Muôn kiểu “rút ruột” tài nguyên
Để được “chính danh” khai thác đất, nhiều cá nhân, đơn vị “bắt tay” với lãnh đạo một số xã, huyện thực hiện “cải tạo đồng ruộng”, “cải tạo mặt bằng” đất nông nghiệp hoặc lấy đất tại các khu vực gò, đồi để san lấp công trình địa phương. Với cách làm này, UBND huyện cho chủ trương, sau đó UBND xã ký hợp đồng với cá nhân, đơn vị thực hiện “cải tạo”. Khi có “bùa hộ mệnh” này các cá nhân, đơn vị “rút ruột” tài nguyên một cách “danh chính, ngôn thuận”.
Đơn cử như hoạt động cải tạo đồng ruộng tại khu vực Đồng Gai, thuộc thôn Phú Nhơn, xã Cát Trinh (Phù Cát); cải tạo mặt bằng đất nông nghiệp tại khu vực Mương Làng, thuộc thôn Vĩnh Thái, xã Vĩnh Thịnh (Vĩnh Thạnh) diễn ra đầu năm 2017; cải tạo đồng ruộng tại khu vực Gò Giữa, thuộc thôn Chánh Hiển, xã Canh Hiển (Vân Canh) diễn ra cuối năm 2016; san lấp, tạo mặt bằng khu di dãn dân đang diễn ra tại xã An Tân (An Lão)…
Tại những công trình này, các địa phương đều buông lỏng kiểm tra, giám sát; bỏ ngỏ việc yêu cầu cá nhân, đơn vị thực hiện cải tạo đất hoàn chỉnh hồ sơ đánh giá tác động môi trường, đăng ký khối lượng đất khai thác, vận chuyển. Điều này giúp cá nhân, đơn vị núp bóng sự “chính danh” để khai thác đất vô tội vạ, sau đó chở đi tiêu thụ gây bất bình cho người dân.
Xe tải Chiến Thắng vận chuyển đất tại khu vực Đồng Gai đi tiêu thụ |
Bên cạnh đó, nguồn nguyên liệu đất phục vụ công trình xây dựng và sản xuất gạch không nung trên địa bàn tỉnh Bình Định đang rất khan hiếm. Do vậy, nhiều người bất chấp pháp luật, tìm cách khai thác đất bán kiếm lời. Đơn cử như tại khu vực núi Một, thuộc thôn Phú Thọ, xã Tây Phú (Tây Sơn). Các đối tượng sử dụng máy đào và hàng chục xe tải hoạt động hết công suất vào đêm khuya. Hay tại khu vực Gò Dài, thuộc xã An Hòa (An Lão), một đối tượng đưa máy đào bới hàng trăm mét vuông đất núi, sau đó dùng xe tải chở đi tiêu thụ.
Còn tại một số khu vực đất đồi, gò đang trồng keo nằm dọc quốc lộ 1A - đoạn qua địa phận xã Mỹ Trinh, Mỹ Châu (Phù Mỹ) và tỉnh lộ 629 - đoạn qua xã Ân Mỹ (Hoài Ân) cũng bị “băm vằm” để lấy đất. Hàng ngàn mét vuông đất trồng keo bị “rút ruột” ngày này qua ngày khác; những vạt đồi, gò trở nên nham nhở, tạo thành các vách đất dựng đứng, gây nguy cơ sạt lở đất mỗi khi trời mưa.
Nhiều diện tích đất đồi đang trồng keo tại xã Mỹ Trinh và Ân Mỹ bị đào bới nham nhở, tạo ra các vách đất dựng đứng |
Đất đi về đâu?
Trong vai người mua đất làm gạch, chúng tôi thâm nhập nhiều mỏ đất “chính danh” và cả tự phát. Tại các mỏ “chính danh”, cá nhân, đơn vị thực hiện cải tạo đất theo hình thức xã hội hóa. Nghĩa là tự bỏ kinh phí để cải tạo; thậm chí, đóng cho địa phương một số tiền gọi là “phí” môi trường. Câu hỏi đặt ra: Tại sao cá nhân, đơn vị sốt sắng trong việc cải tạo đất lại phải tự bỏ kinh phí?
Qua tìm hiểu được biết, các đơn vị cải tạo đất sẽ được chính quyền địa phương “lại quả” cho một số công trình xây dựng như đường giao thông, kênh mương bê tông nội đồng; khối lượng đất thu về trong quá trình cải tạo được dùng phục vụ công trình. Tuy nhiên, đây chỉ là bề nổi; cái chính là các đơn vị sử dụng khối lượng đất khai thác để bán cho các lò sản xuất gạch tại xã Bình Nghi, Bình Hòa (Tây Sơn); Mỹ Hiệp (Phù Mỹ). Đây là “động lực” chính để các đơn vị, cá nhân sẵn sàng bỏ tiền túi “cải tạo” đất.
Ông L. - trú huyện Tây Sơn - người chuyên thực hiện cải tạo đồng ruộng, tiết lộ: “Ngoài việc lấy đất để san lấp các công trình tại địa phương, chúng tôi còn chở đi bán tại nhiều lò gạch ở Tây Sơn thì mới có thể “thu hồi” vốn đã bỏ ra cải tạo đất”. Còn ông P., người khai thác đất ở thôn Trà Lương, xã Mỹ Trinh (Phù Mỹ), cho biết: “Nhà tui có hàng chục hecta đất gò, đồi đang trồng keo; nay đất phục vụ san lấp mặt bằng, đổ nền đang có giá nên tui mới bán cho ai có nhu cầu, muốn mua bao nhiêu cũng có”.
Máy đào túc trực tại khu vực đất đồi đang trồng keo tại xã An Tân để sẵn sàng múc đất |
Kiểm tra, giám sát: Hứa nhiều, nhưng thực hiện không bao nhiêu!
Hoạt động khai thác, vận chuyển đất đang tràn lan, lộn xộn, nhưng dường như chính quyền các địa phương chưa thật sự sâu sát trong việc kiểm tra, giám sát. Nhiều trường hợp khi chúng tôi liên hệ để phản ánh hoạt động khai thác đất trái phép, nhiều lãnh đạo (cấp xã, huyện) hoặc tỏ ra bất ngờ hoặc cho rằng khó kiểm tra, xử lý vì các đối tượng lén lút hoạt động.
Điển hình như hoạt động khai thác đất trái phép tại khu vực núi Một, cả lãnh đạo UBND xã Tây Phú và huyện Tây Sơn đều tỏ ra ngạc nhiên khi nhận được thông tin. Đáng nói, lãnh đạo UBND huyện Tây Sơn còn tìm cách né tránh khi chúng tôi liên hệ làm việc. Trong khi đó, lãnh đạo UBND xã An Hòa, xã Mỹ Trinh, xã Ân Mỹ đều cho rằng địa phương khó kiểm tra, xử lý vì các đối tượng hoạt động lén lút tại các khu vực nằm xa khu dân cư.
Ông Đỗ Đình An, Trưởng Phòng TN-MT huyện An Lão, cho biết: “UBND huyện An Lão đã thành lập tổ công tác kiểm tra toàn diện hoạt động khai thác, vận chuyển đất trên địa bàn. Sau khi có kết quả kiểm tra, huyện sẽ báo cáo cho ngành chức năng của tỉnh; đồng thời, xử lý nghiêm đối với các trường hợp vi phạm”. Còn ông Nguyễn Văn Rô, Phó trưởng Phòng TN-MT huyện Hoài Ân, xác nhận: Thời gian qua. tại một số xã như Ân Tường Đông, Ân Tường Tây, Ân Mỹ (Hoài Ân) có xảy ra tình trạng nhiều người dân tự ý cho khai thác đất đồi đang trồng keo để phục vụ mục đích san nền công trình xây dựng. Việc người dân tự ý khai thác đất là hành vi vi phạm; Phòng TN-MT huyện đã chỉ đạo UBND các xã kiểm tra, chấn chỉnh.
“Về lâu về dài, UBND huyện Hoài Ân đang kiến nghị UBND tỉnh xem xét, quy hoạch một số vị trí mỏ khai thác đất trên địa bàn huyện để phục vụ nhu cầu tại địa phương”, ông Rô cho biết thêm. Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Dũng, Chủ tịch UBND huyện Phù Mỹ, cho rằng: “Tình trạng khai thác khoáng sản mà cụ thể là cát, đất đang khiến địa phương đau đầu trong việc kiểm tra, xử lý. Huyện đã thành lập đoàn công tác tiến hành rà soát, kiểm tra toàn bộ các địa điểm đã và đang có tình trạng khai thác cát, đất; đồng thời, làm rõ khối lượng cát, đất mà nhiều cá nhân, đơn vị đang dự trữ tại một số địa phương. Sau khi có kết quả sẽ xử lý nghiêm theo quy định pháp luật”.
Xe tải Chiến Thắng chở đất được khai thác tại khu vực Gò Dài đi đổ nền, san lấp mặt bằng |
Có thể thấy, các địa phương đều khẳng định sẽ kiểm tra, xử lý tình trạng “tận thu” khoáng sản; nhưng xử lý đến đâu, mức độ thế nào thì chưa có câu trả lời cụ thể. Thậm chí, UBND tỉnh Bình Định đã ban hành văn bản, nêu rõ địa phương nào để xảy ra tình trạng khai thác cát, đất trái phép, Chủ tịch UBND cấp xã, huyện phải chịu trách nhiệm. Tuy nhiên, thực tế, hầu như chưa có trường hợp người đứng đầu cấp xã, huyện bị xử lý.
Ông Huỳnh Quang Vinh, Phó Giám đốc Sở TN-MT Bình Định, thừa nhận: “Từ trước đến nay chưa có trường hợp người đứng đầu cấp xã, huyện bị kiểm điểm, xử lý; dù thực tế địa phương đó có xảy ra tình trạng khai thác khoáng sản trái phép. Đúng là có tình trạng một số trường hợp cải tạo đồng ruộng, sau đó vận chuyển đất đi bán tại các lò sản xuất gạch. Thế nhưng, Sở cũng chưa xử lý trường hợp nào; bởi biết họ vận chuyển đi bán, nhưng không thể “bắt tận tay, day tận cánh”; hơn nữa, muốn xử phạt phải qua nhiều thủ tục nên khó xử lý”.
Về thông tin có tình trạng bảo kê, né tránh, “sân sau” của một số lãnh đạo địa phương và ngành chức năng đối với hoạt động khai thác khoáng sản trái phép, ông Vinh cho biết: “Chúng tôi từng nghe có nạn “chung chi” khi khai thác đất, cát, nhưng đó cũng chỉ là tin đồn từ dư luận; muốn kiểm tra, xử lý phải có bằng chứng, chứng cứ xác thực và phải có sự vào cuộc của cơ quan công an”.
Chỉ 5 mỏ đất được cấp phép hoạt động
Theo Sở TN-MT Bình Định, hiện trên địa bàn tỉnh Bình Định có 5 mỏ đất được ngành chức năng cấp phép và còn hiệu lực hoạt động, gồm: Mỏ đất tại khu vực phường Bùi Thị Xuân (TP Quy Nhơn); mỏ tại khu vực núi Dông Điều (xã Bình Nghi, huyện Tây Sơn); mỏ khu vực Ẹo Bà Nho (phường Nhơn Hòa, thị xã An Nhơn); mỏ khu vực núi Một (xã Cát Hanh, huyện Phù Cát); mỏ khu vực núi Chà Rây (xã Nhơn Tân, thị xã An Nhơn).
Tuy nhiên, theo khảo sát thực tế của chúng tôi, hiện trên địa bàn tỉnh Bình Định còn rất nhiều địa điểm đang có hoạt động khai thác, vận chuyển đất. Thực tế này đòi hỏi các địa phương và ngành chức năng liên quan tổ chức kiểm tra, rà soát tất cả các điểm khai thác; đồng thời xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Có như vậy mới mong hoạt động khai thác, vận chuyển đất trên địa bàn tỉnh đi vào trật tự, quy củ.