Đó là thực trạng đang tồn tại ở khu tái định cư thôn Tân Phước (xã Hải Lâm, Hải Lăng, Quảng Trị).
Ngày 29/4/2005, UBND tỉnh Quảng Trị ra quyết định số 798/QĐ-UB về việc xây dựng khu tái định cư di dân cư cho 300 hộ dân của 13 xã vùng thấp lũ lên định cư lâu dài ở vùng phía Nam xã Hải Lâm thuộc địa bàn thôn Tân Phước.
Dự án bắt đầu triển khai từ năm 2007 với số vốn hơn 49 tỷ đồng trong đó ngân sách từ Trung ương hỗ trợ trên 23 tỷ đồng còn lại là huy động từ các nguồn vốn khác. Dự án bao gồm việc xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ dân sinh như: xây dựng hệ thống điện; nước sạch sinh hoạt; đường giao thông; hỗ trợ người dân làm nhà ở và các thiết chế văn hóa khác trên diện tích 320 hecta nhằm giúp người dân sớm ổn định cuộc sống.
Theo đó, mỗi hộ tiến hành di lên khu tái định cư được nhà nước đầu tư 12 triệu đồng để làm nhà ở, cấp đất sản xuất 1.500 - 2.000m2. Dự án đã bước đầu mang lại hiệu quả đáng kể, nhiều hộ dân đã dần ổn định được cuộc sống và làm ăn trên vùng đất mới.
Tuy nhiên, hiện nay ở thôn Tân Phước vẫn đang tồn tại thực trạng là hàng chục ngôi nhà được Nhà nước và nhân dân đầu tư kiên cố đang rơi vào tình cảnh bỏ hoang, không có người ở. Những ngôi nhà này không mái che, không cửa, xung quanh cỏ dại mọc um tùm là một thực tế đang hiện hữu nhiều năm qua tại khu tái định cư Tân Phước.
Ngoài ra qua nhiều năm đầu tư, một số hạng mục cơ sở hạ tầng tại đây cũng đang bộc lộ dấu hiệu hư hỏng và xuống cấp.
Một trong số hàng chục ngôi nhà bỏ hoang lâu ngày cỏ dại mọc um tùm |
Sau 6 năm triển khai, chính quyền xã Hải Lâm xác định, từ năm 2007 đến nay đã có 156 hộ dân với 570 nhân khẩu được xét di dân lên vùng dự án. Tuy nhiên đến thời điểm này chỉ có 92 hộ đã tiến hành tái định cư, ổn định cuộc sống. 64 hộ còn lại vì nhiều lý do khác nhau đến nay mặc dù nhà cửa bước đầu đã xây xong nhưng vẫn để hoang. Nhiều ngôi nhà đã xuống cấp, gây lãng phí tiền của của Nhà nước và nhân dân.
Anh Trần Viết Chiến – người dân thôn Tân Phước cho biết: “Gia đình tôi bắt đầu lên định cư ở đây từ năm 2009. Ban đầu Nhà nước chỉ hỗ trợ số vốn là 12 triệu đồng nên không thể đủ để xây nhà ở được. Do vậy chúng tôi phải bỏ thêm tiền ra mới có thể xây được ngôi nhà này. Đa số người dân lên tái định cư ở đây vốn là nông dân sản xuất nông nghiệp nên kinh tế rất khó khăn. Với số tiền hỗ trợ đó nhiều gia đình không đủ khả năng để xây dựng nhà ở”.
Bên cạnh đó, việc triển khai giai đoạn 2 của dự án như các điểm dịch vụ nhằm giải quyết công ăn việc làm cho nhân dân, các công trình cơ sở hạ tầng giúp người dân ổn định cuộc sống vẫn đang diễn ra tương đối chậm chạp. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến cho tình trạng bỏ hoang nhà cửa vẫn còn diễn ra.
Ông Hoàng Hoa Thám – Phó chủ tịch xã Hải Lâm cho biết: “Bên cạnh việc địa phương tiếp tục vận động số hộ dân còn lại lên định cư thì chúng tôi cũng rất mong muốn các cấp chính quyền huyện, tỉnh tiếp tục đầu tư vào xây dựng giai đoạn 2. Đặc biệt là việc mở mang các ngành nghề dịch vụ tiểu thủ công nghiệp để giải quyết công ăn việc làm cho dân. Đồng thời xây dựng các công trình thiết yếu như tạm y tế để chăm sóc sức khỏe cho bà con nhân dân trong vùng”.
Rất mong các cấp chính quyền trong tỉnh Quảng Trị sớm có hướng giải quyết để sớm hoàn thiện tổng thể dự án và phát huy được mục đích ban đầu mà dự án đề ra…
Duy Khánh