Biển – Một không gian sống, chiến đấu và sáng tạo của Họa sỹ Bằng Lâm

Họa sỹ Bằng Lâm
Họa sỹ Bằng Lâm
(PLO) - Họa sĩ Bằng Lâm sinh năm 1944 tại Thái Lan, trong một gia đình có truyền thống cách mạng, từng được vinh dự đón Bác Hồ đến ở và làm việc. Nói như người xưa, thế là ông đã thuộc lứa tuổi "xưa nay hiếm". Nhưng, cứ nhìn vào gương mặt hồn nhiên, luôn được tỏa sáng bởi nụ cười cởi mở, vào dáng đi nhanh nhẹn và nhất là vào niềm say mê công việc của ông, tôi trộm nghĩ, ông vẫn còn rất thanh xuân. 

Giữa cuộc đời này, vẫn hiển hiện một Bằng Lâm họa sĩ và nhiếp ảnh gia, đồng thời là một trong những nghệ sĩ giữ những trọng trách trong hai hội nghệ thuật, hơn thế, một người rất say mê cống hiến cho các hoạt động xã hội nhằm thắt chặt các quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam và các nước anh em. Ông được tín nhiệm cử làm ủy viên Ban thường vụ Trung ương Hội Hữu nghị Việt Nam - Lào.

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống yêu nước và cách mạng, Bằng Lâm sớm trở thành một chiến sĩ quân đội nhân dân Việt Nam. Ở tuổi 20, ông tham gia chiến đấu ở Tiểu đoàn 7, Trung đoàn 102 thuộc Sư đoàn nổi tiếng 308, tiếp đó là họa sĩ Tổng cục Chính trị, Đoàn 559, rồi Trợ lý Tuyên huấn Cục Chính trị Bộ Tư lệnh Hải quân. Từ năm 1988 đến 2005, ông là cán bộ Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam, mang quân hàm Đại tá. Như vậy, trong cuộc đời hoạt động sôi nổi của mình, Bằng Lâm có ngót bốn thập kỷ chiến đấu bằng cây súng, cây cọ và máy ảnh - với tư cách một chiến sĩ, một nghệ sĩ, đã lăn lộn trên nhiều chiến trường, khi ở miền Nam thân yêu đầy gian khổ và tự hào, khi trên nước Bạn đầy máu lửa hy sinh. Từ chiến trường trở về, ông nhận công tác trong bộ đội hải quân, đã 15 năm trời gắn bó với binh chủng đặc thù này.    

15 năm ấy, ông có mặt trong các trung đoàn 171, 172 đơn vị lính thủy đánh bộ 106; đơn vị đặc công nước ở Cửa Việt, đoàn 125 (tàu khống số) mở đường mòn Hồ Chí Minh trên biển, được sống với những đơn vị anh hùng, những con người tiên tiến. Với tư cách một trợ lý tuyên huấn, Bằng Lâm liên tục ghi lại các hình ảnh (hội họa và nhiếp ảnh) cho tờ tin Hải Quân. Sau giải phóng, ông đến Trường sa và nhiều đảo khác như: Nam Yết, Sơn Ca, Song Tử Tây, Sinh Tồn…Có lẽ ông là họa sĩ đi Trường Sa nhiều nhất (8 lần); mỗi lần đi đều rất vất vả, khó khăn, nhưng nhờ thế Bằng Lâm mới hiểu rõ cuộc sống chiến đấu của hải quân ta giữa hoàn cảnh đầy gian khổ; thiếu lương thực thực phẩm, nước ăn hiếm hoi, trời nóng nực, thư nhà thất thường… Cuộc chiến đấu với những hy sinh thầm lặng ấy được ghi lại và lưu giữ trong nhiều bức tranh mà ông đã hoàn thành với những xúc động lớn của người họa sĩ tài năng, bên cạnh hàng nghìn tấm phim quí giá, làm nên ngót 80% số ảnh trong Bảo tàng Hải quân Việt Nam. Đó là một đóng góp lớn của ông.

Một lần, đã lâu, nhân trò chuyện với Bằng Lâm về việc vẽ và chụp ảnh nơi đảo xa, tôi có hỏi ông:

- Riêng đối với người chụp ảnh, ở đảo có gì đặc biệt ?

- Rất phong phú về ánh sáng - ông trả lời - Ánh sáng luôn luôn thay đổi. trước ở rừng chụp dễ hơn. Chụp ngoài đảo thừa ánh sáng, không khéo thì đen, cho nên phải chú ý ống kính, bố cục. Cắt cúp cũng phải riêng…

- Nhưng, đó là việc chụp ảnh. Còn với công việc vẽ thì sao ?

- Vẽ cũng vậy, khi bắt tay vào vẽ, bao giờ tôi cũng chú ý tính ổn định và hợp lý của việc phân mảng, vì nó sẽ tạo điều kiện cho việc xử lý màu và tìm hòa sắc. Hình đẹp, nét đúng sẽ tạo thêm vẻ hấp dẫn của các màu. Mối quan hệ giữa mảng nét và màu thống nhất hữu cơ với nhau. Màu nào của mảng nào đều có sự tính toán và không thể thay thế được… Biển và trời ở đảo tôi không tách riêng hai mảng với màu xanh nên thơ như ta thường thấy mà tôi dùng cả nền sáng vàng để diễn tả không gian bao la nhưng đầy sự đe dọa của thế lực thiên nhiên.

Là người vốn có hứng thú nghiên cứu hoạt động của các nghệ sĩ trên các loại hình nghệ thuật, trong đó có nghệ thuật tạo hình, tôi hỏi họa sĩ Bằng Lâm:

- Vẽ về biển, tôi thấy người ta thường khai thác những cảnh thơ mộng, như sóng bạc đầu, hải âu tung cánh trắng. Có tranh thể hiện người lính thủy đứng trên boong tàu, mắt dõi về một nơi nào đó xa xăm, những cánh buồm đỏ trắng nối nhau đổi gió, điểm xuyết cho đường chân trời thêm sinh động. Lại có người thể hiện những cảnh dữ dội, các đợt sóng gầm, những đụn mây vần vũ báo hiệu cơn giông sắp tới, những mảng bè bập bềnh trôi dạt thể hiện thiên nhiên hung dữ đang lăm le vùi dập con người trước biển cả mênh mông… Còn ở anh, cách thể hiện có khác ?

- Đúng là có khác. Trong ý đồ xây dựng tranh, tôi không dụng ý khai thác những vẻ đẹp hùng vĩ tráng lệ của biển mà muốn thông qua hình tượng nhân vật để diễn tả vẻ đẹp và sức mạnh bên trong người lính đảo. Qua nhiều lần ra đảo, tôi được chứng kiến cuộc chiến đấu thầm lặng mà vô cùng dũng cảm của các chiến sĩ hải quân - giữa thiên nhiên khắc nghiệt. Cảm nhận của tôi là: người lính thủy với dáng vẻ hiên ngang, hiên ngang đến bình thản với một lòng tin tuyệt đối vào sức mạnh của đồng đội, vào chính bản thân mình vì họ biết làm chủ thiên nhiên, làm chủ cuộc sống và mang một bản chất tốt đẹp của người chiến sĩ quân đội nhân dân. Ở đảo, tôi nhận thấy: hàng ngày, hàng giờ cuộc sống vẫn diễn ra một cách lạc quan, sôi nổi. Sau những buổi luyện tập mệt nhọc, sau những buổi tuần tra canh gác căng thẳng, những chiến sĩ trẻ ấy thật yêu đời, họ lao vào những cuộc vui nổ trời trên sân bóng hoặc các buổi biểu diễn văn nghệ với những tiết mục nhào lộn, sảng khoái hoặc sôi nổi đàm luận về một vấn đề gì đó của cuộc sống. Phải chăng, mọi sự chịu đựng giữa thiên nhiên nghiệt ngã đã trở thành bình thường đối với các anh ? Và tôi trăn trở: phải thể hiện cái phi thường cái chất anh hùng ca) của người lính đảo qua các hành động bình thường trong giờ phút nghỉ ngơi.

Câu chuyện của Bằng Lâm giúp tôi hiểu phần nào công việc sáng tác tranh của ông, nhưng điều lớn hơn là hiểu cuộc sống, tâm hồn những chiến sĩ ưu tú của chúng ta trên các đảo xa. Những ngày này, trên vùng hải đảo của chúng ta, bao sự kiện đang diễn ra nóng bỏng, sục sôi, lòng chúng ta càng dâng lên niềm kính phục, tin yêu, tự hào đối với những người con của nhân dân đang chiến đấu giữ vững chủ quyền và nền độc lập của Tổ Quốc.

Cũng trong câu chuyện thân tình và cởi mở ấy, tôi thấy ở Bằng Lâm một tấm lòng trìu mến sâu sắc đối với đồng đội của mình, điều đó được thể hiện lên các tác phẩm hội họa của ông, nổi rõ ở phong cách và quan niệm sáng tác. Mỗi nghệ sĩ, cũng như mỗi con người, bước vào đời - đều chịu ảnh hưởng bởi tâm hồn, tính cách, tài năng của bao người khác, trước hết của những người gần gũi nhất. Riêng trên lĩnh vực sáng tạo hội họa, Bằng Lâm tự nhận thấy: ông tiếp xúc và thể hiện các nhân vật của mình với tấm lòng trân trọng, yêu thương, nhân bản - và điều này bắt nguồn từ sự giáo dục, từ niềm yêu thương của người chị ruột từng hết lòng yêu thương em, chăm lo cho em trong cuộc sống và học tập. Với Bằng Lâm, người chị ấy (Vanida tức Em đích) là một tấm gương lớn về sự hy sinh, đã phải bỏ học để làm nghề thợ may nuôi em ăn học nên người. Tấm gương của chị Vanida được tỏa sáng từ truyền thống của ông cha, những người đã từng hết lòng chăm sóc, nuôi dưỡng các cán bộ tiền bối hoạt động trên đất Thái Lan, như Đặng Thúc Hứa, Lê Hồng Phong, Phạm Hồng Thái, Hồ Tùng Mậu, Lê Mạnh Trinh, Đặng Quỳnh Anh, Lê Thiết Hùng, đặc biệt là thầy Lang Tín - tức Chủ tịch Hồ Chí Minh sau này. Ông bà nội của Bằng Lâm cũng nhiều năm đi đầu trong phong trào gây dựng giải phóng quân Hải ngoại, nhiệt tình ủng hộ mùa đông binh sĩ, cúng đồ đồng để đúc súng đạn, góp tiền của nuôi bộ đội, làm gương cho các gia đình Việt Kiều, góp phần hiệu quả nhất trong việc chi viện cho kháng chiến trong nước. Ông nội Bằng Lâm - người được bà con Việt Kiều ta và đồng bào Thái Lan yêu mến gọi là "Cụ Hoe Lợi" - chính là người thanh niên yêu nước xứ Nghệ, ngót một thế kỷ trước đã vượt biên giới từ Tổ quốc thân yêu tìm đường cứu nước. Trước khi đi, người thanh niên đó đã vác một tảng đá lớn ném xuống dòng Mê Kông đang chảy xiết mà thề rằng:

"Không rửa được mối thù này, quyết không trở lại quê hương".

Sau này, bốn người con của "Cụ Hoe Lợi" được Bác Hồ đặt tên là "Cách - Mệnh - Thành - Công". Cụ đã động viên cả ba người con trai lên đường chiến đấu, bảo vệ Tổ Quốc. Người con cả là Nguyễn Bằng Sâm - thân sinh của họa sĩ Bằng Lâm mắc bệnh phải trở về, hai người em (Bằng Quế và Bằng Phụ) đã chiến đấu hy sinh oanh liệt, một tại mặt trận Na Mương đất nước Lào, một trên đất Chùa Tháp Campuchia. Cụ Hoe Lợi nén nỗi thương xót vô hạn trong lòng, nói với đoàn thể:

"Chúng nó đã chết vì dân vì nước, đó là cái chết vẻ vang, báo trung báo hiếu", "Chỉ thương các con chết giữa tuổi thanh xuân đầy hứa hẹn, không sống để tận hưởng gia tài to lớn, đó là Tổ quốc và Cách mạng !".

Lời của ông nội năm xưa khắc sâu vào tâm hồn, ý chí Bằng Lâm. Ra đời trên đất Thái Lan, Bằng Lâm được nuôi dưỡng tình cảm cách mạng, lại sớm bộc lộ năng khiếu hội họa, cậu có ý nguyện trở thành một họa sĩ và chiến đấu trong hàng ngũ những người chiến sĩ. Những giải thưởng về hội họa mà cậu thiếu niên Bằng Lâm được Tổng hội Việt Kiều yêu nước ở Thái Lan trao cho đã khích lệ cậu theo đuổi ước nguyện của đời mình.

Ngày trở về Tổ Quốc, Bằng Lâm ở tuổi 16 - tuổi của biết bao hy vọng, biết bao hoài bão. Anh hăm hở học chương trình cơ bản trong trường trung cấp mỹ thuật công nghiệp. Năm 1965, anh nhập ngũ và chiến đấu ở nhiều mặt trận. Từ miền Nam, anh gửi ra nhiều tác phẩm ký họa, thuốc nước, được trưng bày trong các triển lãm và giới thiệu trên các báo Văn nghệ, Văn nghệ Quân đội, như: "Tù binh ngụy trên đồi không tên", "Xe tăng 555 của Quân đội giải phóng nhân dân Lào chuẩn bị xuất kích", "Dũng sĩ diệt Mỹ Bình - Trị Thiên", "Trực chiến", "Chiến sĩ quân giải phóng", "Tổ vá săm", "Chuyển hàng", "Rút kinh nghiệm sau trận đánh"…Nhận xét về những tác phẩm đầu tay ấy, một nhà phê bình hội họa viết:

"Không phải là quá sớm nếu cho rằng Bằng Lâm đã tự xác định được một phong cách riêng. Phương tiện anh dùng thật đơn sơ: chỉ vài nét bút chì, bút sắt giản lược và chắc khỏe, anh đã nắm bắt được không khí những cảnh hành quân giữa thiên nhiên to rộng. Từ chuyện "Gửi gạo ra mặt trận" đến "Tù binh ngụy bị bắt trên đồi không tên", ngòi bút đồ họa có khả năng khái quát nhanh, đã dựng cảnh, dựng người đâu ra đấy. Thuốc nước, bột màu của anh cũng đẹp, gợi cảm".

Những năm ấy, Bằng Lâm còn trẻ lắm, mới ngoài 20 tuổi. Với nhiệt huyết và tài năng, anh xông xáo trên các chiến trường, nắm bắt và ghi lại những gì đang diễn ra vô cùng ác liệt, giữa làn bom đạn, rừng già thác cuốn… Ở chiến trường, anh rất vui được biết: tranh của anh và các đồng nghiệp từ miền Nam gửi ra đã được Bác đến xem ở phòng tranh Quân đội nhân kỷ niệm ba ngày lễ lớn: 19, 20 và 22 - 1968.

Như đã nói, từ năm 1972, họa sĩ Bằng Lâm được điều về công tác ở Bộ Tư lệnh Hải Quân - 15 năm liên tục sống, chiến đấu và sáng tác, Bằng Lâm ghi một chặng đường trưởng thành trong môi trường mới cả về chính trị và nghệ thuật. Phong cách sáng tác hình thành từ trước đây được bổ sung và hoàn thiện ngày càng rõ rệt. Từ chỗ tả thực, họa sĩ "thổi" vào đối tượng phản ánh những cảm xúc lãng mạn, lạc quan, có sự hòa quyện giữa hiện thực cuộc sống và tâm hồn nghệ sĩ. Hàng loạt tác phẩm ưu tú lần lượt ra đời, làm cho tên tuổi Bằng Lâm gắn liền với mỹ thuật dưới đề tài Hải quân Việt Nam - một bộ phận của sáng tác về lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng. Suốt trong thập kỷ 70 và 80 của thế kỷ trước, những người yêu nghệ thuật được chiêm ngưỡng các tác phẩm của ông, như: "Cây phong ba", "Lau sàn tàu", "Sửa chữa pistôn tàu", "Đọc báo trên đảo", "Chúng tôi lính Trường Sa", "Trên boong tàu I", "Trên boong tàu II", "Trú quân bến cảng", "Lau pháo", "Sinh hoạt đoàn", "Chiến sĩ Hải quân", "Biển và lính đảo", "Lính thủy và mặt trời", "Đặc công Hải quân", "Tuần tra", "Đảo Trường Sa", "Trong khoang tàu", "Nhớ biển số 14", "Lính đảo", "Sửa chữa tàu"…

Trong một cuộc trò chuyện cùng họa sĩ Bằng Lâm, tôi có hỏi ông về quá trình sáng tác tranh "Đọc báo trên đảo", càng hiểu chủ định của tác giả khi thể hiện cái phi thường qua các hành động bình thường của người lính đảo. Tôi nghĩ: vẽ đúng với hiện thực, cũng chưa thể hội tụ các yếu tố làm nên các bức ký họa đẹp; điều cốt yếu là sự cảm nhận, cảm xúc tự tâm hồn người họa sĩ được "thổi" vào những nét vẽ. Muốn có điều cốt yếu đó, người nghệ sĩ phải có sự trải nghiệm, có sức rung động trước đối tượng của mình. Họa sĩ Bằng Lâm tâm sự:

- "Sở dĩ tôi chọn hoạt động (đọc báo) vì đó là hoạt động bình thường của anh em chiến sĩ, nhưng khác ở chỗ: báo chí không chỉ là một hoạt động mang tính chất giải trí đơn thuần mà còn có nhu cầu thông tin không thể thiếu được. Cuộc sống gian khổ nơi đảo xa không làm cho tâm hồn người chiến sĩ khô cằn đi, họ không sống một cách nhẫn nhục, cam chịu, qua loa đại khái, mà ngược lại họ mang trong mình những tình cảm lớn, những khát vọng lớn. Báo chí giúp cho họ sự hiểu biết nhiều mặt, giúp họ kịp thời nắm bắt những thông tin về các sự kiện của đất nước và thế giới… qua đó, họ như tiếp nhận được hơi thở của cuộc sống hàng ngày…

Như vậy là, giữa người nghệ sĩ và các chiến sĩ có một sự đồng cảm rất kỳ diệu.

Nhớ lần đầu thực sự ra khơi, Bằng Lâm không giấu được nỗi niềm xúc động:

"Biển trời mở rộng, tầm nhìn bao la. Con tàu gặp biển tưởng chừng như đứa bé gặp mẹ, đùa dỡn với lớp lớp sóng cồn vô tận, như vồn vã chào mừng những cánh buồm nhấp nhô của đoàn thuyền đánh cá cắn đuôi đuổi gió, điểm xuyết cho đường chân trời thêm đẹp, thêm xinh. Cảm giác mới lạ này ban đầu tưởng như phù hợp với tâm hồn nhà thơ hơn tâm hồn họa sĩ, vì mọi thứ trở nên bồng bềnh, kể cả những đảo, những núi xa xa… Trong khi tôi bàng hoàng vì sóng gió thì tất cả cán bộ và chiến sĩ hải quân phân đội bảy xung quanh tôi vẫn hăng hái luyện tập, thực hiện tinh thần "Anh dũng chiến đấu khắc phục khó khăn, quyết đánh quyết thắng". Tiếng hô dõng dạc át gió, nòng súng sẵn sàng nhả đạn, con tàu lao mình xé sóng tạo thành cái đẹp, hợp đồng thao tác, khiến con tàu thành một cơ thể hoàn chỉnh, một hiện thực làm chủ biển khơi".

Từ kỷ niệm tràn đầy cảm xúc đó, người họa sĩ trẻ suy nghĩ: Rõ ràng hiện thực bao giờ cũng giữ vai trò của một người thầy nhất định, lôi cuốn chúng tôi một cách tự nhiên và hào hiệp. Cái giàu, cái đẹp cụ thể của thiên nhiên được thể hiện với động tác lao mình như én lượn của anh em thủy thủ trên boong tàu vào vị trí sẵn sàng chiến đấu, với dáng điệu hiền hòa của người thủy thủ mắt đăm đăm dõi theo xa xăm xanh biếc bốn bề sóng vỗ, hoặc với tư thế thoải mái trẻ trung của anh chiến sĩ kể lại phân đội anh đã bắn lộn cổ những "con ma" Mỹ vào nộp mạng lần đầu ngày 5 tháng 8 năm 1964.

Hiện thực "phong phú và đẹp đẽ" đó khích lệ người nghệ sĩ trong sáng tác của mình. Những nét vẽ hiện lên trong óc, trong tâm hồn, dần dần được ghi lại trên trang giấy. Anh muốn thể hiện thật sinh động cuộc sống của người chiến sĩ hải quân luôn luôn vật lộn với sóng gió. Anh trải nghiệm cả tiết trời mùa thu mà mặt boong tàu vẫn nóng, trong khoang tàu vẫn như cái lò hấp. Và kia, anh chiến sĩ cơ điện đứng tựa lan can, trong vẻ mặt phóng khoáng, tươi cười, nhưng đôi lông mày vẫn nhíu liền một nét lo trách nhiệm. Tất cả những chi tiết đó khắc họa lên tác phẩm nghệ thuật thật là hài hòa, tuyệt diệu; nó nói lên đầy đủ: "Tàu là nhà, biển cả là quê hương"; nó bổ sung cho cái khái niệm "Đất nước ta giàu đẹp" đã ăn sâu trong tâm hồn của người công dân, của người chiến sĩ, của người nghệ sĩ - thật ra không chỉ nằm trong phong cảnh thiên nhiên tráng lệ, ở tài nguyên phong phú, vô tận mà còn ở tinh thần quật khởi của những con người bảo vệ đất nước.

Bằng Lâm, đứa con từ một gia đình từng gắn bó với vị lãnh tụ tối cao của dân tộc, đã hòa vào niềm vui, niềm tự hào của các chiến sĩ hải quân khi được Người đến thăm. Đó là một trong những lý do vì sao anh say sưa thể hiện trên tác phẩm của mình tình cảm của Người đối với bộ đội hải quân và niềm kính yêu, tin tưởng của các thủy thủ dành cho vị Cha già. Mãi mãi họ nhớ lời Người dạy: "Trước kia ta chỉ có rừng núi, có đêm; ngày nay ta có thêm sông, thêm biển, thêm ban ngày. Bờ biển ta dài, giàu và đẹp, đất nước ta bao la; ta phải biết giữ lấy nó".

Từ buổi đầu cùng các chiến sĩ hải quân vượt trùng khơi, Bằng Lâm luôn tâm niệm: đối với ông, cũng như các đồng nghiệp khác, hải quân là một vùng đất thuận lợi cho thu hoạch sáng tác. Ông rất cảm ơn "vùng đất" ấy - nơi có những người con thân yêu của Tổ Quốc ngày đêm canh giữ biển trời và ông hứa được sống gắn bó lâu dài với họ.

Điều đáng quí đặc biệt trên con đường sáng tạo nghệ thuật của Bằng Lâm là ở chỗ: ông luôn luôn tìm cách đổi mới mình trong phong cách thể hiện. Ông cho biết:

- "Tôi vẽ không giống hiện thực nên thường mượn nhiếp ảnh làm công cụ, phương tiện biểu hiện sinh động cái hiện thực còn thiếu trong mỗi sáng tạo hội họa. Nghĩa là, nhiếp ảnh với tôi cốt để thay đổi trạng thái hoạt động nghệ thuật chưa đạt đến hết tầm".

Trở lại với tác phẩm "Đọc báo trên đảo", họa sĩ Bằng Lâm thổ lộ:

- " Trong một phác thảo, tôi đã chọn hình tượng hai anh lính hải quân đang ngồi đọc báo. Bố cục ở tư thế này, tranh có phần cân đối và sẽ gợi lên những mảng đẹp, nét đẹp trong phong cách tạo hình, tạo dáng nhân vật. Nhưng chủ đề tư tưởng chưa bật ra được. Ở bố cục này, tôi có ý để các anh đứng đọc báo cùng với dáng đứng của cây phong ba. Tranh "Đọc báo trên đảo" được sử dụng chất liệu sơn dầu với bút pháp thiên về đặc tả . Không gian và con người ở đây không man mác chất thơ, chất trữ tình bay bỗng mà đằm thắm, dung dị toát ra từ sức mạnh nội tâm và chiều sâu nhân vật".

Nghe ông tâm sự, tôi như bị cuốn hút vào vẻ đẹp của tác phẩm: dưới bóng râm ít ỏi của cây phong ba, các chiến sĩ hải quân (với dáng cân đối, khỏe mạnh biểu thị cho sự cường tráng của tuổi trẻ) đang đứng đọc báo, được bố cục cận cảnh chính giữa tranh. Bên cạnh họ, lùi về phía sau một chút là cây phong ba không vẽ hoàn chỉnh mà chỉ cúp lấy một phần nhằm phục vụ cho ý đồ so sánh. Phía sau họ là dải cát vàng chạy ngang tranh tạo ra những mảng đối lập với mảng đứng của nhân vật… Hai con chim hải âu kiếm ăn dưới gốc cây phong ba vừa gợi được không khí sinh động cho tranh vừa nói lên sự thân thuộc giữa những người lính hải quân và chim biển…

Hiểu được những gì Bằng Lâm nói, tôi ngắm mãi cánh chim biển trong tranh và chợt nhớ đến những đàn chim tung trời mà ông đã ghi lại trên nhiều tác phẩm nhiếp ảnh của ông. Ông nhìn tôi cười:

- Trường Sa tháng 6 rất nhiều chim ! chim nhiều vô kể !

Có lẽ chưa ai chụp nhiều chim như thế ! Tôi siết chặt tay ông, khẽ hỏi:

- Phải chăng anh muốn nói rằng: như đàn chim ấy, các chiến sĩ ta cũng đông và hiên ngang tung cánh trên bầu tròi đầy giông bão nơi đảo xa ?

Vâng, sự "tung cánh" của đàn chim biển là một thứ ngôn ngữ từ trong tâm hồn, từ trong phong cách của người họa sĩ. Cũng như vậy, vô cùng thú vị, khi tôi nghe ông nói về hìnhmàu trong tranh của ông. Đâu có phải người họa sĩ nào cũng dễ dàng nhận ra hìnhmàu trong thiên nhiên, trong cuộc sống ? Phải thừa nhận rằng, Picasso là một thiên tài về màu. Gần gũi với ông - một điều may mắn - Bằng Lâm có người bạn đời và đồng nghiệp rất giỏi trong việc nhận biết màu sắc, giỏi đến mức như "trời phú" - đó là Mai San, người dân tộc Nhắng ở Sapa, vốn cùng học ở Đại học Mỹ thuật Hà Nội. Có người nhận xét: Phong cách nghệ thuật của Bằng Lâm và Mai San có nhiều nét tương đồng. Một nữ họa sĩ khác lại tác động nhiều đến ông về hình, đó là Đỗ Thị Ninh, có tài điều khiển bằng hình; tranh của bà có những đường chân trời, sự chuyển động ngả nghiêng của cây cối, thật sinh động. Và kia là Phạm Lực, người họa sĩ cùng tuổi đời, đã kết nghĩa anh em, có cái nhìn sắc sảo cả về hìnhmàu, một con người không ngừng sáng tạo, ngày nào cũng vẽ.

Trên đây - nếu có thể nói được - là các dòng chảy dồn tụ vào phong cách sáng tác của Bằng Lâm trong hội họa. Cũng có thể nói đến những dòng chảy khác, trong đó có thiên nhiên (mà Bằng Lâm chịu ảnh hưởng khá mạnh bởi các hoa văn của Hoàng thành Thăng Long, bởi rêu phong trên bức tường xây cột cờ Hà Nội). Và nữa: tranh của các em thiếu nhi đem đến cho ông sự hồn nhiên, ngây thơ, trong sáng.

Từ một cán bộ tuyên huấn, trước đây Bằng Lâm vẽ chủ yếu để phục vụ tuyên truyền, để cổ vũ thế hệ trẻ xông vào các mặt trận sản xuất và chiến đấu. Bây giờ và mãi mãi về sau, ông vẫn vẽ để phục vụ cho lý tưởng của mình, nhưng, đồng thời với mục tiêu cao đẹp ấy, ông không ngừng tự đổi mới mình, trước hết là ở phong cách nghệ thuật: sẵn sàng phá vỡ không gian, phá vỡ hình và màu, vươn tới thể hiện tình cảm, thể hiện cái tôi của người nghệ sĩ. Và như vậy, tác dụng tuyên truyền, giáo dục, cổ vũ càng đạt hiệu quả cao.

Biển - môi trường sống, chiến đấu và sáng tạo vô cùng phong phú và thuận lợi sẽ giúp ông không ngừng đi tới trên con đường nghệ thuật của mình. Những ai từng có mặt trong các triển lãm tranh trước đây của Bằng Lâm, như: "Biển và Rừng", "Biển và người chiến sĩ", "Chân dung người chiến sĩ"…, đến triển lãm nhân 70 tuổi đời của ông sẽ có những cảm nhận mới về ông, trong cách nhìn cũng như trong phương pháp biểu cảm bằng nghệ thuật.

Tin cùng chuyên mục

Toàn cảnh Hội nghị

Lai Châu đề xuất xây dựng cảng hàng không

(PLVN) -   Tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương và phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6 năm 2022 về tình hình kinh tế - xã hội tháng 6, 6 tháng năm 2022 và triển khai các Nghị quyết của kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu Trần Tiến Dũng đã đề xuất với Bộ Giao thông Vận tải sớm đề xuất đầu tư cảng hàng không Lai Châu trình Thủ tướng Chính phủ.

Đọc thêm

Hà Giang: Khởi sắc trong phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội

Hà Giang: Khởi sắc trong phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội
(PLVN) - Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận, ủng hộ, chia sẻ, tin tưởng của cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân và sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, sâu sát, triển khai đồng bộ nhiều nhiệm vụ, giải pháp linh hoạt, hiệu quả của UBND tỉnh Hà Giang. Kinh tế – xã hội 6 tháng đầu năm 2022 đã có nhiều tín hiệu khởi sắc trên các lĩnh vực.

Lạng Giang (Bắc Giang): Điểm sáng trong “bức tranh” kinh tế - xã hội tỉnh Bắc Giang

Hệ thống cơ sở hạ tầng huyện Lạng Giang được đầu tư đồng bộ
(PLVN) -  Bằng sự quyết tâm, quyết liệt, linh hoạt, sáng tạo trong lãnh đạo, chỉ đạo cùng với sự chung sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị, 6 tháng đầu năm 2022, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Lạng Giang (tỉnh Bắc Giang) đã đoàn kết, đồng lòng thực hiện tốt “mục tiêu kép”; vừa triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch vừa phát triển kinh tế, nâng cao đời sống cho bà con nhân dân.

Tỉnh ủy Vĩnh Phúc ra mắt Phòng họp không giấy E-cabinet

Tỉnh ủy Vĩnh Phúc ra mắt Phòng họp không giấy E-cabinet
(PLVN) - Chuyển đổi số là một xu thế và yêu cầu tất yếu trong bối cảnh hiện nay, tác động ngày càng mạnh mẽ đến tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế, xã hội, mở ra nhiều cơ hội, tạo điều kiện để các địa phương nắm bắt, bứt phá vươn lên.

Hoàn thành mô hình 3D Vườn Quốc gia Cúc Phương

Hoàn thành mô hình 3D Vườn Quốc gia Cúc Phương
(PLVN) - Ngày 5/7, tại Ninh Bình, Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) phối hợp cùng Vườn Quốc gia (VQG) Cúc Phương tổ chức Hội thảo Báo cáo kết quả tham vấn "Xây dựng mô hình 3D có sự tham gia của cộng đồng tại VQG Cúc Phương".

Khảo sát, thống nhất phương án hướng tuyến giao thông kết nối huyện Ba Bể sang huyện Na Hang

Quang cảnh buổi làm việc của Đoàn công tác tỉnh Bắc Kạn tại tỉnh Tuyên Quang
(PLVN) -  Ngày 3/7, đoàn công tác của tỉnh Tuyên Quang do ông Chẩu Văn Lâm, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã có buổi làm việc với đoàn công tác tỉnh Bắc Kạn để thống nhất phương án hướng tuyến giao thông kết nối huyện Na Hang (Tuyên Quang) sang huyện Ba Bể (Bắc Kạn).

Giám đốc Công an tỉnh Bạc Liêu khen thưởng cho cá nhân đạt thành tích trong Hội thao PCCC

Giám đốc Công an tỉnh Bạc Liêu khen thưởng cho cá nhân đạt thành tích trong Hội thao PCCC
(PLVN) -  Chiều ngày 4/7, Công an tỉnh Bạc Liêu tổ chức lễ công bố Quyết định khen thưởng đột xuất cho các cá nhân có thành tích xuất sắc trong Hội thi thể thao nghiệp vụ cứu nạn, cứu hộ toàn quốc lần thứ II, vòng loại năm 2022 tổ chức tại thành phố Cần Thơ. Đại tá Lê Thanh Hùng - Phó Giám đốc Công an tỉnh dự và chủ trì lễ trao thưởng.