Dự luật của chính phủ Ấn Độ sẽ hình sự hóa việc sở hữu, phát hành, khai thác, giao dịch và chuyển giao tiền ảo, vị quan chức nói với Reuters. Đây sẽ là một trong những chính sách nghiêm ngặt nhất thế giới đối với tiền ảo.
Biện pháp này phù hợp với chương trình nghị sự được đưa ra hồi tháng 1 của chính phủ Ấn Độ, trong đó đã kêu gọi cấm các loại tiền ảo như bitcoin trong lúc xây dựng khuôn khổ pháp lý phù hợp cho tiền ảo.
Theo đó, dự luật này sẽ cho những người đang nắm giữ tiền ảo tối đa 6 tháng để rút tiền. Sau thời gian này, những người còn nắm giữ tiền ảo sẽ bị phạt.
Các quan chức cho rằng dự luật này có thể được ban hành thành luật vì đảng cầm quyền của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi chiếm đa số trong quốc hội.
Nếu dự luật được thông qua thì Ấn Độ sẽ là nền kinh tế lớn đầu tiên xem việc sở hữu tiền ảo là bất hợp pháp. Ngay cả Trung Quốc đã cấm khai thác và buôn bán nhưng không xử phạt hành vi sở hữu.
Bitcoin vừa lập kỷ lục 61.000 USD, gần gấp đôi so với mức giá đầu năm khi đồng tiền này được ủng hộ từ nhiều công ty lớn, trong đó đáng chú ý nhất là Tesla.
Tại Ấn Độ, dù Chính phủ đã đe dọa sẽ cấm tiền ảo, nhưng khối lượng giao dịch tiền ảo vẫn tăng mạnh và hiện có 8 triệu nhà đầu tư đang nắm giữ 100 triệu Rupee (1.4 tỷ USD) tiền ảo, theo ước tính của các chuyên gia.
Trước đó, một dự thảo của chính phủ vào năm 2019 đã đề xuất án tù lên đến 10 năm đối với những người khai thác, tạo, nắm giữ, bán, chuyển nhượng, xử lý, phát hành hoặc giao dịch tiền điện tử.
Vào tháng 3/2020, Tòa án tối cao của Ấn Độ đã bác bỏ lệnh cấm các ngân hàng cho phép thực hiện giao dịch liên quan đến tiền điện tử của ngân hàng trung ương vào năm 2018, khiến các nhà đầu tư đổ xô vào thị trường. Tòa án đã yêu cầu chính phủ phải có quan điểm và soạn thảo luật về vấn đề này.