Đời sống thị trường nhạc trẻ hôm nay có thể nói không khác gì một trận đồ bát quái. Ngay cả những người trong cuộc, các nhà lý luận phê bình âm nhạc, nhà quản lý cũng đành chịu chung một cảnh là “botay.com”.Nhạc trẻ đang khiến người nghe bội thực Hiện nay, khi nói về nhạc trẻ, có người cho rằng nhạc trẻ Việt ngày càng giống "mỳ ăn liền". Họ bảo đây là món mà người ta chỉ có thể ăn vào lúc bận rộn chứ không thể ăn mãi được. Nhạc trẻ đang khiến người nghe bội thực với những ca khúc rẻ tiền về tình yêu nam nữ. Theo họ, đây là dòng nhạc "nhiều sốc nổi và ít nghệ thuật"; ca từ thì dễ dãi, nghèo nàn, đơn điệu, nhảm nhí, nhạc thì na ná nhau, thiếu sáng tạo. Liệu đây có là một nỗi buồn cho nền âm nhạc Việt đương đại? Nhiều ca sĩ hát chỉ để kiếm tiền, không bộc lộ được cảm xúc và tình cảm của bài hát. Họ cứ đua nhau hát, coi ca hát là một ngành kinh doanh đơn thuần.
Nhiều ca sĩ hát chỉ để kiếm tiền, không bộc lộ được cảm xúc và tình cảm của bài hát (Ảnh minh họa) |
Thậm chí nhiều người còn coi nhạc trẻ là một thứ văn hóa độc hại nên đã kêu gọi mọi người "hãy bảo vệ trẻ em trước... nhạc trẻ". Bây giờ người ta không còn ngạc nhiên khi thấy những đứa trẻ học mầm non hát bài nhạc trẻ, một số bậc phụ huynh thấy thế còn khen con mình có "năng khiếu" âm nhạc. Cái cần nói ở đây là những ca khúc trẻ được nhạc sĩ hay chính những ca sĩ vừa sáng tác vừa thể hiện đang lan tràn từ làng quê tới phố thị, từ những bé mẫu giáo đến người lớn. Những bài hát đó chẳng khác nào ngọn đèn trước gió, chỉ bùng lên một lần rồi vụt tắt hẳn. Nhưng nó cũng kịp thời để lại cho xã hội những vấn đề cần phải lên tiếng, khi ngay cả những đứa trẻ chưa thuộc hết bảng chữ cái đã biết hát những câu hát của các anh chị rất xa với khả năng nhận biết của chúng. Liệu chúng ta nghĩ gì khi nghe con trẻ hát những câu hát sẽ ảnh hưởng đến nhận thức của các em sau này? Bên cạnh đó là tình trạng sao chép nhạc. Thế nhưng cá biệt có nhạc sĩ lại cổ vũ cho việc... sao chép nhạc và cho đó không phải là hiện tượng "đạo nhạc", chẳng qua chỉ là cách "học tập" lẫn nhau mà thôi. Thật hết chỗ nói. Trước thực tế đó, nhiều bạn trẻ bày tỏ sự thất vọng, mất niềm tin ở đời sống nhạc trẻ Việt đương đại, khi bỗng phát hiện hàng loạt ca khúc của nhạc sĩ trong nước mà mình vốn yêu thích na ná những bản nhạc ngoại. Thật chẳng còn gì xót xa hơn cho nền nhạc trẻ Việt đã không tự tồn tại và phát triển bằng chính nội lực của nó, mà nhờ vào sự vay mượn của các nền âm nhạc lân bang.Liệu “gió” đã đảo chiều? Tuy nhiên cũng có người tỏ thái độ khoan dung hơn đối với đời sống nhạc trẻ Việt thời gian gần đây. Họ cho rằng, đời sống âm nhạc nói chung và nhạc trẻ nói riêng hiện "gió" đã đảo chiều(!?). Khoảng chục năm qua, hầu như các ca sĩ muốn có bài hát gây dấu ấn cho mình đều phải cất công đi "tăm hàng" ca khúc ở khu vực phía Nam, hoặc phải đặt hàng trước các nhạc sĩ trẻ nổi danh của TP. Hồ Chí Minh. Nhưng gần đây, không ít ca sĩ có "máu mặt" của thị trường nhạc trẻ đã tạo ra một làn sóng mới, quay ngược ra Bắc mua bài hát của một số nhạc sĩ trẻ Hà Nội. Phải chăng, với trào lưu mua bài hát của các nhạc sĩ trẻ Hà Nội, các ca sĩ muốn đổi một "món" mới, hay họ đã không thể chấp nhận tình trạng xài mãi món "lẩu thập cẩm" theo kiểu nhạc ngoại, lời nội, bằng cách sao chép nhạt nhòa đã thao túng thị trường âm nhạc bấy lâu nay, nhưng vẫn được tôn sùng, trọng vọng ở các tỉnh phía Nam? Có một thực tế là không ít những nhạc sĩ trẻ phía Bắc hiện giờ đang dần chiếm lĩnh thị phần trong đời sống âm nhạc trên phạm vi toàn quốc như: Quốc Trung, Lê Minh Sơn, Anh Quân, Đỗ Bảo, Giáng Son, Huy Tuấn, Nguyễn Vĩnh Tiến, Tường Văn, Hồ Hoài Anh, Duy Hùng, Lưu Thiên Hương, Mạnh Quân... Và mới đây, một nhóm nhạc sĩ trẻ Hà Nội đã cho phát hành tuyển tập 50 ca khúc xuất sắc, với một cái tên cũng rất trẻ: Bức thư tình đầu tiên để chào mừng Kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Nhạc của Lê Minh Sơn hấp dẫn bởi những phát hiện lạ về tứ và cấu trúc âm nhạc, qua các đề tài quen thuộc, đầy hoài niệm và cũng rất "nóng", như việc mở rộng Thủ đô đến việc bán ruộng bán đất; Nguyễn Vĩnh Tiến lung linh ở những giai điệu đẹp như mơ, mang kiểu dáng Giọt sương bay lên và Bà tôi; Nguyễn Đức Cường rất đáng yêu trong Nồng nàn Hà Nội; còn Trịnh Minh Hiền duyên dáng, da diết với Gọi tôi Hà Nội; Giáng Son cũng nồng nàn không kém qua Giấc mơ trưa; còn Đỗ Bảo lại giàu chất lãng mạn, nõn nà từ giai điệu đến ca từ qua chùm ca khúc Bức thư tình và album Cánh cung... Các nhạc sĩ như Quốc Trung, Huy Tuấn, Anh Quân, Tường Văn... trước đó đã tạo dựng cho mình được một phong cách âm nhạc riêng khá vững vàng. Các anh đã chiếm lĩnh được thị trường trong một thời gian dài với các liveshow gây được ấn tượng tốt. Đến thế hệ nhạc sĩ 8X như Hồ Hoài Anh, Lưu Thiên Hương, Duy Hùng, Tuấn Hưng, Mạnh Quân... cũng thể hiện sự trẻ trung, hiện đại của mình. Chính họ là những người tạo nên làn sóng nhạc nhẹ mới, góp thêm sức tạo nên thị trường nhạc trẻ lành mạnh cho những khán giả "khó tính" của Hà Nội ngàn năm văn hiến. Trước thực trạng đời sống âm nhạc (chủ yếu là nhạc trẻ) còn nhiều gam màu tối sáng cạnh tranh, chen lấn nhau, nên rất cần một thái độ vừa kiên quyết, vừa khoan dung của người nghe cũng như giới cầm bút. Phủ nhận sạch trơn hay chấp nhận tất cả đều là những thái độ cực đoan không có lợi cho đời sống âm nhạc nói chung và nhạc trẻ Việt nói riêng trong thời điểm hiện tại.
Theo Trà My
SK&ĐS
SK&ĐS