướng dẫn thi hành các Luật đã có hiệu lực; tổ chức triển khai kịp thời các luật, pháp lệnh mới và nghị định theo dõi thi hành pháp luật (sắp thông qua) theo các kế hoạch (sẽ ban hành trước 20/7) để tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc ở địa phương, giải quyết nhiều tồn tại nhiều năm chưa khắc phục...
Tập trung thực hiện tốt, bền vững công tác THADS, phấn đầu hoàn thành và vượt mức kế hoạch, kiên quyết không để án có điều kiện thi hành thành án không có điều kiện thi hành, giảm án tồn đọng, chuẩn hóa qui trình THA, đấu tranh chống và xử lý nghiêm các biểu hiện tiêu cực, gây phiền hà cho nhân dân, giải quyết ngay những vướng mắc trong công tác thừa phát lại, hộ tịch, quốc tịch, triển khai khoa học và có hệ thống công tác LLTP, ĐKGDBĐ, nuôi con nuôi, hoàn thành qui hoạch công chứng, mạng lưới dịch vụ công trong các lĩnh vực bổ trợ tư pháp... Chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng, hoàn thiện, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ.
Triển khai tốt Nghị quyết TƯ 4, qua đó tạo điều kiện cho Bộ, ngành vững mạnh, trong sạch hơn, sẵn sàng đón nhận chức năng nhiệm vụ mới lớn mạnh hơn trong tiến trình cải cách tư pháp và xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN...
Bộ trưởng Bộ Tư pháp cũng nhấn mạnh, bài học rút ra từ vụ thu hồi đất đai tại Tiên Lãng (Hải Phòng) là sự yếu kém của cơ quan tư pháp, pháp chế trong tham mưu, ban hành VBQPPL của địa phương; trong thực hiện vai trò của cơ quan đầu mối trong theo dõi thi hành pháp luật, nhất là trong phối hợp liên ngành; thiếu chủ động xin ý kiến chỉ đạo của cơ quan tư pháp cấp trên khi tham gia các việc của địa phương nhưng không thuộc chức năng, nhiệm vụ của ngành; thiếu nhanh nhạy để phát hiện những thiếu sót trong các lĩnh vực ngành tư pháp tham mưu để đề xuất hoàn thiện; chậm kiện toàn cơ quan tư pháp cấp huyện, xã.
Qua việc nhìn nhận những hạn chế đó, ngành Tư pháp cần tiếp tục nghiên cứu, rút ra bài học để chuẩn bị tốt hơn cho công tác tham mưu về tư pháp cho chính quyền địa phương, chuẩn bị để xây dựng Luật Ban hành VBQPPL thống nhất, nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế trong thực tiễn.
H.Giang