Có chuyên gia lo ngại ngân hàng đang nên lãi suất mới dâng cao, nhưng cũng có ý kiến cho rằng đây là cuộc đua bất hợp lý, thiếu kiểm soát.
Từ đầu năm đến nay, mức lãi suất huy động liên tiếp được các ngân hàng điều chỉnh theo hướng tăng dần. Cơn sốt lãi suất đã lên đến đỉnh 18% một năm vào ngày 8/12 gây ra nhiễu loạn trên thị trường.
Theo chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành, có hai nguyên nhân dẫn đến biến động về lãi suất. Thứ nhất, ngày 4/11, Uỷ ban Giám sát tài chính Quốc gia thay mặt Chính phủ tuyên bố không khống chế lãi suất nữa mà để cho thị trường quyết định. Đây là nhân tố mở đường cho các ngân hàng tăng lãi suất.
Thứ hai, thị trường tài chính tiền tệ đang rất khan hiếm vốn, số tiền nhàn rỗi trong dân gửi ngân hàng không nhiều. Do đó, các nhà băng phải đưa ra lãi suất cao để huy động tối đa lượng tiền tích trữ còn trong dân.
Sự khơi mào lãi suất của Techcombank ngày 8/12 với mức lãi suất 17% một năm, tiếp sau đó Seabank 18% là khởi đầu cho sự hỗn loạn trên thị trường tài chính tiền tệ.
Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh tán đồng quan điểm này khi cho rằng, việc tăng lãi suất ồ ạt chứng tỏ tính thanh khoản của các ngân hàng đang gặp khó khăn, nhất là những ngân hàng nhỏ. Theo ông tình hình huy động tiết kiệm của các ngân hàng đang thấp hơn nhu cầu vay vốn. Mặt khác, việc huy động vốn của nhà băng phải cạnh tranh với thị trường trường vàng, bất động sản... nên lãi suất cũng cần phải hấp dẫn mới thu hút được.
Tuy nhiên, bà Dương Thu Hương, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) cho biết, thanh khoản của các ngân hàng nói chung không khó khăn, đặc biệt là Techcombank. Tuy nhiên, việc một ngân hàng cổ phần hàng đầu Việt Nam như Techcombank đưa ra mức lãi suất huy động quá cao là một điều vô lý trong bối cảnh hiện nay.
Nguyên Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước phụ trách chính sách tiền tệ lý giải, lạm phát năm nay khoảng 11%, có cao một chút nhưng vẫn chưa thể bằng 19% của năm 2008. Trong khi đó, lãi suất huy động năm 2008 cũng chỉ 17 đến 18% một năm.
Trong khi đó, ông Lê Xuân Nghĩa, Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia cho rằng, Ngân hàng nhà nước áp dụng lãi suất theo nguyên tắc thị trường không có nghĩa là các ngân hàng muốn làm gì cũng được. Ngân hàng Trung ương kiểm soát gián tiếp thông qua các công cụ như nghiệp vụ thị trường mở, lãi suất chiết khấu, lãi suất tái cấp vốn, tỷ lệ dự trữ bắt buộc... Ngoài ra, dựa trên những cam kết đồng thuận về lãi suất, nếu ngân hàng nào vi phạm sẽ bị xử lý.
"Những biến động về lãi suất trong mấy ngày qua là do quan hệ cung - cầu tín dụng. Cũng có thể sự điều tiết cung tiền của Ngân hàng nhà nước có vấn đề chưa hợp lý", ông Nghĩa chia sẻ.