Theo Bộ Công an, Nghị định số 31/2014/NĐ-CP ngày 18/4/2014 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Cư trú đã góp phần hoàn thiện quy định của pháp luật về cư trú và yêu cầu của công tác quản lý hành chính về trật tự xã hội, yêu cầu quản lý dân cư, bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
Tuy nhiên, trước yêu cầu nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự trong tình hình mới, bảo đảm thực hiện quyền con người, quyền công dân và đặc biệt là chủ trương đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư, ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến, đã đặt ra yêu cầu phải tiếp tục hoàn thiện pháp luật về cư trú; ngày 13/11/2020, tại Kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV đã thông qua Luật Cư trú năm 2020, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2021. Theo đó, Luật Cư trú năm 2020 đã giao Chính phủ quy định chi tiết một số nội dung.
Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Cư trú do Bộ Công an xây dựng gồm 03 chương, 19 điều. Trong đó quy định người không có nơi thường trú, nơi tạm trú phải khai báo thông tin về cư trú với cơ quan đăng ký cư trú tại nơi ở hiện tại.
Đối với trường hợp công dân chưa có thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ quan đăng ký cư trú hướng dẫn người đến khai báo kê khai thông tin về nhân thân với các trường thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và tiến hành chụp ảnh chân dung, thu thập đặc điểm nhận dạng theo hướng dẫn của Bộ Công an.
Cơ quan đăng ký cư trú kiểm tra, xác minh thông tin nhân thân của công dân đã khai báo qua trao đổi, lấy thông tin từ cha, mẹ, anh, chị em ruột hoặc người thân thích khác của công dân; đồng thời, có xác minh bằng văn bản đề nghị cung cấp thông tin gửi Ủy ban nhân dân cấp xã nơi công dân sinh ra và các cơ quan khác có liên quan.
Trường hợp qua kiểm tra, xác minh mà xác định thông tin công dân đã khai báo là chưa chính xác thì cơ quan đăng ký cư trú đề nghị công dân đó khai báo lại để kiểm tra, xác minh lại nếu thấy cần thiết. Thời hạn kiểm tra, xác minh lại được tính như thời hạn kiểm tra, xác minh lần đầu.
Sau khi kiểm tra, xác minh mà xác định được người đến khai báo là công dân Việt Nam và thông tin mà công dân đã khai báo là chính xác thì cơ quan đăng ký cư trú hoàn thiện thủ tục cần thiết để cấp số định danh cá nhân cho công dân nếu công dân đó chưa có số định danh cá nhân. Cơ quan đăng ký cư trú có trách nhiệm cập nhật thông tin của công dân vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu về cư trú và thông báo, cấp Giấy xác nhận về việc khai báo cư trú cho công dân.
Dự thảo Nghị định cũng quy định công dân khi đăng ký cư trú cần chứng minh chỗ ở hợp pháp bằng một trong các loại giấy tờ, tài liệu sau: Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở hoặc giấy tờ về quyền sở hữu nhà ở do cơ quan có thẩm quyền cấp qua các thời kỳ; Giấy tờ về quyền sử dụng đất ở theo quy định của pháp luật về đất đai (đã có nhà ở trên đất đó)...
Trường hợp công dân đăng ký thường trú tại chỗ ở do thuê, mượn, ở nhờ theo quy định tại khoản 3 Điều 20 Luật Cư trú phải có giấy tờ có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi không có đơn vị hành chính cấp xã về điều kiện diện tích bình quân bảo đảm theo quy định của Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Về hồ sơ, thủ tục xóa đăng ký thường trú, tạm trú, Dự thảo Nghị định quy định theo hướng khi trong hộ có người thuộc diện bị xóa đăng ký thường trú, tạm trú thì người thuộc diện xóa đăng ký thường trú, tạm trú hoặc đại diện hộ gia đình có trách nhiệm đến cơ quan đăng ký cư trú để thực hiện thủ tục xóa đăng ký.
Với các quy định nói trên, hy vọng Nghị định được ban hành sẽ đáp ứng yêu cầu về đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư nói chung, quản lý cư trú nói riêng; đảm bảo yêu cầu công khai, minh bạch và thuận tiện cho đăng ký, quản lý cư trú, quản lý dân cư.