Hôm qua (21/9), hàng trăm người đã biểu tình trước cổng nhà riêng của cựu Tổng thống Afghanistan Burhanuddin Rabbani để phản đối vụ ám sát ông Rabbani ở thủ đô Kabul hôm 20/9.
Người Afghanistan cầm ảnh chân dung cựu Tổng thống Rabbani khi biểu tình tại Kabul hôm qua. Ảnh: AFP |
Theo cảnh sát và những người thân cận của ông Rabbani, vị cựu Tổng thống Afghanistan đã bị một người đàn ông giả làm đặc phái viên Taliban sát hại vào cuối giờ chiều ngày 20/9 tại nhà riêng của ông nằm trong khu vực ngoại giao của thủ đô Kabul – khu vực vốn đẫm máu suốt nhiều ngày qua bởi một loạt các vụ tấn công tự sát của Taliban giết hại 14 người.
Trong khi đó, Chủ tịch cơ quan điều tra tội phạm của cảnh sát Kabul, tướng Mohammed Zaher, cho hay một kẻ đánh bom đã kích nổ quả bom giấu trong khăn đội đầu của y và lấy cớ đến thăm để vào nhà ông Rabbani. Vụ đánh bom đã khiến cựu Tổng thống Burnanuddin Rabbani thiệt mạng cùng 4 nhân viên bảo vệ của ông này. Ngoài ra, còn có ít nhất 2 người khác bị thương, trong đó có một thành viên của Hội đồng Cấp cao vì hòa bình (HPC).
Vụ ám sát ông Rabbani có nguy cơ làm phức tạp hơn việc thiết lập một tiến trình hòa bình ở Afghanistan mà cho đến giờ chính thức vẫn bị Taliban từ chối, bất chấp lời kêu gọi của các nhà lãnh đạo phương Tây. Nó xảy ra trong bối cảnh Tổng thống Afghanistan Hamid Karzai chuẩn bị có cuộc gặp với Tổng thống Mỹ Barack Obama tại New York bên lề một cuộc họp của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc (LHQ). Tổng thống Karzai đã quyết định sẽ cắt ngắn chuyến công du của mình vì vụ việc này.
Ông Burnanuddin Rabbani. |
Từ sáng qua, hàng trăm người đã bắt đầu tập trung trước nhà của cựu Tổng thống bị ám sát, giơ lên những tấm chân dung của ông và những khẩu hiệu phản đối vụ giết người. Đa số người biểu tình đeo khăn đen trên đầu, ngồi trước cửa chính của ngôi nhà và đọc kinh Koran. Trong khi đó, nhiều quan chức chính phủ đến đây để khâm liệm thi hài vị cựu Tổng thống xấu số.
Cũng trong sáng qua, Afghanistan đã tăng cường lực lượng an ninh trên khắp các đường phố của thủ đô Kabul, đặc biệt tại các khu ngoại giao nơi có nhà riêng của ông Abbani.
Các đồng minh phương Tây của Kabul đã lên án vụ ám sát cựu Tổng thống Afghanistan Bunanuddin Rabba, song khẳng định rằng việc đó sẽ không thể ngăn cản tiến trình hòa bình ở nước này. Pakistan, nước thường xuyên bị Mỹ cáo buộc hỗ trợ cho lực lượng Taliban ở Afghanistan, cũng tố cáo vụ ám sát. Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon cũng lên án vụ ám sát ông Rabbani với “những lời lẽ cứng rắn nhất có thể”.
Ông Burnanuddin Rabbani, 71 tuổi, từng giữ cương vị Tổng thống Afghanistan từ năm 1992 đến năm 1996, sau đó là Chủ tịch danh dự của Liên minh miền Bắc, một tổ chức dân tộc, trong đó đa số là người dân tộc Tajik và Uzbek. Ông bị ám sát khi đang là Chủ tịch Hội đồng Cấp cao vì hòa bình Afghanistan từ ít nhất một năm nay, được Tổng thống Hamid Karzai giao việc nối liên lạc với với những người nổi dậy để thảo luận về hòa bình.
Trong bối cảnh chính trị hỗn loạn ở Afghanistan, ông Rabbani là quan chức cao cấp nhất của Afghanistan bị ám sát kể từ khi các nước phương Tây đổ vào nước này cuối năm 2001. Vụ ám sát ông Rabbani chỉ xảy ra hai tháng sau các vụ ám sát người anh em của Tổng thống Hamid Karzai, Ahmed Wali Karzai và Thị trưởng thành phố Kandahar.
Q.M (Theo AFP, BBC)