Đại án ma túy
Phi là con thứ ba trong một gia đình có năm anh chị em. Xuất thân trong một gia đình gia giáo, bố là sỹ quan quân đội, Phi cũng như các anh chị em của mình được ăn học đến nơi đến chốn. Tốt nghiệp đại học, Phi về làm kế toán cho một trường THCS tại địa phương.
Có trình độ, nghề nghiệp ổn định lại có người yêu công tác tại ngân hàng chính sách huyện Quế Phong, cuộc sống của Phi là niềm mơ ước của bao người. Vậy mà Phi lại bị cơn lốc ma túy quật ngã, trở thành một “con nghiện”.
Chỉ trong vòng hai năm (giữa năm 2004 đến tháng 7/ 2006), Phi đã thực hiện tám vụ mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy với số lượng lên đến 59 bánh heroin.
Sáng 12/7/2006, Phi giấu trong người bảy bánh heroin băng rừng vượt biên từ Lào về Việt Nam trong sự hộ tống của sáu đối tượng người Lào có trang bị vũ khí.
Khi về đến một khu rừng thuộc xã Tiên Phong (huyện Quế Phong), Phi cùng đồng bọn đang bàn cách tuồn ma túy đi tiêu thụ thì bị cơ quan chức năng bắt quả tang. Phi nhanh chân bỏ trốn mang theo ba bánh heroin.
Sau năm ngày lẩn trốn, đến 1h45 ngày 16/7/2006, Trần Đình Phi cũng phải tra tay vào còng.
Từ lời khai của Phi cùng đồng bọn, các “chân rết” trong đường dây mua bán ma túy “khủng” gồn 21 đối tượng do Phi cầm đầu lần lượt sa lưới. Với hành vi của mình, Phi cùng ba ối tượng khác bị kết án tử hình.
Nguyễn Thị Dung (người yêu Phi) cùng hai đối tượng khác lĩnh án chung thân. Mười một đối tượng lĩnh án từ 10 đến 20 năm tù giam. Ba đối tượng được hưởng án treo từ 12 đến 18 tháng tù là em trai Phi, anh rể Phi và một đối tượng khác.
Nước mắt cha mẹ
Căn nhà cấp 4 của bố mẹ Phi nằm lấp sau những lùm cây ăn trái. Khi PV đến, vợ chồng ông Trần Đình Đảm (75 tuổi) và bà Vũ Thị Lợi (73 tuổi) đang đi thu hoạch khoai lang.
Nhắc đến người con tội lỗi, ông Đảm thở dài, nước mắt rưng rưng. Ông Đảm có gần nửa cuộc đời gắn bó với chiến trường bom đạn. Sau ngày đất nước giải phóng, ông vẫn ở lại cống hiến cho quân đội.
Vất vả suốt cả cuộc đời, đến lúc già yếu, vợ chồng ông mới có những phút giây ngồi lại thở phào nhẹ nhõm khi nhìn đàn con ai cũng được ăn học đến nơi đến chốn, có công ăn việc làm ổn định. Cứ nghĩ cuộc sống của vợ chồng già sẽ được an nhàn cuối đời, được vui vầy bên đàn cháu thì tai ương giáng xuống.
Thời điểm ấy, cơn bão ma túy càn quét qua làng. Trong làng có đến hàng trăm người bị bắt vì dính vào ma túy. Giữa cơn bão ma túy, ông Đảm vẫn tin rằng con cái mình sẽ không bao giờ vấp ngã. Cũng vì vậy mà khi nghe tin Phi bị bắt, ông tưởng như trời đất đổ sập dưới chân.
Phi (đứng giữa) tại phiên tòa phúc thẩm. |
“Nó đem cả ma túy về nhà cất giấu mà gia đình tôi không hay biết. Có gặp ác mộng tôi cũng không nghĩ con trai mình lại dính vào ma túy. Nó có việc làm ổn định, có người yêu tài giỏi, lại không phải quá đói nghèo, vậy mà quá dại dột.
Nó buôn ma túy, lôi kéo cả người yêu, liên lụy đến anh rể và em trai nữa. Giờ nó mang án tử hình, người yêu tù chung thân. Có sống thêm một kiếp nữa, vợ chồng tôi cũng không hi vọng được nhìn thấy con cái trở về”, ông Đảm thở dài.
Từ ngày con trai bị bắt, bị kết án tử, vợ chồng ông Đảm chỉ biết gạt nước mắt, nén nỗi đau cố chấp nhận sự thật. Hiện tại, dù tuổi đã cao, sức yếu, dù có lương hưu nhưng vợ chồng ông Đảm vẫn phải nai lưng làm việc từ sáng sớm đến tận đêm khuya.
Từ trồng lúa, trồng khoai đến chăm sóc vườn cây ăn trái, nuôi thêm đàn gà, đàn vịt, mong hàng tháng tích góp được một chút tiền để chi phí tàu xe đến trại giam thăm con trai và cô gái mà ông bà coi như con dâu.
Phi đang thụ án tại Trại tạm giam Công an tỉnh Nghệ An, Nguyễn Thị Dung thụ án tại Trại giam số 6. Đều đặn hàng tháng, vợ chồng ông Đảm lại tay xách nách mang con gà, bắp ngô, củ khoai đã nấu chín vượt hàng trăm cây số xuống thăm con trai, rồi lại vòng lên trại 6 thăm Dung. Chút tiền tích góp được hàng tháng cũng vì vậy mà ra đi.
Nỗi ân hận của tử tù
Ngồi thẫn thờ trên chiếc ghế sofa cũ, bà Lợi tỏ ra tiếc nuối cho tuổi trẻ, cho tình yêu sắp sửa đơm hoa kết trái của con trai và người yêu.
Đã gần 10 năm trôi qua, Phi và người yêu chỉ gặp nhau một lần tại phiên tòa xét xử sơ thẩm diễn ra vào tháng 11/2007. Từ đó đến nay, ông bà là cầu nối trung gian để cặp đôi tội lỗi được biết tình hình sức khỏe của nhau.
“Lần đầu tiên vào trại thăm con Dung, nó khóc thút thít, xin lỗi vì biết Phi mua ma túy mà không ngăn cản, còn tiếp tay. Nó nói trong bản án tử hình của thằng Phi có một phần lỗi là do nó.
Nhìn nó khóc, tôi không cầm nổi nước mắt, thương con trai thì ít, thương con dâu thì nhiều. Chỉ vì yêu con trai tôi, con Dung mới họa lây. Chúng còn trẻ, còn cả tương lai phía trước. Vậy mà…”, bà Lợi gạt nước mắt.
Cũng theo bà lão, dù Phi và Dung chưa cưới nhau, hai bên gia đình chưa đi lại nhưng trước khi bị bắt, Dung thường xuyên qua thăm gia đình.
Gia đình bà đã xem Dung như dâu con trong nhà. Sau này, khi vào thăm con trai trong tù, bà mới biết lí do Phi và Dung chưa chịu kết hôn là vì lỡ dính vào ma túy.
Phi lường trước được mức án dành cho mình, sợ nếu bị bắt sẽ làm khổ cả cuộc đời người yêu. Nhưng Phi không ngờ chính mình đã lôi kéo người yêu vào cuộc để rồi cùng gánh mức án nặng.
“Mỗi lần vợ chồng tôi vào thăm là thằng Phi lại khóc. Nó tự trách mình là đứa con bất hiếu, làm khổ, làm nhục cả gia đình.
Nó khuyên bố mẹ đã già yếu, đừng đi lại nhiều mà ảnh hưởng sức khỏe. Nó hối hận lắm, cứ nói giá như thời gian quay trở lại, nó sẽ không bao giờ vấp phải con đường tội lỗi này. Nếu nó biết hối hận sớm hơn thì đã không phải đau khổ như ngày hôm nay”, người mẹ chia sẻ.
“Không biết vợ chồng tôi còn gắng thăm con được bao lâu nữa, nhưng còn sống, còn đi lại được thì chúng tôi sẽ cố gắng đi”, ông Đảm trải lòng.