Hệ thống sông Hồng có diện tích khoảng 86.660km2, gồm 26 tỉnh, thành phố với khoảng 30 triệu dân và có vai trò đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế, xã hội của đồng bằng và Trung du Bắc Bộ. Các khu phân lũ, làm chậm lũ trên hệ thống sông Hồng đã được hình thành từ những năm đầu của thế kỷ trước và được củng cố, nâng cấp sau trận lũ lịch sử năm 1971. Tuy nhiên, đến nay, do có nhiều thay đổi nên việc tồn tại các khu phân lũ trên không còn phù hợp…
Tồn tại các khu phân lũ là không cần thiết
Theo phân tích của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các khu vực được chọn làm khu phân lũ, chậm lũ là những vùng trước đây còn khó khăn, ít dân cư. Nhưng đến nay các vùng này đã tương đối đông dân, kinh tế ngày càng phát triển theo sự phát triển của đất nước. Vì thế, việc tiếp tục phân lũ vào những khu vực này sẽ gây thiệt hại lớn về dân sinh, kinh tế và tác động xấu đến môi trường.
Trước thực tế này, ngày 14/1/2011, Chính Phủ đã ban hành Nghị định số 04/2011/NĐ-CP bãi bỏ việc sử dụng các khu phân lũ, làm chậm lũ thuộc hệ thống sông Hồng. Theo đó, sẽ bãi bỏ việc sử dụng các khu chậm lũ Tam Thanh (tỉnh Phú Thọ), Lập Thạch (tỉnh Vĩnh Phúc), Lương Phú - Quảng Oai, Ba Vì thuộc thành phố Hà Nội và hệ thống phân lũ sông Đáy kể từ khi công trình Thủy điện Sơn La chính thức tham gia cắt lũ cho hạ du.
Để thực hiện bãi bỏ việc sử dụng các khu phân lũ, làm chậm lũ, sẽ sử dụng công trình thủy điện Sơn La, phối hợp với các hồ Hòa Bình, Tuyên Quang, Thác Bà tham gia điều tiết liên hồ cắt lũ cho hạ du. Cùng với giải pháp này sẽ dành dung tích phòng lũ của các hồ: Hồ Sơn La và hồ Hòa Bình trên sông Đà, hồ Tuyên Quang, hồ Thác Bà để điều tiết, cắt giảm lũ cho hạ du.
Nhiều giải pháp song hành
Các thông số yêu cầu là phải vận hành điều tiết liên hồ, đảm bảo lưu lượng lũ trên sông Hồng tại trạm thủy văn Sơn Tây nhỏ hơn hoặc bằng 28.000 m3/s; tại trạm thủy văn Hà Nội nhỏ hơn hoặc bằng 20.000 m3/s và mực nước sông Hồng tại trạm thủy văn Hà Nội không vượt quá 13,40 m.
Trường hợp xảy ra sự cố nghiêm trọng đối với hệ thống đê điều hoặc dự báo xuất hiện trận lũ lớn hơn lũ 500 năm xuất hiện một lần, nhưng nhỏ hơn lũ thiết kế công trình hồ Sơn La (lũ 10.000 năm xuất hiện một lần) được sử dụng một phần dung tích chống lũ cho công trình để cắt giảm lũ cho hạ du nhưng phải đảm bảo an toàn công trình.
Bên cạnh đó, một giải pháp khác cũng được Chính phủ thông qua là việc quy hoạch xây mới, cải tạo nâng cấp các công trình đầu mối, hệ thống đê sông Đáy, nạo vét lòng dẫn sông Đáy để chủ động đưa nước sông Hồng vào sông Đáy.
Đồng thời, đảm bảo sông Đáy thoát được lưu lượng nước tối đa 2.500 m3/s để dự phòng khi xuất hiện lũ có chu kỳ lặp lại lớn hơn 500 năm trên hệ thống sông Hồng, hoặc xảy ra sự cố nghiêm trọng đối với hệ thống đê điều khu vực nội thành Hà Nội. Cùng với các giải pháp trên là củng cố, nâng cấp các tuyến đê sông Hồng - sông Thái Bình, đê bảo vệ khu vực Tam Thanh, Lập Thạch, Lương Phú - Quảng Oai, Ba Vì đạt tiêu chuẩn thiết kế theo quy hoạch phòng chống lũ và quy hoạch đê điều.
Trách nhiệm của từng Bộ, ngành
Để công việc được thông suốt, tránh chồng chéo, Chính phủ đã phân rõ trách nhiệm của từng Bộ, ngành liên quan. Cụ thể, Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm chỉ đạo công tác dự báo, cảnh báo và cung cấp kịp thời số liệu về mưa, lũ (theo giờ) cho Ban Chỉ đạo phòng, chống lụt, bão Trung ương và các cơ quan liên quan để tham mưu trình Chính phủ ra lệnh vận hành công trình đầu mối sông Đáy khi dự báo xuất hiện lũ có chu kỳ lặp lại lớn hơn 500 năm trên hệ thống sông Hồng, hoặc xảy ra sự cố nghiêm trọng đối với hệ thống đê điều khu vực nội thành Hà Nội….
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương lập điều chỉnh quy hoạch phòng, chống lũ hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; Chỉ đạo khảo sát, đánh giá các công trình đầu mối phân lũ sông Đáy hiện có, quyết định phương án cải tạo hoặc xây dựng mới và quản lý thực hiện đầu tư các công trình đầu mối đáp ứng mục tiêu, nhiệm vụ được quy định tại Nghị định này.
Theo đánh giá, Nghị định 04/2011/NĐ-CP đã đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững về kinh tế - xã hội của đất nước nói chung và của Thủ đô Hà Nội nói riêng mà vẫn đảm bảo tiêu chuẩn phòng lũ theo quy định và có tính đến dự phòng cho tình huống lũ lớn.
Chính sách này cũng sẽ tác động tích cực về mặt xã hội đối với các vùng có khu phân, chậm lũ trước đây nay không bị ngập lụt do phân, chậm lũ, tạo điều kiện ổn định cuộc sống và sản xuất của người dân, tạo môi trường thuận lợi thu hút đầu tư, cải thiện môi trường, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội trong khu vực…
Đông Quang