Tại buổi tiếp và làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường và Đại sứ Hùng Ba đều có chung nhận định: Dịch bệnh Covid-19 đã tác động và ảnh hướng sâu sắc đến đời sống, kinh tế, xã hội của cả Việt Nam và Trung Quốc.
Tuy nhiên, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Đảng, Nhà nước và Chính phủ hai nước, sự đồng hành, hợp tác và vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị… nên tình hình dịch bệnh từng bước được ngăn chặn và khống chế kịp thời; đời sống, kinh tế, xã hội của hai nước dần ổn định.
Đây cũng là thời điểm phù hợp để trao đổi, tìm giải pháp thúc đẩy hợp tác toàn diện, chiến lược về thương mại, xuất khẩu (XK) nông, lâm, thủy sản và khoa học kỹ thuật trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, xứng với tiềm năng hai nước và mục tiêu kép là vừa kiểm soát tốt dịch bệnh, bảo đảm sức khỏe người dân vừa thúc đẩy phát triển kinh tế.
Trong thời gian qua, thương mại nông, lâm, thủy sản giữa Việt Nam và Trung Quốc có bước phát triển tích cực. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, từ đầu năm đến nay, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu nông lâm thủy sản Việt Nam - Trung Quốc giảm 6,9% so với cùng kỳ năm 2019 (đạt 2,21 tỷ USD); trong đó, xuất khẩu đạt 1,65 tỷ USD (giảm 10,2%), nhập khẩu đạt 561,7 triệu USD (tăng 4,3%).
Trước bối cảnh đó, tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đã trao đổi với Đại sứ Hùng Ba một số vấn đề cần quan tâm và bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy quan hệ hợp tác và thương mại trong lĩnh vực nông nghiệp.
Về mở cửa thị trường hàng nông sản, Trung Quốc đã cấp phép XK cho 9 mặt hàng rau quả. Hiện nay, hai bên đang hoàn thiện thủ tục ký cấp phép cho mặt hàng thạch đen, cần tiếp tục đẩy nhanh ký cấp phép XK đối với mặt hàng này; đồng thời xem xét ủy quyền cho các cơ quan chức năng của Việt Nam thẩm định hồ sơ, đánh giá rủi ro… theo các Nghị định thư về mở cửa thị trường đối với sầu riêng, tổ yến, khoai lang, bột cá trong năm 2020 và tiếp tục mở cửa thị trường đối với bưởi, chanh leo, bơ, na, roi, dừa, thảo quả và dứa.
Về mở cửa thị trường hàng thủy sản, Trung Quốc đã cấp phép XK cho 137 mặt hàng thủy sản và 750 DN thủy sản của Việt Nam. Phía Việt Nam đã gửi hồ sơ cho Tổng cục Hải quan Trung Quốc để cấp phép XK chính ngạch đối với các mặt hàng tôm sú/thẻ ướp đá, sứa ướp muối, hải sâm khô, cá bống bớp và đề nghị trao đổi trực tuyến để bổ sung hồ sơ đối với các sản phẩm nêu trên theo yêu cầu; đồng thời phối hợp sử dụng chứng thư điện tử cho các lô hàng XK của Việt Nam sang Trung Quốc và miễn, giảm kiểm tra lại tại biên giới đối với các lô hàng đã có chứng thư điện tử.
Về thương mại biên giới, hiện trong bối cảnh tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, một số địa phương phía Trung Quốc đã tăng cường thực hiện nhiều biện pháp kiểm soát dịch bệnh... gây khó khăn việc thông quan hàng hóa XK tại các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn.
Nhằm tạo điều kiện thuận lợi trong xuất nhập khẩu hàng hóa nông sản, hai bên thống nhất thiết lập danh sách các DN XK theo “luồng xanh” hưởng quy chế ưu tiên miễn kiểm tra đối với bột sắn, hạt điều, tôm thẻ chân trắng, tôm hùm... để giảm thời gian thông quan qua cửa khẩu; thống nhất một số mặt hàng của các DN được chỉ định và công nhận kết quả kiểm dịch đối với hàng hóa XK của Việt Nam; Phối hợp tích cực triển khai vận hành “luồng ưu tiên” thông quan, kéo dài thời gian đối với hàng nông sản xuất nhập khẩu từ 07h00 đến 22h00 (tương ứng 08h00 đến 23h00, giờ Bắc Kinh) qua cặp cửa khẩu quốc tế đường bộ số II Kim Thành (Lào Cai – Bắc Sơn).
Về phát triển thương mại biên giới, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đề nghị Đại sứ trao đổi với Bộ Ngoại giao, các Bộ/ngành và hai tỉnh Quảng Tây và Vân Nam của Trung Quốc xem xét một số đề xuất/kiến nghị:
Thứ nhất, tạm thời cho xe không hàng (container hoặc xe nhỏ cư dân biên giới) sang bến bãi cách ly tại cửa khẩu Tân Thanh, Lạng Sơn bốc hàng trong thời gian phòng chống dịch bệnh để giải quyết lượng xe tồn của Việt Nam (phía Việt Nam sẽ bố trí phát miễn phí khẩu trang và quần áo bảo hộ y tế cấp cho lái xe Trung Quốc, bố trí lao động và miễn phí bốc xếp hàng hóa...);
Thứ hai, tạm thời đưa vào hoạt động tuyến đường bộ qua mốc 1035 thuộc cặp cửa khẩu Bình Nghi - Bình Nhi trong thời gian phòng chống dịch bệnh; Thực hiện nhập khẩu trái cây, nông sản, thủy hải sản của Việt Nam qua cặp cửa khẩu song phương Chi Ma (Việt Nam)-Ái Điểm (Trung Quốc);
Thứ ba, mở rộng danh mục hàng hóa nông sản xuất nhập khẩu tại ga đường sắt Đồng Đăng – Bằng Tường như đối với cửa khẩu quốc tế đường bộ; khôi phục việc nhập khẩu mặt hàng thủy hải sản qua cặp cửa khẩu Cốc Nam - Lũng Nghịu trên cơ sở tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về công tác phòng chống dịch bệnh.