Ở thời điểm này, giá các loại mặt hàng đều tăng 20 -30% so với khoảng 1 tháng trước đó. Một số mặt hàng có giá tăng đột biến so với thời điểm này năm ngoái.
Có lẽ với người tiêu dùng và người bán, dầu ăn là mặt hàng giá tăng chóng mặt. Các chủ cửa hàng tính trung bình một tuần, mặt hàng này tăng từ 1.000 đến 3.000 đồng đồng/chai.Ví dụ, dầu bịch (20 lít) cách đây khoảng 4 tháng có giá 280.000 đồng/thùng, hiện có giá 590.000 đồng/thùng. Nấm hương cũng có giá tăng cao. Cách đây hơn tháng, giá nấm hương khoảng 200.000 đồng - 260.000 đồng/kg (tùy loại), hiện tăng 300.000 đồng – 400.000 đồng/kg (tùy loại và cửa hàng). Giá mộc nhĩ tăng thêm 20.000- 30.000 đồng/kg so với đầu tháng 12. Đỗ xanh bóc vỏ 43.000 đồng/kg (giá mua buôn); đậu xanh có vỏ đẹp 40.000- 43.000 đồng/kg (tăng 5.000 đồng/kg); gạo nếp 24.000- 27.000 đồng/kg; miến loại ngon 35.000 – 40.000 đồng/kg (tăng 15.000 đồng/kg).
Thị trường hàng tiêu dùng phong phú nhưng cần bình ổn giá. Ảnh: Trường Giang |
Mỳ Hảo hảo tăng từ 71.500 đồng/thùng lên 81.500 đồng/thùng; mỳ omachi, đa cua tăng 10.000 đồng/thùng; tương ớt tăng 20.000 đồng/thùng. Đường sau một thời gian chững lại ở mức trên 19.000 đồng/kg, hiện có giá 22.000 đồng/kg (mua buôn). Bánh kẹo các loại tăng từ 15-20% (như bánh mỳ Lipco của Hữu Nghị tăng 21.000 lên 27.000 đồng/gói). Giá các loại hạt dưa ở mức từ 55.000 – 65.000 đồng/kg. Rượu Vodka Hà Nội tăng 100.000 đồng/thùng so với đầu năm…
Nhiều tiểu thương cho rằng, có đến 1.001 nguyên nhân dẫn đến tình trạng giá tăng cao. Trong đó có nguyên nhân giá vàng tăng khiến các loại dịch vụ, chi phí đầu vào chạy theo. “Giá vàng tăng, các loại thực phẩm như thịt cá, rau củ quả còn tăng gấp đôi thì giá các mặt hàng khác tăng cũng là chuyện dễ hiểu. Không chỉ bây giờ mới tăng mà nó đã tăng dần từ 3 tháng qua” - chị Trâm, chủ đại lý hàng khô ở chợ An Dương cho biết. Chị Trâm cho biết thêm, hơn mười năm bán hàng, năm nay hàng hóa tăng cao nhất. Ngoài việc giá tăng theo xu hướng chung hay nhu cầu tiêu dùng trong dịp Tết tăng cao, việc các chủ mối lớn gom hàng rồi đẩy giá lên cũng là một nguyên nhân quan trọng. Nhiều chủ cửa hàng nhận định, chưa Tết giá đã tăng vùn vụt, chắc chắn trong những ngày Tết sẽ tăng cao hơn.
“Nếu những năm trước, giá tăng theo từng đợt thì năm nay giá các mặt hàng tăng đồng loạt khiến những người bán hàng như chúng tôi cũng ngỡ ngàng, đừng nói gì tới người mua, nhất là những người có điều kiện kinh tế khó khăn”, chủ cửa hàng Liên Kiểm (An Lư, Thủy Nguyên) bày tỏ. Giá cả leo thang cũng gây ra hai tâm lý trái chiều với các đại lý nhỏ lẻ. Một mặt, đại lý muốn mua hàng trong thời điểm giá còn chưa tăng vọt để “buôn gốc, bán ngọn", mặt khác lại sợ ôm hàng sẽ chịu lỗ vì người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu trong điều kiện giá cả phi mã hiện nay. Việc tăng giả ảnh hưởng không ít tới doanh thu buôn bán, bởi đến thời điểm này, không khí mua sắm trầm lắng, vắng vẻ hơn so với cùng kỳ năm ngoái. Chị Nguyễn Thị Lễ, chủ cửa hàng ở chợ Chùa (Thủy Triều, Thủy Nguyên) than thở: “Buôn bán giờ chán lắm, dân ít mua, hàng lấy về bán rất chậm, thậm chí nhiều mặt hàng ế ẩm”.
Vì lý do hàng ngoài đội giá nên nhiều người tiêu dùng lựa chọn vào các siêu thị mua hàng. Chị Lê Thị Thanh ở đường Lê Thánh Tông cho biết, với giá cả các mặt hàng hiện nay, chị chọn mua hàng trong các siêu thị. Bởi, vào những dịp này các siêu thị có chương trình bình ổn giá và nhiều chương trình khuyến mãi, chất lượng hàng cũng bảo đảm hơn.
Phong phú giỏ quà Tết Rượu ngoại đắt hàng “Cháy” hàng chống rét |
Hà Minh