Theo quyết định số 1058/QĐ-BTNMT của Bộ TN&MT, Đoàn thanh tra có nhiệm vụ thanh tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường đối với các cơ sở trên địa bàn xã Tân Mỹ, huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình, bao gồm: Công ty Cổ phần mía đường Hòa Bình; Công ty TNHH Tân Hiếu Hưng (Nhà máy chế biến tinh bột sắn Hòa Bình); Trang trại chăn nuôi gia công heo chị Bùi Thị Bình (nay là ông Nguyễn Ngọc Sáng).
Quyết định của Bộ TN&MT nêu rõ thời hạn thanh tra là 45 ngày làm việc, kể từ ngày 12/5, chế độ thanh tra đột xuất. Trưởng đoàn thanh tra là ông Lương Duy Hanh - Cục trưởng Cục Kiểm soát hoạt động bảo vệ môi trường; Phó trưởng đoàn thanh tra là bà Nguyễn Hoàng Ánh - Phó Cục trưởng Cục Kiểm soát ô nhiễm.
Thành viên đoàn thanh tra gồm đại diện lãnh đạo Văn phòng, Cục Kiểm soát hoạt động bảo vệ môi trường, Cục Kiểm soát ô nhiễm; đại diễn lãnh đạo Sở, Chi cục Bảo vệ môi trường, Thanh tra Sở TN&MT tỉnh Hòa Bình và tỉnh Thanh Hóa. Ngoài ra, tham gia đoàn thanh tra còn có đại diện Phòng Cảnh sát môi trường, UBND xã Tân Mỹ, UBND huyện Lạc Sơn (tỉnh Hòa Bình); UBND huyện Thạch Thành và Tĩnh Gia (tỉnh Thanh Hóa).
Trưởng Đoàn thanh tra có trách nhiệm thông báo kế hoạch, thời gian làm việc và phân công thành viên Đoàn làm việc với các đơn vị được thanh tra; quyết định các nội dung liên quan đến việc đo đạc, lấy và phân tích mẫu môi trường.
Đơn vị tham gia lấy mẫu và phân tích mẫu môi trường, quan trắc môi trường nước sông Bưởi, sông Lạch Bạng và đánh giá thiệt hại về môi trường là Viện Công nghệ môi trường, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam; Trung tâm Quan trắc môi trường, Tổng cục Môi trường; và Viện Khoa học môi trường, Tổng cục Môi trường.
Một bể chứa chất thải của Công ty CP Đường Hòa Bình bốc mùi hôi thối khó thở. |
Nội dung thanh tra toàn diện công tác bảo vệ môi trường của các cơ sở có hoạt động sản xuất, xả thải ra sông Bưởi, trong đó tập trung vào công tác lập, thẩm định và phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) hoặc cam kết bảo vệ môi trường; Giấy xác nhận hoàn thành các công trình bảo vệ môi trường (đối với các dự án được phê duyệt ĐTM sau ngày 30/6/2006);
Thực hiện giám sát môi trường định kỳ; Kê khai và nộp phí bảo vệ môi trường đối với nước thải; Ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường; Công tác cải tạo, phục hồi môi trường trong hoạt động khai thác khoáng Các báo đều đưa sản;
Về nước thải, khí thải, quản lý chất thải rắn, chất thải nguy hại, tiếng ồn; Các biện pháp bảo vệ môi trường còn tồn tại, chưa thực hiện trong quá trình hoạt động của cơ sở theo nội dung báo cáo ĐTM được phê duyệt hoặc Bản đăng ký đạt tiêu chuẩn môi trường, cam kết bảo vệ môi trường,...
Trước đó, Báo Pháp luật Việt Nam điện tử liên tục phản ánh hiện tượng cá chết nổi trắng sông Bưởi khiến người dân nuôi cá lồng rơi vào tình cảng phá sản vụ cá lồng.
Đến nay, lãnh đạo nhà máy đường thuộc Công ty Cổ phần mía đường Hòa Bình đã làm việc với UBND huyện Thạch Thành (Thanh Hóa) để thống nhất phương án đền bù cho những hộ nuôi cá lồng trên sông Bưởi.
Tại buổi làm việc, căn cứ vào mức độ thiệt hại cũng như giá thị trường hiện nay, hai bên đi đến thống nhất, nhà máy đường Hòa Bình sẽ đền bù lượng cá lồng chết trên sông Bưởi cho người dân với mức giá 80.000đ/1kg. Cụ thể, có 34 hộ dân trên địa bàn huyện Thạch Thành thiệt hại hơn 17 tấn cá lồng do nguồn nước sông Bưởi bị ô nhiễm, sẽ được bồi thường số tiền là hơn 1,4 tỷ đồng.
Theo cam kết của đại diện nhà máy đường Hòa Bình thì chậm nhất ngày 18/5, việc chi trả tiền đền bù sẽ được đưa đến tận tay người dân. Việc chi trả tiền đền bù có sự chứng kiến của chính quyền địa phương, nhằm giúp bà con sớm ổn định sản xuất.
UBND huyện Thạch Thành cũng đã đề nghị nhà máy đường Hòa Bình hỗ trợ gạo ăn cho 71 hộ nuôi cá lồng trên sông Bưởi trong 6 tháng để bà con ổn định cuộc sống. Về vấn đề này, đại diện nhà máy đường Hòa Bình chưa có câu trả lời ngay mà hứa sẽ xem xét và có trả lời bằng văn bản sau.