Ngày 18/4/1984, nhận thấy tầm quan trọng của việc tìm kiếm, cất bốc, quy tập phần mộ các liệt sĩ Việt Nam hy sinh trên các chiến trường Lào về quê hương, Bộ Tổng Tham mưu và Tư lệnh Quân khu 4 đã quyết định thành lập hai đoàn quy tập, làm nhiệm vụ tại các tỉnh Xiêng Khoảng, Viêng Chăn, Bô Ly Khăm Xay và Khăm Muộn. Đây được xác định là các vùng chiến trường, nơi có khoảng hơn 13.000 liệt sĩ quân tình nguyện Việt Nam đã ngã xuống trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.
Đại tá Hồ Trọng Bình (Đoàn trưởng Đoàn quy tập mộ liệt sĩ, Bộ CHQS tỉnh Nghệ An), người đã có gần 20 năm gắn bó với nhiệm vụ linh thiêng này cho biết: “Vào thời điểm đó, tình hình an ninh ở nước bạn Lào hết sức phức tạp, nạn phỉ hoành hoành, hai Đảng, hai Nhà nước chưa có chủ trương phối hợp tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ Việt Nam. Bởi vậy, trong thời kỳ này, công việc tìm kiếm hết sức nguy hiểm, gian khổ. Bên cạnh khắc phục những khó khăn về điều kiện sinh hoạt, địa hình, chúng tôi phải tránh va chạm với các toán phỉ hoạt động mạnh ở các vùng thuộc tỉnh Xiêng Khoảng - là nơi có nhiều liệt sĩ Việt Nam đang được mai táng tại đây”.
Vẫn lời Đại tá Bình: “Với tình cảm đồng đội, đồng chí và lòng biết ơn sâu sắc những người đã ngã xuống, đoàn quy tập mộ liệt sĩ đã cố gắng hết sức để hoàn thành nhiệm vụ mà quân khu giao phó, quyết tâm bằng mọi cách để đưa được các bác, các chú về với đất mẹ sau hàng chục năm trời đằng đẵng”.
Phải mất một năm trời khảo sát, công tác quy tập mới được tiến hành. Hơn 30 năm qua, bằng trách nhiệm cao cả và tình cảm sâu nặng với các anh hùng liệt sĩ, cán bộ, nhân viên Đội quy tập Bộ CHQS tỉnh Nghệ An đã phối hợp chặt chẽ với chính quyền, cơ quan chức năng và nhân dân nước bạn tìm kiếm, cất bốc 12.106 hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hy sinh ở Lào về nước, trong đó có 921 hài cốt xác định được danh tính, quê quán và bàn giao cho thân nhân các gia đình liệt sĩ.
“Hầu hết các đợt quy tập đều diễn ra vào mùa khô, từ tháng 10 năm trước đến tháng 4 năm sau. Mùa khô ở Lào khắc nghiệt lắm, thiếu nước, đất đai khô quắt như hóa sỏi, thức ăn, rau xanh thiếu thốn. Anh em vừa tìm kiếm phần mộ liệt sĩ, vừa tăng gia sản xuất, vừa làm công tác dân vận… Khó khăn không thể nói hết được. Nhưng khó khăn nhất là hầu hết các phần mộ, các nghĩa trang đều nằm trong rừng sâu, phải hành quân bộ cả ngày đường mới tới nơi. Anh em vừa đi, vừa mở đường. Mấy chục năm trời, địa hình thay đổi do mưa gió bào mòn, các phần mộ trôi đi hoặc bị san phẳng, không giống với sơ đồ đã được cung cấp. Gần như chúng tôi phải dò dẫm giữa thăm thẳm rừng già để tìm kiếm với hành trang duy nhất là sức người, là nghĩa tình với người đã ngã xuống”, Đại tá Hồ Trọng Bình hồi ức.
Với tấm sơ đồ cũ mòn trong tay và những thông tin ít ỏi chắp nối từ đồng bào bản địa cung cấp, đoàn quy tập cắt rừng để đi. Chiến trường xưa đã thay đổi rất nhiều, nhưng bom đạn còn sót lại không hề ít. Những bãi mìn, bãi bom bi như những chiếc bẫy giăng ra thử thách lòng dũng cảm và kiên trì của những người đi tìm đồng đội. Chỉ cần một nhát cuốc bổ xuống không đúng cách, hay chiếc xẻng bị dẫm quá sâu, tiếng nổ chát chúa sẽ vang lên…
11h30 ngày 5/4/2018, trong lúc đang tiến hành khảo sát, tìm kiếm sáu phần mộ liệt sĩ tại phu Poọng Nốc, bản Na Păn, kệt Nậm Xiên 2, huyện Phả Xay, tỉnh Xiêng Khoảng, CHDCND Lào, Trung úy Nguyễn Khắc Âu đã liên tiếp bị vướng vào hai quả mìn phát nổ làm bị thương phải nhập viện cấp cứu. Sức ép của mìn khiến Trung úy Âu khó thở, tay phải bị thương, thủng màng nhĩ tai phải. Được đồng đội trong tổ sơ cứu, đưa vào cơ sở y tế nước bạn cứu chữa, sau hai ngày điều trị, sức khỏe Trung úy Âu mới dần hồi phục và được xác định vết thương không ảnh hưởng đến tính mạng. Ngày 7/4/2018, Trung úy Âu được đưa về Bệnh viện Quân y 4 để tiếp tục điều trị.
Mùa khô 2017 - 2018, Đội Quy tập mộ liệt sĩ Bộ CHQS tỉnh Nghệ An thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm, cất bốc hài cốt liệt sĩ trên nước bạn Lào diễn ra trong điều kiện ngày càng khó khăn. Ban Chỉ đạo 1237 và Bộ CHQS tỉnh Nghệ An đã chỉ đạo Đội Quy tập thực hiện tốt phương châm “4 cùng” (cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng Lào”; chủ động khắc phục khó khăn về địa hình, địa bàn, thời tiết; phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền, lực lượng vũ trang và nhân dân nước bạn Lào tiến hành cung cấp thông tin, khảo sát, tìm kiếm, cất bốc, đưa về nước được 98 hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hy sinh trong chiến tranh trên đất bạn Lào (đạt 122,5% kế hoạch đề ra).
Tại địa bàn tỉnh Xiêng Khoảng, Đội Quy tập cất bốc được 87 hài cốt; địa bàn tỉnh Viêng Chăn cất bốc được năm hài cốt; địa bàn tỉnh Xây Xổm Bun cất bốc được sáu hài cốt liệt sĩ. Trong 98 hài cốt liệt sĩ được tìm thấy có 12 hài cốt có họ tên, nhưng chưa biết quê quán; có hai hài cốt liệt sĩ có tên trong danh sách của Sư đoàn 312, Quân đoàn 1. Đặc biệt có một hài cốt liệt sĩ được Đội Quy tập tìm thấy ở Điểm cao 1188 tỉnh Xiêng Khoảng xác định rõ tên Nguyễn Đình Quảng, hy sinh năm 1971, quê quán TP Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình.