Khác với những bình luận viên chuyên nghiệp trên các phương tiện truyền thông, những bình luận viên... vỉa hè nhìn trái bóng lăn dưới một góc độ khác, có thể không sắc sảo, không văn vẻ, nhưng đầy tính hấp dẫn và mới lạ.
Nghiệp dư như vỉa hè
Say sưa theo dõi trái bóng lăn trong đêm... |
Mới sáng sớm, quán cà-phê cóc ở ngã tư Cẩm Lệ đã rôm rả lên bổng xuống trầm những lời bình luận về bóng đá. Họ là những khách hàng thường xuyên, nhiều nghề nghiệp khác nhau: giáo viên, thợ mộc, thợ nề, công chức, chạy xe ôm, lao động phổ thông... Thứ bảy, chủ nhật có thêm mấy chàng nhà báo tạt ngang sà vào ghế, tán gẫu vài ba câu cùng mọi người để làm phong phú thêm góc nhìn... bình loạn!
Hai đêm, bốn trận tứ kết, 8 đội bóng kẻ ở người về, vui buồn, được mất, vinh nhục là chuyện ở tuốt bên Nam Phi. Còn nơi đây, vùng giáp ranh giữa một bên phố một bên quê, vẫn có không ít những “tín đồ” trung thành của “túc cầu giáo” trợn mắt gần như suốt đêm xem hết hai trận “giao chiến” giữa các cặp đấu. Sáng ra, còn ấm ức trong bụng nhiều chuyện nên nằm nhà không yên, lại phải ra quán để bàn luận cùng các “chiến hữu”.
Anh T. nhà ở Hòa Thọ Tây, hôm trước chạy xe ôm đưa một ông khách từ cầu vượt Hòa Cầm xuống siêu thị Big C. Hỏi chuyện, té ra cả hai đều là dân ghiền bóng đá nặng, đặc biệt là những trận bóng mùa World Cup, nhưng mỗi người “mê” mỗi đội khác nhau. Anh T. lâu nay vẫn xem đội bóng áo sọc trắng xanh nhảy điệu tăng-gô trên sân cỏ là thần tượng, còn ông khách thì ghiền cái cỗ xe tăng chạy lù lù đi săn bàn thắng. Bàn luận một hồi, lúc chia tay, cả hai trao đổi số điện thoại, hẹn sau trận thư hùng giữa Argentina và Đức sẽ gặp lại nhau, người thua phải chung một thùng 333. Tối 3-7, trong số những người “choáng” vì xe tăng vùi dập không thương tiếc những vũ công tăng-gô với một tỷ số quá hoang đường 4-0, có T.
Có chi mà hoang đường, nếu không có bất ngờ thì ai xem bóng đá làm gì – anh thợ mộc M. phát ngôn như một nhà bình luận thực thụ (anh này sáng nào cũng “ngâm cứu” không dưới 3 tờ báo). Cái World Cup (WC) này, nếu để ý một chút sẽ thấy nhiều anh châu chấu đã làm nhiều gã voi khổng lồ phải thua liểng xiểng, xách va-li về nước. Sừng sỏ như Italia, Pháp, một lão là đương kim vô địch, một lão là á quân thế giới mà phải sớm “sang ngang như Đỗ Lễ” (ý nói nửa chừng bỏ cuộc chơi như bài hát “Sang ngang” của nhạc sĩ Đỗ Lễ - NV) thì các anh làng nhàng khác không bị “nốc ao” sớm mới lạ. Như trận Hà Lan gặp Brazil chẳng hạn, thấy vũ đoàn samba mới nhập cuộc đã làm bàn, khí thế hừng hực, mấy anh “bắt” cái đội năm lần vô địch thế giới này như mở cờ trong bụng. Ai dè cơn lốc da cam bất ngờ thổi ngược, tiễn thầy trò HLV Carlos Dunga về nước trong tức tưởi.
Cái ông HLV Dunga đó hết ga rồi, cho ổng về đun củi là vừa – anh N. làm nghề xúc cát ở các đề-pô dưới bến Cẩm Lệ góp tiếng. Anh này có cái kiểu “bình loạn” không giống ai, nhất là tên gọi các đội bóng. Sau khi “gã bò tót” vượt qua người hàng xóm có biệt danh là “Brazil châu Âu” bằng một chiến thắng không mấy thuyết phục, anh cà khịa: Thằng Tây Bán Nhà dập te tua con Bồ Đào Nhà, 1-0 cũng đủ vào tứ kết. Đến lúc hai niềm hy vọng của châu Á ở WC năm nay bị loại sớm, anh phát âm rất Quảng: Tội nghiệp, cả hai đều bị “quay” chín bởi hai “cái lò” đến từ Nam Mỹ. Kim chi bị U-ru “quay” trong trận chính, còn hoa anh đào thì bị Pa-ra “quay” đến héo khô trong loạt súng luân lưu 11m.
Một pha bóng nhiều cách hiểu
... và sáng hôm sau lại rôm rả bình luận. |
Thật là lạ, WC 2010 đã quy tụ nhiều cái đầu tiên, chính bản thân nó đã là một sự khác biệt so với các WC trước: ngày hội bóng đá lớn hành tinh lần đầu tiên được tổ chức ở châu Phi. Đội Nam Phi vừa lập “kỷ lục”: Chủ nhà đầu tiên bị loại ngay sau vòng đấu bảng trong một vòng chung kết WC. Ghana lần đầu tiên vào tứ kết WC sau khi đánh bại Mỹ, thế nhưng “Những ngôi sao đen” đã đánh mất cơ hội trở thành đội châu Phi đầu tiên lọt vào bán kết khi Gyan, tiền đạo tốt nhất của Ghana, sút hỏng quả penalty ngay phút cuối cùng của hiệp phụ thứ 2 trong trận “sống mái” với Uruguay.
Tuy nhiên, có một cái “đầu tiên” ở WC năm nay nữa mà ít người nói tới, theo bình luận của một chị đứng tuổi trong một quán giải khát gần Công an phường Xuân Hà, quận Thanh Khê. Chị vào quán với hai người bạn, chưa kịp gọi nước uống đã “nổ” chuyện WC: Xem bóng đá phải độ cho có chút “màu mè” mới hấp dẫn chứ xem “chay” thì chán chết. Nhưng chỉ chơi nhè nhẹ cho vui thôi, đừng nổi máu ăn thua mà “tàn đời cô Lựu”. Chị vứt mấy tờ báo mang theo lên chiếc ghế trống, hào hứng nói tiếp: Từ hồi biết xem WC tới chừ, tui thấy đây là lần đầu tiên “bắt” giá dưới là ăn hết. Nhiều đội thành tích lẫy lừng lần lượt bị “tiêu tán đường” ngay trước vòng bán kết!
Một thanh niên ngồi bàn bên, giọng đầy kinh nghiệm: Đọc báo, xem ti-vi phải biết “trừ bì”, chứ tin chắc vô sự tô vẽ của mấy nhà bình luận đó thì “chết”. Trước trận tứ kết Brazil - Hà Lan, thầy trò HLV Dunga đã được báo giới đưa lên tận mây xanh, dân cá độ đứng hết về phía Brazil, chỉ mấy anh khù khờ hoặc lỡ ghiền cơn lốc da cam mới “bắt” Hà Lan. Trước trận Uruguay – Ghana, báo chí bình luận đội bóng châu Phi có nhiều cầu thủ bị “hư giò” nên thiên hạ đứng về phía đội bóng Nam Mỹ “bắt” tỷ số 1-0, thậm chí đến 2-0. Vô trận, ở phút bù giờ hiệp 1, Muntari bất ngờ nện một đường bóng như kẻ chỉ từ khoảng cách 25m mở tỷ số trận đấu cho Ghana. Dân cá độ méo mặt, tắt ti-vi đi ngủ cho... đỡ bực mình!
Mãi tới 1 giờ 30 ngày 7-7, WC mới sôi động trở lại với trận bán kết đầu tiên. Các cầu thủ có 4 ngày nghỉ lấy sức, nhưng các nhà bình luận trên phương tiện truyền thông và ngoài vỉa hè thì vẫn không ngơi nghỉ. Trái bóng Jabulani của ngày hội bóng đá thế giới năm nay đã lăn những đường bóng, theo đánh giá ban đầu của người trong cuộc, rất khó chịu. Một pha bóng vụt đi để lại nhiều cách hiểu, một trận đấu kết thúc với nhiều kịch tính, đó mới đích thị là... bóng đá!
VĂN THÀNH LÊ