Trong bối cảnh đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng như hiện nay, việc áp dụng các biện pháp cụ thể nhằm xử lý tài sản, thu nhập kê khai không trung thực hoặc tài sản thu nhập tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được một cách hợp lý và điều rất quan trọng, cần thiết phải được quy định và thực hiện. Trách nhiệm giải trình của cán bộ, công chức, người có thẩm quyền không chỉ là trách nhiệm giải trình việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ mà còn bao gồm cả giải trình về nguồn gốc tài sản, gắn liền với công khai tài sản thu nhập.
Ở nước ta, tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn ngày càng được kiểm soát chặt chẽ hơn, từ việc không bắt buộc phải kê khai tài sản, thu nhập đến việc phải kê khai khá chi tiết nhưng không công khai bản kê khai. Tiếp đó là quy định bắt buộc công khai bản kê khai, bắt buộc yêu cầu giải trình nguồn gốc tài sản tăng thêm, quy định và có chế tài xử lý vi phạm đối với người kê khai không trung thực hoặc không giải trình một cách hợp lý.
Điều 59 Dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) cũng vừa đề xuất phương án xử lý tài sản thu nhập kê khai không trung thực hoặc tài sản thu nhập tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được một cách hợp lý.
Cụ thể, nếu tài sản, thu nhập thực tế của người có nghĩa vụ kê khai lớn hơn tài sản thu nhập đã kê khai hoặc có tài sản, thu nhập tăng thêm mà không giải trình được một cách hợp lý về nguồn gốc của tài sản thu nhập chênh lệch hoặc tăng thêm đó và chưa có căn cứ xác định do phạm tội mà có, thì trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày ban hành Kết luận xác minh tài sản, thu nhập, cơ quan, đơn vị kiểm soát tài sản thu nhập gửi Kết luận đó đến cơ quan quản lý thuế có thẩm quyền yêu cầu thực hiện việc thu thuế thu nhập cá nhân theo quy định của pháp luật về thuế.
Việc thu thuế này không loại trừ việc xử lý trách nhiệm hình sự và tịch thu tài sản đối với người kê khai, nếu các cơ quan tiến hành tố tụng trong quá trình giải quyết một vụ án hình sự có liên quan chứng minh được tài sản kê khai không trung thực, tài sản tăng thêm không giải trình một cách hợp lý có được hoặc có nguồn gốc từ hành vi phạm tội.
Đây là phương án được nhiều ý kiến quan tâm bởi kinh nghiệm quốc tế cũng cho thấy những ưu điểm của biện pháp này. Về lâu dài và để đảm bảo công tác phòng, chống tham nhũng có hiệu quả thì việc xử lý đối với các tài sản, thu nhập chênh lệch hoặc tăng thêm mà không giải trình được là rất cần thiết. Với điều kiện hiện nay, cần quy định tổng thể các biện pháp xử lý bao gồm cả hình sự, hành chính và dân sự.
Song cũng cần nghiên cứu kỹ lưỡng để đưa ra quy định về xử lý đối với tài sản thu nhập mà người kê khai đã kê khai không trung thực hoặc tài sản thu nhập tăng thêm không được giải trình một cách hợp lý bởi việc lựa chọn cách thức xử lý sẽ đòi hỏi phải sửa đổi, bổ sung một loạt các văn bản luật và dưới luật của nhiều lĩnh vực liên quan như Bộ luật tố tụng hình sự, Bộ luật tố tụng dân sự, các đạo luật về thuế hay văn bản quy phạm pháp luật về xử lý vi phạm hành chính…