Về chính sách thu ngân sách, Bộ trưởng nhận định đúng là trong thời gian vừa qua, do điều kiện kinh tế khó khăn cho nên chúng ta đã sử dụng chính sách tài khóa rất linh hoạt, tập trung vào những vấn đề như điều chỉnh chính sách thu để đảm bảo khuyến khích phát triển sản xuất trong nước. "Chúng tôi hôm qua cũng có dịp báo cáo Quốc hội và giờ nhìn lại chúng ta thấy chính sách miễn giảm quá nhanh, nhanh hơn so với lộ trình, nhanh hơn so với chiến lược thuế mà đã được duyệt. Vừa qua chúng ta giảm thuế thu nhập doanh nghiệp quá nhanh, từ 25% xuống 22% và phổ thông và 20%., trong khi yêu cầu đến năm 2020 mới xuống 20%", người đứng đầu ngành Tài chính nói.
Nói về tình trạng trốn thuế, khai man thuế, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nhận định có thực trạng này. Phương phức quản lý thuế mới theo phương châm tự tính, tự khai, Bộ trưởng nhận định đây là một phương thức quản lý mới, đáp ứng nhu cầu hiện tại khi công việc tăng, biên chế đòi hỏi giảm. Nhưng theo Bộ trưởng, đáng lo ngại là, “trong quá trình chuyển đổi, chúng ta ưu đãi chính sách như thế nhưng kiểm tra ở đâu cũng sai. Chúng tôi thấy việc tiếp tục thanh tra, kiểm tra, đặc biệt và thuế là phải tăng cường hơn. Cán bộ trước kia là tiền kiểm, bây giờ hậu kiểm chính là tập trung vào thanh tra, kiểm tra".
“Tinh thần bây giờ là chủ yếu là hậu kiểm, nên càng làm càng phát hiện ra, chúng ta cũng phải chấp nhận hiện trạng như thế để tiếp tục chấn chỉnh, để tiếp tục điều chỉnh lại chính sách. Cho nên việc này chưa thể hết ngay được” – ông Dũng nói rõ quan điểm.
Về nợ thuế, Bộ trưởng Bộ Tài chính khẳng định số thu nợ thuế hàng năm của chúng ta rất cao. Số liệu nợ thuế trong phạm vi giới hạn 90 ngày và trên 90 ngày có khả năng thu hồi hiện giảm rất sâu còn trên dưới 3% .
Giải đáp băn khoăn về bội chi ngân sách, Bộ trưởng cho biết: Chúng ta đảm bảo trong số tuyệt đối mà Quốc hội phê chuẩn kể cả phê chuẩn bổ sung nằm trong giới hạn như thế, nhưng 3, 4 năm nay GDP chúng ta không đạt theo kế hoạch cho nên số tương đối về bội chi, số tương đối về nợ công là tăng nhanh. Đây là một thực tế đúng ra theo Luật ngân sách nhà nước khi đã không đạt như thế để quản lý bội chi và quản lý nợ công chúng ta còn phải cắt chi.
“Quốc hội cũng thấy sau khi thông qua dự toán về ngân sách nhà nước và phân bổ ngân sách trung ương hàng năm, cam kết địa phương rồi thì liệu có cắt địa phương không” – Bộ trưởng nói về cái khó của ngành.
Theo ông, cần đi vào các giải pháp sâu hơn và căn cơ hơn chính là phải tập trung tiết kiệm chi. Nhiều định mức, nhiều chính sách hiện nay rất lỗi thời, cần phải sửa, cần đẩy mạnh việc khoán chi, các loại khoán chi và đặc biệt chi thường xuyên là phải đẩy mạnh khoán.
“Cùng với đó là sắp xếp lại tổ chức bộ máy và tinh giản biên chế thì chúng ta mới giải quyết được vấn đề về tiền lương. Chúng ta phải đẩy mạnh xã hội hóa về dịch vụ công. Chúng tôi thấy nói về ngân sách nhưng thực ra là đồng bộ và liên quan đến các ngành, liên quan đến các lĩnh vực. Bây giờ có cắt cái gì thì vẫn cắt nhưng biên chế cứ phình ra, tổ chức cứ phình ra thì không thể nào cơ cấu lại được ngân sách, không thể nào giảm chi thường xuyên được. Chúng tôi thấy việc Quốc hội phản ánh, các vị đại biểu Quốc hội phản ánh là rất đúng nhưng cần có sự phối hợp, cần có sự chỉ đạo đồng bộ của các cấp, các ngành cùng phải thực hiện, cùng phải triển khai hiệu quả thì ngân sách nhà nước mới từng bước, từng bước đưa về tình hình lành mạnh hơn hiện nay.” – ông nói.