Theo báo cáo của UBND tỉnh Bình Định cho biết, công tác quản lý chất thải rắn của địa phương trong thời gian qua đã đạt được một số kết quả đáng khích lệ, tuy nhiên vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế. Cụ thể: Tỷ lệ thu gom chất thải rắn nông thôn đạt thấp (52,48%), tỷ lệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt đảm bảo yêu cầu chỉ đạt 49,22%. Tần suất thu gom CTR sinh hoạt tại khu vực nông thôn chỉ từ 1- 2 lần, dẫn đến tình trạng xả thải CTR vẫn còn phổ biến tại các khu vực công cộng.
Dự báo đến năm 2025, lượng CTR sinh hoạt phát sinh trên địa bàn tỉnh khoảng 1.200 tấn/ngày và đến năm 2030, khoảng 1.500 tấn/ngày; lượng CTR công nghiệp thông thường đến năm 2025 khoảng 1.900 tấn/ngày và năm 2030 khoảng 2.000 tấn/ngày (trong đó có khoảng 5 - 10% cần xử lý). Chất thải nguy hại (CTNH) đến năm 2025 ước tính 3.600 tấn/năm, đến năm 2030, khoảng 4000 tấn/năm.
Ảnh minh họa. |
Theo đó, mục tiêu của Kế hoạch là nhằm tăng cường năng lực quản lý tổng hợp CTR; chú trọng phân loại chất thải tại nguồn, giảm thiểu phát sinh và tăng cường tái chế, tái sử dụng; đồng thời, đẩy mạnh xã hội hóa và thu hút đầu tư từ khu vực tư nhân, nước ngoài trong quản lý CTR cũng như ứng dụng các công nghệ xử lý chất thải rắn tiên tiến, thân thiện với môi trường, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế xã hội của địa phương, phát triển ngành công nghiệp tái chế, kinh tế tuần hoàn chất thải.
Đến năm 2030, 95% CTR sinh hoạt đô thị và 90% CTR sinh hoạt nông thôn trên địa bàn tỉnh Bình Định cũng được thu gom và xử lý đảm bảo theo quy định; sử dụng phương pháp chôn lấp trực tiếp cho tối đa 10% CTR sinh hoạt đô thị và 30% CTR sinh hoạt nông thôn được thu gom cũng như 100% tổng lượng CTR công nghiệp thông thường và Chất thải nguy hại (CTNH) phát sinh từ hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, nông nghiệp, cơ sở y tế, làng nghề và 90% CTNH phát sinh từ hộ gia đình phải được thu gom, vận chuyển và xử lý đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường.
Qua đây, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Phạm Anh Tuấn cũng đề nghị các cơ quan có thẩm quyền trước mắt, rà soát và tiếp tục triển khai, sử dụng các bãi chôn lấp hợp vệ sinh, các nhà máy xử lý CTR đã có chủ trương đầu tư, Giấy chứng nhận đầu tư trong thời gian qua. Từng bước hình thành các vùng thu gom, xử lý tập trung.
Định hướng công nghệ xử lý CTR sinh hoạt tại tỉnh cũng phải ưu tiên công nghệ chế biến phân vi sinh, đốt tiêu hủy, đốt thu hồi nhiệt, nhiên liệu; khuyến khích các dự án kết hợp 1 - 2 công nghệ xử lý để tận thu tối đa tài nguyên từ rác thải. Lâu dài (sau năm 2030) khi đã hình thành vùng thu gom, xử lý có lượng CTR sinh hoạt đủ lớn, nguồn kinh phí đảm bảo chi trả, thì khuyến khích xã hội hóa đối với công nghệ đốt phát điện.
Đến năm 2025, trên địa bàn tỉnh sẽ hình thành các khu xử lý CTR tập trung phía Nam tỉnh (gồm Quy Nhơn, An Nhơn, Tuy Phước, công suất 400 tấn/ngày) và phía Bắc tỉnh (Hoài Nhơn, Phù Mỹ, Hoài Ân, công suất 250 tấn/ngày) với công nghệ phù hợp.
Bên cạnh đó, định hướng quy hoạch vùng xử lý chất thải rắn sinh hoạt đến năm 2030 của Bình Định cũng được phân thành 03 vùng chính: Khu vực phía Bắc tỉnh (gồm: thị xã Hoài Nhơn, huyện An Lão, Hoài Ân, Phù Mỹ, trong đó thị xã Hoài Nhơn làm Trung tâm); phía Nam tỉnh (gồm: Thành phố Quy Nhơn, thị xã An Nhơn, huyện Tuy Phước, Vân Canh, Phù Cát, trong đó thành phố Quy Nhơn là trung tâm) và phía Tây tỉnh (gồm: huyện Tây Sơn, Vĩnh Thạnh, trong đó huyện Tây Sơn làm trung tâm).
Ngoài ra, các địa phương còn lại cũng sẽ có các khu xử lý CTR tại chỗ cụ thể: huyện Phù Cát, huyện Vĩnh Thạnh và huyện Vân Canh với công nghệ chôn lấp hợp vệ sinh); các huyện Tây Sơn và An Lão với công nghệ đốt tiêu hủy.
Được biết, tổng kinh phí cho công tác quản lý CTR sinh hoạt giai đoạn 2023-2025 tại tỉnh Bình Định ước tính khoảng 981 tỷ đồng. Trước mắt đến hết năm 2023, địa phương sẽ tập trung hoàn thiện các cơ chế chính sách, quy định về quản lý CTR theo quy định Luật BVMT năm 2020, Quyết định số 491/QĐ - TTg ngày 07/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ đồng thời xây dựng và ban hành giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý CTR sinh hoạt trên địa bàn, áp dụng đối với các đơn vị dịch vụ thu gom và xử lý tại các địa phương. Trên cơ sở đó thực hiện việc đặt hàng hoặc đấu thầu dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải trên địa bàn theo quy định cũng như ưu tiên công nghệ xử lý đảm bảo và chi phí hợp lý.