Việc UBND xã An Bình (Thuận Thành, Bắc Ninh) ra văn bản thông báo thu hồi quy ước của Hội đồng hương lễ đền Bình Ngô rồi đưa lên loa truyền thanh của xã "rao" ra rả nhiều ngày khiến các cụ cao niên trong làng hết sức bức xúc và bất bình.
Từ tâm tư "uất ức" của các "bô lão"
Gọi điện cho phóng viên PLVN qua đường dây nóng, cụ Vương Văn Đán, 80 tuổi bức xúc cho biết cả tuần nay cụ không ăn không ngủ được vì những việc làm "trái tai, gai mắt" của các vị lãnh đạo xã An Bình. Cụ tha thiết mời phóng viên về tận đền Bình Ngô để "mục sở thị".
Trước tâm tư của các cụ, chiều qua, 1/7, nhóm phóng viên đã có mặt tại đền Bình Ngô. Các cụ trong Hội đồng hương lễ đền Bình Ngô bức xúc cho phóng viên biết vì muốn giữ gìn sự tôn nghiêm của đền Bình Ngô mà các cụ đã thống nhất soạn ra bản quy ước quy định về các nghi thức tế lễ tại đền. Quy ước của đền Bình Ngô được Hội đồng hương lễ phát hành ngày 10/05/2013 với số lượng hơn 300 quyển.
Tuy nhiên, ngay sau khi cuốn quy ước được phát hành, Chủ tịch UBND xã An Bình đã nhanh chóng thu hồi tất cả các bản quy ước trên vì cho rằng một số nội dung trong quy ước không phù hợp với thuần phong mỹ tục và trái pháp luật.
Các cụ trong hội đồng hương lễ đền Bình Ngô bức xúc trao đổi với PV |
Đưa cho phóng viên quyết định thu hồi quy ước do ông Lê Khả Toan, chủ tịch UBND xã An Bình ký, các cụ uất ức nói, không chỉ thu hồi "nhanh tới bất thường", xã còn cho đọc quyết định thu hồi này oang oang trên loa phát thanh suốt 5 ngày liên tiếp khiến các cụ cảm thấy mình bị...xúc phạm nặng nề.
"Ở vùng quê Bắc Ninh hương ước, quy ước văn hóa được trân trọng, coi đó là truyền thống tốt đẹp, là những điều tốt cho cuộc sống, răn dạy con cháu, giữ phép nước, phép làng và việc soạn thảo các quy ước, hương ước vốn là phong tục, tập quán tốt đẹp của quê hương chúng tôi. Quy ước đền Ngô được xây dựng trên tinh thần như vậy. Chúng tôi đã già cả, có thể một số nội dung của quy ước do "lệ cũ" mà đưa vào, không xem xét các quy định mới hiện hành nên có thể chưa phù hợp. Khi xã có văn bản, chúng tôi đã nhận ra một số nội dung trong bản quy ước chưa phù hợp thì đã thừa nhận và chủ động khắc phục bằng việc đi thu hồi lại những bản quy ước đã ban hành. Vì sao chính quyền xã còn cố tình đưa lên loa truyền thanh để "chiềng làng chiềng chạ', bêu riếu các cụ cao niên như vậy", cụ Đán nói.
Cùng bức xúc như cụ Đán, các cụ cao niên trong Hội đồng hương lễ đền Ngô đều cho biết các cụ có người đã mấy chục năm tuổi đảng, con cháu trong nhà đều là người có học thức, thành đạt, có ít nhiều đóng góp cho quê hương, đất nước, nay bị xã "bêu riếu" như vậy đều cảm thấy bị mất mặt và rất buồn.
Một người thân của cụ Đán cho biết, cứ nghe tiếng loa truyền thanh đọc các quyết định thu hồi quy ước của các cụ là cụ Đán buồn rầu, đi lên đi xuống trong nhà, thở dài rồi không chịu ăn uống gì cả. Cụ bảo "quan xã" hành xử như vậy là coi thường người dân, không thể ngờ chính quyền lại hành xử như vậy.
Đến cái "lý" của xã
Truyền đạt tâm tư của các cụ cao niên tới "quan xã" Lê Khả Toan, chủ tịch UBND xã An Bình, ông Toan thừa nhận: “ Đúng là sau khi thu hồi những bản quy ước trên chúng tôi có đưa lên truyền thanh của xã để tuyên truyền và ngăn chặn những hệ lụy đáng tiếc. Nhưng sau khi được các cụ phản ánh chúng tôi đã lập tức dừng lại”.
Theo ông Toan thì việc các cụ tự in và ban hành hơn 300 cuốn quy ước nói trên là chưa đúng quy trình vì quy ước chưa được chính quyền xã kiểm duyệt mà đã phát hành trong nhân dân. Trong quy ước có một số điều không phù hợp với thuần phong mỹ tục và trái với quy định của pháp luật”. Cụ thể những điều lệ còn chưa phù hợp, ông Toan liệt kê ra một số nội dung như: Lời mở đầu chưa đúng với lịch sử, việc quy định về tuổi tác khi gia nhập hội đồng hương lễ là trái với điều 1 tự do tín ngưỡng của pháp lệnh tôn giáo. Việc nội dung quy ước quy định khi hội viên qua đời, hội đồng hương lễ xét có tâm phụng sự thánh sẽ được phủ cờ thánh trên linh cữu cụ là không phù hợp và trái với điều 2 nghị định 22 của Chính phủ về tôn giáo...
Ông Lê Khả Toan, chủ tịch UBND xã An Bình |
Tuy nhiên, khi PLVN đặt câu hỏi: Tại sao văn bản thông báo thu hồi quy ước của xã lại chỉ có những căn cứ chung chung mà không có căn cứ cụ thể theo những điều, nghị định của pháp luật quy định, ông Lê khả Toan chủ tịch UBND xã An Bình thừa nhận: “ chúng tôi đã có những thiếu sót trong khi ban hành văn bản, chúng tôi sẽ nghiêm túc rút kinh nghiệm”.
Ông Toan còn cho biết thêm hiện chính quyền xã đang cho soạn thảo một cuốn quy ước mới.
Lý giải của ông chủ tịch xã và những phản ảnh của các cụ cao niên cho thấy sự việc vốn dĩ không phải "chuyện lớn". Những sai sót trong quy ước của các cụ xây dựng không phải "sai sót chết người" hay " vi phạm pháp luật", các cụ cũng đã có tinh thần cầu thị, sửa sai nhưng rõ ràng cách hành xử áp đặt của chính quyền xã đã khiến cho sự việc nặng nề, làm tổn thương người cao tuổi và gây xáo trộn dư luận địa phương.
Thiết nghĩ, các "quan xã" ở An Bình cần nghiêm túc nhận sai và sửa sai với các cụ "bô lão", đúng với tinh thần, chính sách chăm lo, tôn trọng, bảo vệ người cao tuổi của Đảng và Nhà nước đã ban hành.
Thái Sơn