Thật bất ngờ khi ngang qua biển Thuận An những ngày này, khung cảnh hoàn toàn khác những khu vực biển khác.
Tất cả ngõ vào các bãi tắm này đều không có chốt chặn, lực lượng kiểm tra, đo thân nhiệt và quét mã QR. Tại các nhà hàng, việc đón khách cũng khá vô tư khi lượng khách vào ăn, tắm nước ngọt cũng đông không kém ngày thường.
Trên bãi xe, xe cộ xếp hàng dài kín. Xuống bãi cát, cả km nêm kín người, có người ngồi trên bãi, người xuống tắm, từng nhóm ăn uống, nói chuyện rôm rả. Đáng kể là không màng đến việc khử khuẩn, đeo khẩu trang, giữ khoảng cách. Cao điểm nhất, chiều ngày Chủ nhật - 23/5 vừa qua, ước tính có khoảng 1 vạn người đã tập trung về bãi biển này.
Bãi biển Thuận An xôn xao người giữa đại dịch COVID-19. |
Thời tiết nắng nóng, việc người dân có nhu cầu về biển tắm hóng mát là rất đỗi bình thường nhưng việc bất bình thường ở đây chính là nó diễn ra vào thời điểm chính quyền, các cấp, các ngành, các lực lượng y tế, cả xã hội đã phải gồng mình lên để đẩy “giặc dịch” mong cuộc sống sớm bình yên trở lại. Tại bãi biển này, những người vô ý thức vẫn chưa hiểu việc mình làm hôm nay có thể sẽ là gánh nặng cho xã hội ngày mai, khi mà dịch bệnh phức tạp như hiện nay và tỉnh Thừa Thiên Huế lại là “hàng xóm” của ổ dịch Đà Nẵng.
Đi dọc bãi biển Thuận An, những người bán hàng rong thì có người đeo khẩu trang, có người không đeo. "Bác có sợ lây nhiễm COVID-19 không? Đông như vậy lỡ có ai trong số khách đến đây nhiễm dịch thì phải làm thế nào?", tôi hỏi Đáp lại, người phụ nữ bán bánh bèo vô tư vừa ăn kem vừa nói: “Sợ chứ nhưng cũng phải bán mà kiếm miếng cơm cô ạ”.
Các cửa hàng tấp nập người ăn uống, qua lại... |
Trước việc bãi biển Thuận An đông người, cũng có người lý giải rằng có lẽ chính quyền và ban quản lý bãi tắm không ngăn chặn người dân tụ tập đông người ở bãi tắm biển Thuận An là do tỉnh mới quy định tạm dừng hoạt động ở các điểm, khu du lịch nhưng chưa quy định cấm tắm biển.
Điều đáng nói là cùng với các quy định của Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng chống dịch bệnh Covid-19, Ban chỉ đạo Phòng chống dịch của tỉnh Thừa Thiên – Huế cũng đã có thông báo ngày 11/5/2021, trong đó quy định rõ việc dừng các hoạt động hội họp, các sự kiện tập trung đông người không cần thiết; tạm dừng các hoạt động ở các điểm di tích lịch sử, văn hóa; các khu, điểm du lịch; biểu diễn văn hóa, nghệ thuật; thể dục, thể thao ngoài trời; công viên công cộng.
Riêng nơi công cộng, tỉnh yêu cầu thực hiện giữ khoảng cách tối thiểu 2m giữa người với người… Các quy định này đều áp dụng từ 0 giờ ngày 12/5/2021 cho đến khi có thông báo mới.
Quán cà phê ở thành phố Huế tuân thủ biện pháp chống dịch |
Ở nhiều nơi của tỉnh Thừa Thiên Huế, người kinh doanh đã ủng hộ các biện pháp của chính quyền đưa ra để đảm bảo an toàn bằng cách tuân thủ quy tắc được Bộ Y tế khuyến cáo sử dụng, thậm chí có chủ kinh doanh chấp nhận đóng cửa các quán cà phê, nhà hàng ăn dù chính quyền vẫn chưa yêu cầu nhưng xét thấy cần chung tay phòng chống dịch. Một số khác treo bảng thông báo nhận 10 khách/1 lượt, có quán còn ghi rõ chỉ phục vụ 45 phút -1h/lượt khách, nhất quyết từ chối khi khách tới nhưng quán đã đủ lượng người theo quy định … Bên cạnh đó, tỉnh Thừa Thiên Huế thời gian qua cũng đã xử phạt nhiều vụ liên quan đến vi phạm quy định phòng dịch đối với các quán cà phê, internet nhận quá số lượng khách.
Mặc dù đến nay công tác phòng chống dịch của tỉnh Thừa Thiên Huế có nhiều khả quan, nhiều ngày không ghi nhận có ca mắc mới, tuy nhiên không thể vì như thế mà các địa phương không thể lơ là, chủ quan, bởi nếu để người dân tụ tập đông người không tuân thủ các biện pháp chống dịch như tình trạng diễn ra trên bãi biển Thuận An thì chỉ cần có sơ suất, mọi công sức nỗ lực của nhiều người đều trở thành “muối bỏ bể”.