Sợ ảnh hưởng công việc, sợ hỏng ngực..., một số bà mẹ trẻ ngày nay đã tước đoạt niềm hạnh phúc thiêng liêng được bú dòng sữa mẹ của chính những đứa con đẻ của mình mà khiến con mình không thụ hưởng được dòng sữa mát của mình mà không hề ý thức được vai trò quan trọng sống còn của việc làm này.
Sữa mẹ giúp giảm tỉ lệ tử vong của trẻ dưới 5 tuổi. Ảnh minh họa |
1.001 lý do trốn bú
Mặc cho đứa con gái bé bỏng chưa đầy tháng tuổi khóc ngằn ngặt trên tay, hai vạt áo ướt đẫm sữa, Hồng Ngọc (Gia Lâm, Hà Nội) vẫn nhất quyết... không cho con bú! Chị giúp việc vội vã lấy bình pha sữa cho con bé khỏi hờn. Từ lúc sinh ra, con gái của Ngọc không được hưởng lấy một giọt sữa ngọt ngào nào từ người mẹ. Ai nói sao, Ngọc cũng không cho con bú. Lý do duy nhất Ngọc đưa ra là cho con bú, mẹ sẽ... hỏng ngực! Dù đã lên chức mẹ, Ngọc vẫn muốn giữ ngực mình đẹp như thời con gái.
Không chỉ Ngọc mà còn rất nhiều bà mẹ trẻ không cho con bú. Đang quen vui chơi, ăn ngủ thoải mái, giờ phải nuôi con mọn, Thu An (Phủ Lý, Hà Nam) thấy khó chịu vô cùng. Ăn thì phải ăn kiêng, ngủ thì không được trọn giấc, chốc chốc lại phải dậy cho con ti, đi chơi cũng không được thoải mái. Cho con bú, An cảm thấy như cực hình. Không chịu được khổ, được vài tuần, An tuyên bố với cả nhà sẽ nuôi con bằng sữa ngoài. Nói là làm, An vác về nhà 4 hộp sữa ngoại và “bàn giao” cho bà nội và bà ngoại chăm cháu.“Uống sữa ngoài, con mình, ai chăm cũng được chẳng cần mẹ nó phải nhúng tay vào. Mình có thời gian ăn chơi thoải mái, kéo dài tuổi xuân, tội gì phải khổ” - An nói.
Việc quảng cáo rầm rộ của các hãng sữa cũng là lý do làm cho trào lưu “nuôi bộ” ngày càng gia tăng. Tỉ lệ các cháu bú chai thay sữa mẹ ngay trong năm đầu đời có chiều hướng tăng lên, từ 18% năm 2000 lên 25% năm 2007. Các hãng sữa đua nhau quảng cáo thổi phồng giá trị dinh dưỡng của sản phẩm sữa bột và không ít bà mẹ trẻ “sập bẫy”.
Họ không biết rằng, các hãng sữa đã lừa dối khi nói rằng các sản phẩm giàu lượng DHA và AA rất quan trọng cho sự phát triển trí tuệ của trẻ mà sữa mẹ không có. Nhưng thực ra những thành phần có trong sữa mẹ đã đủ cho sự phát triển não bộ của trẻ. Chị Hoa (ở đường Cầu Giấy) đã dốc hết tiền tiết kiệm để “sưu tầm” hàng chục loại sữa được quảng cáo là: Phát triển trí não, tăng sức đề kháng, thông minh kiệt xuất. Để cho con uống những loại sữa này, chị Hoa đã bắt con cai sữa mẹ từ khi 3 tháng. Chẳng biết có tăng sức đề kháng đến đâu chỉ biết rằng, sau khi uống sữa lạ không phải sữa mẹ thằng bé con chị Hoa phải nhập viện vì tiêu chảy nặng.
Sữa mẹ giúp giảm tỉ lệ tử vong của trẻ dưới 5 tuổi
Theo số liệu thống kê, ở Việt Nam, cứ 4 trẻ sinh ra thì có 1 trẻ không được bú sữa mẹ sớm trong vòng 1 giờ đầu sau sinh. 90% trẻ không được nuôi hoàn toàn bằng sữa mẹ đến 6 tháng đầu. Cho trẻ ăn bổ sung sớm trước 6 tháng tuổi là một thực hành dinh dưỡng không đúng, nhưng còn rất phổ biến. Việc không cho con bú hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu đời đã gây tác hại lớn cho sự sinh tồn và phát triển của trẻ nhỏ. Theo báo cáo “Tiến bộ cho trẻ em của UNICEF”: Tỉ lệ trẻ dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng ở Việt Nam là 25,2%, khá cao so với khu vực trong khi Trung Quốc 8%, Malaysia 11%, Mông Cổ 13%.
Các nghiên cứu cho thấy, sữa mẹ là nguồn thức ăn lý tưởng cho trẻ. Sữa mẹ thường xuyên được giữ ở nhiệt độ khoảng 37oC, rất phù hợp với thân nhiệt của trẻ đồng thời lại rất vệ sinh so với bất kỳ nguồn sữa nào. Nuôi con bằng sữa mẹ giảm nguy cơ và độ nguy hiểm của các bệnh nhiễm ở tai, tiêu chảy, viêm màng não vi khuẩn ở trẻ nhỏ và có thể giúp ngăn ngừa trẻ tử vong trong khi ngủ, ngừa bệnh tiểu đường, béo phì và hen suyễn. Cho con bú sữa mẹ sẽ thuận lợi và kinh tế vì không phụ thuộc vào giờ giấc, không cần phải đun nấu, rửa vệ sinh dụng cụ pha chế. Sữa mẹ đáp ứng tất cả nhu cầu dinh dưỡng của trẻ và rất quan trọng cho việc tạo nên sức miễn dịch và ngăn ngừa nhiễm bệnh ở trẻ.
Hơn thế nữa, cho con bú làm giảm nguy cơ bị ung thư vú và ung thư buồng trứng cho người mẹ. Khi cho bú, người mẹ có nhiều thời gian gần gũi với con, điều này rất có ích cho việc phát triển hài hòa tâm sinh lý của đứa trẻ. Bà Lotta Sylwander - Trưởng Đại diện Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) tại Việt Nam cho hay: “Nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu đời của trẻ có thể giúp cứu sống được 13% số trẻ dưới 5 tuổi bị tử vong”.
Mặc dù những lợi ích như vậy, rất nhiều các bà mẹ ở Việt Nam đang không theo những lời chỉ dẫn trên. Mặt khác, với chế độ thai sản như hiện nay, 3 - 4 tháng nghỉ sinh, cũng là lý do khiến trẻ ít thụ hưởng dòng sữa mẹ. Các bà mẹ khi đã đi làm thì khó đảm bảo lượng sữa do uống ít nước, ít cho bú hơn và thực tế là bà mẹ ở thành phố hay mất sữa hơn các bà mẹ ở nông thôn.
Từ đó có thể thấy, nguyên nhân chủ yếu là thái độ xã hội, trong đó thiếu sự hỗ trợ của cộng đồng, nhất là người chồng, các bậc ông, bà; sự bận rộn của phụ nữ bởi công việc nhiều trong ngày, thiếu kiến thức đã khiến các bà mẹ không ý thức được vai trò quan trọng sống còn của việc làm này.
Bố chăm chỉ, con được bú mẹ nhiều Để “đòi lại” quyền lợi cho trẻ nhỏ, chiến dịch truyền thông “Sữa mẹ - Cùng nói lời yêu thương!” do Bộ Y tế, Liên hợp quốc và Dự án Alive and Thrive đã đồng tổ chức với mục tiêu thu hút sự tham gia và huy động nhiều đối tác có liên quan, các ngành, các gia đình, chủ doanh nghiệp, nhân viên y tế, cơ quan lập pháp, các tổ chức đoàn thể, tổ chức phát triển và các mạng lưới xã hội nhằm tạo ra một môi trường đầy đủ thông tin, mang tính hỗ trợ, tạo điều kiện cho các bà mẹ cho con bú ngay trong giờ đầu tiên sau khi sinh, cho con bú hoàn toàn trong 6 tháng đầu và tiếp tục cho con bú trong vòng 2 năm đầu đời của trẻ và lâu hơn nữa. Muốn được như vậy, các thành viên trong gia đình cần động viên tinh thần, giảm bớt các gánh nặng công việc nhà và xã hội cho các bà mẹ phải đi làm khi vẫn nuôi con bằng sữa mẹ. Còn bản thân các bà mẹ cần cố gắng duy trì cho con uống sữa mẹ bằng mọi cách. |
Thùy Dương